Cử tri đi bầu ở thủ đô Berlin trong ngày bầu cử quốc hội 26-9 - Ảnh: AFP
Ngày 26-9, cử tri trên khắp nước Đức đổ về các địa điểm bỏ phiếu để bầu đại biểu quốc hội, gián tiếp lựa chọn chính phủ mới lãnh đạo đất nước và thủ tướng kế nhiệm bà Angela Merkel. Sự kiện này đánh dấu ngày bà Merkel chính thức rút lui sau 16 năm dẫn dắt nước Đức không mệt mỏi.
Thăm dò cử tri trong tuần cuối cùng cho thấy cạnh tranh rất sát nút, trong đó Đảng Dân chủ xã hội (SPD) tiếp tục dẫn trước liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel với khoảng cách ngắn - tạo nên cuộc đua thật sự đầu tiên sau khi bà Merkel không ra tái tranh cử.
"Kể từ năm 2005, chúng ta đã biết Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo luôn là đảng mạnh nhất và sẽ không có ai có thể hoặc dám thành lập một chính phủ đối lập với họ" - ông Thorsten Benner, giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu (Berlin), nhận xét.
Theo Đài DW, bỏ phiếu sẽ kết thúc ở Đức vào lúc 18h địa phương và cục diện kết quả sẽ rõ ràng hơn trong ngày thứ hai (27-9).
Ông Olaf Scholz của Đảng SPD - ứng viên tiềm năng nhất cho ghế thủ tướng Đức - kết thúc chiến dịch vận động tranh cử ở Postdam vào ngày 25-9. Ông bày tỏ mong muốn được liên minh với Đảng Xanh, cam kết các chính sách xã hội như lương tối thiểu 12 euro/giờ, không tăng tuổi hưu...
Về phần mình, bà Merkel trong những ngày cuối trước bỏ phiếu chống lưng mạnh mẽ cho người thừa kế Armin Laschet, dù ông này khá mờ nhạt so với những người khác. Trong buổi vận động cuối ở thành phố Aachen vào ngày 25-9, bà Merkel nhấn mạnh ý nghĩa của bầu cử lần này là "giữ cho nước Đức ổn định".
Việc ông Scholz từ chối loại trừ khả năng thành lập một liên minh với Đảng Cánh tả Đức gây không ít lo lắng. Liên minh bảo thủ hiện nay của bà Merkel cho rằng nếu điều này xảy ra đồng nghĩa với việc một xu hướng mới, khác với "dòng chảy" hiện nay ở Đức.
Thủ tướng Merkel một mặt bác bỏ khả năng CDU/CSU lập liên minh với Đảng Cánh tả Đức, song mặt khác cũng cho rằng đây vẫn còn là câu hỏi để ngỏ với Đảng SPD. Bà nhấn mạnh: "Trong bối cảnh này, giữa tôi và ông ấy, đơn giản sẽ có một sự khác biệt lớn cho tương lai của nước Đức".
Bất kể kết quả cuối cùng ra sao, có một điều đã rõ ràng: Thời của những chính đảng có thể nắm hơn 40% lá phiếu đã là dĩ vãng, và điều này sẽ có những hệ lụy lâu dài đối với sự ổn định của nền chính trị Đức.
Sau bầu cử, gần như chắc chắn sẽ cần một liên minh 3 đảng để hình thành thế đa số và các đảng sẽ phải thương lượng trong nhiều tháng để thỏa hiệp các chính sách lớn như đối ngoại, thuế, bảo vệ khí hậu...
"Chúng ta đang dần tiến đến một tình thế giống với hệ thống chính đảng của Hà Lan. Tôi cho rằng đây là sự khởi đầu của sự biến động và phân mảnh chính trị ở Đức" - chuyên gia Benner của Viện Chính sách công toàn cầu nhận định.
Giới phân tích nhận định,trong tình huống không có đảng nào có khả năng giành kết quả vượt trội để tự đứng ra thành lập chính phủ, những đảng nhỏ hơn của Đức như Đảng Dân chủ tự do (FPD) và Đảng Cánh tả Đức sẽ là "ẩn số" khó lường.
Cái bóng vĩ đại của bà Merkel
Trong 16 năm lãnh đạo nước Đức, bên cạnh nhiều lời khen và sự kính nể, Thủ tướng Angela Merkel cũng hứng chịu không ít chỉ trích của dư luận. Song có một chuyện không thể phủ nhận ở bà là khả năng nắm bắt dư luận và tài năng lãnh đạo chính trị.
Đức là một đất nước đa đảng đúng nghĩa, nơi mà không một đảng phái nào nắm giữ số đông trong bộ máy chính trị của cả nước.
Năm 2005, bà Merkel trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Đức. Điều bà làm thành công nhất đó là liên kết các đảng lại với nhau để giữ tầm ảnh hưởng của bà trong bộ máy nhà nước, qua đó giúp bà nắm giữ chức vụ thủ tướng liên tiếp 4 nhiệm kỳ.
Là phụ nữ cũng là một lợi thế lớn của bà Merkel. Thế kỷ 21 nhấn mạnh sự đấu tranh giành quyền bình đẳng giới tính cho nên bà Merkel hay bà Ardern (thủ tướng New Zealand) đã trở thành những tượng đài tiêu biểu cho những nhà đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ. Bà Merkel rất giỏi sử dụng lợi thế này của mình để kêu gọi sự ủng hộ của người dân.
Tài năng của bà Merkel không chỉ nằm ở hình ảnh của người phụ nữ quyền lực, bà còn nổi tiếng với khả năng đối đầu với những cuộc khủng hoảng trên thế giới. Ở Đức, bà Merkel được xem như là biểu tượng của sự bền vững.
Trước kỷ nguyên Merkel, nước Đức rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong nhiều năm khi tỉ lệ thất nghiệp lúc bấy giờ lên hơn 11%. Năm 2008, khi toàn thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế thì kinh tế nước Đức không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng nhờ tài lèo lái của thủ tướng đầu tiên xuất thân từ Đông Đức.
Nước Đức dưới kỷ nguyên Merkel nhanh chóng trở thành thủ lĩnh chính trị và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) với tầm ảnh hưởng lớn mạnh trên thế giới. Hiện nay, người dân Đức được tận hưởng một nền kinh tế vững mạnh.
Kể cả trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, kinh tế nước Đức vẫn bền vững hơn so với các nước khác. Thành công trong việc xoay chuyển kinh tế của Đức chứng minh được khả năng lãnh đạo tuyệt vời của bà Merkel.
Bà Merkel còn được biết đến là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe. Năm 2011, trước áp lực của dư luận sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhà máy Fukushima (Nhật), bà đã thuận theo ý phần lớn dân Đức khi quyết định ban hành bộ luật thay đổi nguồn năng lượng của Đức.
Bắt đầu năm 2011, nước Đức từng bước một thay thế các nhà máy năng lượng hạt nhân bằng các nguồn năng lượng sạch và tròn 10 năm sau (2021), năng lượng sạch trở thành nguồn năng lượng chính của cả nước.
Nhưng khả năng lãnh đạo và uyển chuyển trong tư tưởng chính trị của bà Merkel không phải lúc nào cũng đem lại thành công trong sự nghiệp chính trị. Năm 2015, bà Merkel hứng chịu bão chỉ trích từ dư luận trong nước khi quyết định mở cửa biên giới để đón nhận những người tị nạn ở Syria.
Dù vậy, nhìn lại 16 năm qua, dưới sự "chèo lái" của bà Merkel, "con thuyền" nước Đức đã vượt qua nhiều sóng gió để gặt hái nhiều thành công và được thế giới kính nể. Bất kể ai kế thừa di sản chính trị của bà Merkel, người đó sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách để vượt ra khỏi cái bóng chính trị vĩ đại của bà.
VỸ AN
Ông Scholz đang dẫn đầu cuộc đua
Theo kết quả thăm dò sau cuộc tranh luận trên truyền hình, có tới 36% số ý kiến ủng hộ ông Scholz trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Merkel, trong khi bà Annalena Baerbock (chủ tịch Đảng Xanh và là ứng cử viên thủ tướng của đảng này) đứng thứ hai với 30%, và ứng cử viên Armin Laschet của CDU/CSU đứng cuối với 25% số ý kiến ủng hộ.
Tỉ lệ đi bỏ phiếu tính đến 14h ngày 26-9, giờ địa phương, là 36,5%, thấp hơn so với 41,1% của đợt bỏ phiếu trước, nhưng chưa gồm số phiếu bầu qua thư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận