Ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AP, ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV), tin rằng hiện có hơn 10.000 người Đức đang bị các nhân viên tình báo Trung Quốc săn lùng với mục tiêu thuyết phục, tuyển dụng họ trở thành chuyên gia cố vấn, săn đầu người hoặc nhà nghiên cứu cho họ, chủ yếu trên mạng xã hội việc làm LinkedIn.
Ông Hans-Georg Maassen nhận định: "Đây là một âm mưu có mục tiêu tác động tới nhiều lĩnh vực hoạt động, hòng xâm nhập các nghị viện, các bộ và cơ quan chính phủ cụ thể".
Cũng theo ông Hans-Georg Maassen, các hacker Trung Quốc đang tăng cường triển khai nhiều cuộc tấn công nhằm vào các doanh nghiệp châu Âu thông qua những nguồn tin tin cậy của họ.
Đầu năm nay, BfV đã thành lập lực lượng chuyên trách để xác minh việc sử dụng các hồ sơ giả mạo trên mạng xã hội việc làm LinkedIn trong cuộc điều tra kéo dài 9 tháng.
BfV cũng đã cung cấp cho báo giới thông tin về 8 trong số những hồ sơ giả mạo có hoạt động sôi nổi nhất mà theo điều tra của họ đã được gián điệp Trung Quốc sử dụng để liên lạc với các tài khoản người dùng trên mạng LinkedIn.
Các hồ sơ giả mạo này đã sử dụng những cái tên như Lily Wu, Laeticia Chen hoặc Alex Li. Trong đó cung cấp các bản sơ yếu lý lịch ấn tượng, hàng trăm thông tin liên lạc và các bức ảnh ứng viên trẻ rất thu hút, song trên thực tế không hề có.
Ngoài ra BfV cũng liệt kê tên 6 tổ chức mà cơ quan này cho rằng gián điệp Trung Quốc đã sử dụng để che đậy mục đích tiếp cận ứng viên của họ. Trong đó có 2 tổ chức có tên là Association France Euro-Chine và Global View Strategic Consulting.
BfV tỏ ra lo ngại khi tình báo Trung Quốc đang sử dụng phương pháp này để thậm chí tuyển dụng cả các chính trị gia cấp cao ở Đức trở thành nguồn tin cho họ.
Ông Maassen cảnh báo các nhóm tội phạm mạng Trung Quốc đang sử dụng chiêu thức gọi là "các cuộc tấn công kiểu chuỗi cung cấp" nhằm vượt qua các biện pháp phòng vệ trên mạng của các doanh nghiệp.
Theo đó những dạng thức tấn công kiểu này nhằm vào những nhân viên IT và những người đang làm việc cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tin cậy, từ đó gửi phần mềm mã độc vào các hệ thống mạng của những tổ chức mà những kẻ tấn công có chủ định trước.
BfV phân tích: "Các dạng phát tán mã độc kiểu này rất khó phát hiện, vì những kết nối mạng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ thường không bị nghi ngờ. Do đó sẽ tạo điều kiện cho những kẻ tấn công có thể ngụy trang tốt hơn trước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận