05/08/2013 08:30 GMT+7

Đừng để có thêm những cái chết oan ức

THIÊN DI
THIÊN DI

TT - Tang tóc từ vụ chìm canô trên biển Cần Giờ (TP.HCM) quá lớn và đau thương khiến người ta không khỏi giật mình nhìn và thấy ngay những thảm họa tương tự cứ treo lơ lửng mỗi ngày khi hàng ngàn người qua lại cũng trên vùng biển này.

Thật vậy, mới hôm 26-7, tức đúng một tuần trước thảm họa canô “H.29-BP”, một tàu cánh ngầm của Hãng Greenlines đang trên đường chạy từ Vũng Tàu về TP.HCM bất ngờ bị chết máy và trôi tự do trên sông rồi va trúng cọc tiêu khiến khoang cuối của chiếc tàu bị nước tràn vào, khói đen từ buồng máy bốc lên. Mãi một giờ sau, máy phụ mới chịu nổ… để cho con tàu bò về đến bến.

Không rõ sau vụ này đã có một cuộc họp “dứt khoát“ nào hay không, song sau đó các hãng tàu cánh ngầm vẫn tiếp tục những chuyến tàu “bão táp” như đã từng thấy trong suốt quá trình hoạt động từ năm 1995 với những con tàu “cũ người mới ta” của Liên Xô cũ, cứ chạy hết vòng đời của cỗ máy “zin” là đại tu thay máy… Máy “quá đát” thì đại tu, thân và vỏ tàu đem “tút” lại, đem kiểm định là xong. Thành ra những chuyến tàu “bão táp” đó cứ đều đều lên báo. Hơn ai hết, những người trong cuộc trên các con tàu đó là thủy thủ đoàn đã đúc kết thành kinh nghiệm sống còn như sau: “Thủy thủ lúc nào cũng đứng ở cửa tàu, sẵn sàng cho tình huống xấu. Họ biết chắc rằng ngồi trong tàu là không an toàn” - theo mô tả của ông Vũ Ngọc Thảo, giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ một ngày trước vụ tàu “trôi sông” chiều 26-7 trên website của chính Bộ GTVT (“Mối lo tàu cánh ngầm”).

Cũng may là chưa xảy ra một vụ tang tóc nào như chiều 2-8! Song nếu so sánh chiếc canô “H.29-BP” còn mới với những chiếc tàu cánh ngầm hiện đang khai thác lộ trình TP.HCM - Vũng Tàu, e rằng với các con tàu “đồng nát” đó, chưa tang tóc quả là phước lớn! Theo giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sở của ông đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp về độ an toàn của các tàu cánh ngầm hơn 20 tuổi này. Nguy cơ không chỉ ở độ tuổi của các tàu, mà còn ở chính sự điều động chúng. Trong số các tàu cánh ngầm đang khai thác, có chiếc “may mắn” có hai động cơ, nhưng có chiếc chỉ có một động cơ chính mà thường chỉ được chở khách chạy trên sông, tức không phù hợp với hành trình TP.HCM - Vũng Tàu, nhất là khi đi qua vịnh Gành Rái rộng hơn 10 hải lý, thường có sóng to gió lớn, thời tiết biến động bất thường, nhất là vào mùa mưa.

Làm thế nào mà những chiếc tàu một máy đó lại có thể được phép “hùng dũng” rời sông ra biển với 75 hành khách mỗi chuyến? Ngay cả những chiếc tàu cánh ngầm có hai máy như chiếc của Hãng Greenlines trôi sông hôm 26-7, khi máy chính hỏng, máy thứ hai cũng tắc tị suốt một tiếng! Vậy mà người ta vẫn cứ cho phép tàu một máy tự do chở 75 khách trên biển. Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một ngày trước vụ tàu Greenlines trôi sông, than: “Chúng tôi đã có năm văn bản kiến nghị cơ quan thẩm quyền không cho phép tàu một máy hoạt động trên tuyến này nữa, hoặc tạm ngưng cấp phép chạy trong mùa mưa vì quá nguy hiểm, nhưng vẫn chưa có kết quả”.

Không thể coi thường sinh mạng của hàng ngàn con người phải đi trên những con tàu hơn 20 tuổi ấy, nhất là những con tàu một máy lẽ ra chỉ được dạo chơi trên sông! Chẳng ai muốn chết oan cả.

___________

Tin bài liên quan:

Đã tìm được thi thể thứ 7 trong vụ lật ca nôCanô gặp nạn ở Cần Giờ chở khách khi đang sửa chữa 6 giờ vật lộn với tử thần tại biển Cần Giờ Kỳ nghỉ cuối tuần đẫm nước mắtHành khách đu trên thân ca nô lật nghiêng nhiều giờNgười trên tàu không đủ áo phao!Ca nô chở khách bị chìm, 9 người mất tíchTìm thấy thêm một thi thể nạn nhân chìm tàuGiây phút 21 nạn nhân sống sót trong ca nô H29 cập bờ

THIÊN DI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên