01/02/2015 11:00 GMT+7

Dựa vào dân thì không sợ gì cả

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những câu chuyện nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2 năm nay, không hẹn mà gặp, các đảng viên lão thành đều nhắc đến lòng dân.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Không có gì phải sợ nhận khuyết điểm, chỉ sợ mình hư thôi” - Ảnh: V.V.Thành
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Không có gì phải sợ nhận khuyết điểm, chỉ sợ mình hư thôi” - Ảnh: V.V.Thành

Chỉ có hình thành từ lòng dân những chủ trương, chính sách mới đi được vào cuộc sống, mới trở thành sức mạnh để phát triển.

Cả đời vào sinh ra tử trong những trận chiến, nổi tiếng với cá tính thẳng thắn, nóng nảy, “thẳng ruột ngựa”, trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong buổi trò chuyện đầu năm với chúng tôi về Đảng lại trầm tĩnh đến lạ. Ông bảo: “Sinh nhật Đảng 3-2 cũng chính là ngày sinh của tôi, mà tôi lại ra đời trước Đảng bốn năm đấy. Duyên ấy gắn với nhau cả đời...”.

Chuyện trong ký ức

8 tháng - 17 văn kiện

Từ tháng 4 đến tháng 12-1956, Đảng đã phát hành 17 văn kiện các loại để chỉ đạo việc chỉnh đốn, sửa chữa sai lầm và kỷ luật trong tiến hành cải cách ruộng đất. Các văn kiện đã nhìn nhận rõ những sai lầm, thái quá trong các mặt: buông lỏng giám sát đội cải cách, thái quá trong đấu tranh giai cấp, quy chụp và xử trí oan nhiều người dân, đồng chí tốt... Đồng thời kỷ luật một số đồng chí trung ương phạm sai lầm, đưa ra các giải pháp để khắc phục, sửa chữa ngay các vụ việc này ở tất cả các địa phương.

(Theo Văn kiện Đảng toàn tập - tập 17-1956 -  NXB Chính Trị Quốc Gia)

Chuyện ông kể hôm nay dường như chưa bao giờ được thổ lộ trong hàng trăm buổi nói chuyện, trả lời phỏng vấn của ông trên mọi cương vị của cuộc đời.

Câu chuyện đã nằm sâu trong một góc ký ức, bỗng chiều nay ông lại có nhu cầu thổ lộ. Ấy là những ngày cuối năm 1955, khi Nguyễn Quốc Thước là một đại úy trưởng ban tác chiến đang đóng quân ở Bình Trị Thiên. Tin về cải cách ruộng đất dồn dập bay về từ Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Giữa lúc các cấp chỉ huy phải họp liên tục để tìm cách ổn định tinh thần, trấn an binh lính thì Nguyễn Quốc Thước nhận được giấy từ địa phương gửi đến, gọi về nhà để “làm việc với đội cải cách”.

Biết có chuyện chẳng lành, chỉ huy của ông bảo: “Thôi, cậu đừng về”. Vốn thẳng thắn, lại đang sốt ruột tin nhà, ông giắt theo hai khẩu súng, quả quyết: “Tôi phải về chứ”.

Về đến nơi, cán bộ đội cải cách, vốn là những đứa trẻ chăn trâu trong làng khi ông Thước vào bộ đội chục năm trước, chặn lại thông báo: “Anh bị bắt vì tội theo Quốc dân đảng, phản cách mạng”.

Ông Thước quắc mắt, tay nắm chặt cán súng: “Cả gia đình tôi là đảng viên, mẹ tôi nuôi cán bộ, tổ chức họp Đảng bí mật trong nhà, tôi và anh trai đi bộ đội đánh Pháp. Nếu chúng tôi phản cách mạng, vậy các anh là cách mạng à?”.

Im lặng. Thước vội về nhà. Mẹ đang bị quản thúc tại gia, anh trai đã bị bắt lên trại cải tạo. Thấy con trai, bà mẹ khóc ròng: “Con ơi, tưởng đi làm cách mạng thế nào, hóa ra cách mạng thế này sao?”. Thước chỉ biết an ủi: “Mẹ yên tâm. Hãy tin vào Đảng”.

Mấy tháng sau thì có lệnh sửa sai. “Nói chuyện ngày ấy chính là để nói chuyện hôm nay”, trung tướng Nguyễn Quốc Thước rời rất nhanh khỏi những ký ức nặng nề.

“Tôi không mong đợi một Đảng toàn thiện toàn bích. Tôi hài lòng với một Đảng biết nhận sai và sửa sai để hoàn thiện mình. Việc áp dụng kinh nghiệm nước ngoài máy móc, thiếu thực tiễn, ý Đảng không gặp được lòng dân, dẫn đến sai lầm như cải cách ruộng đất đã làm nhiều người phải chịu oan ức, mất mát.

Nhận ra sai lầm lúc chưa quá muộn, Đảng lúc đó đã rất sòng phẳng: Bác Hồ rơi nước mắt chân thành xin lỗi dân, tổng bí thư từ chức, hai cán bộ trực tiếp chỉ đạo cũng bị kỷ luật.

Chứng kiến sự chân thành, thẳng thắn, công khai, minh bạch ấy của Đảng, người dân, những nạn nhân như chính tôi, mẹ tôi và gia đình lại sẵn lòng tha thứ, lại tin tưởng để cùng nhau tiếp tục chiến đấu, lao động, sản xuất cho cuộc sống mới. Tôi có tiếng là hay đấu tranh, nhưng chưa bao giờ tôi đấu tranh với Đảng. Tôi đấu tranh là đấu tranh với những tiêu cực trong Đảng”.

85 tuổi Đảng phải mạnh

Tướng Thước nở nụ cười thật hiền lành. Ký ức của ông lại trở về với những ngày tình quân dân như “cá với nước”, với những mẹ thức thâu đêm nấu cơm nuôi quân, những chị chong đèn vá áo, những ông bố dẫn con trai đến gửi gắm vào bộ đội.

“Những năm ấy, đảng viên trên con số ngàn, dân số hai, ba chục triệu, tướng thì đếm trên đầu ngón tay, thế nhưng sức dân và Đảng lại mạnh như vậy, lại làm nên được những dấu mốc chói lọi như 1945, 1954, 1975.

Ấy là do lòng dân được biến thành ý Đảng, ý Đảng là để hiện thực hóa lòng dân. Chúng tôi đi theo Đảng, hết mình hết sức phụng sự là để những ước vọng của dân, trong đó có mình được trở thành sự thật”.

Những năm sau này, trung tướng Nguyễn Quốc Thước rời môi trường nóng bỏng của quân đội, ông mang cái nóng bỏng ấy vào nghị trường, vào các cuộc thảo luận về nguyện vọng, nhu cầu của dân trên diễn đàn Quốc hội.

Rời nghị trường, chất nóng bỏng trong ông vẫn thể hiện trong những suy tư giãi bày đây đó trong các cuộc họp, phỏng vấn, thỉnh thoảng lại sôi lên khi đọc thấy một chuyện tiêu cực trên mặt báo, khi một người dân mang đơn thư đến cổng nhà nhờ góp ý, giúp đỡ.

“Tôi sinh hoạt chi bộ ở khu phố, các ông đảng viên về hưu như chúng tôi lo lắng vì tình hình suy thoái trong Đảng lắm. Chúng tôi đều một lòng mong muốn Đảng tiếp tục mạnh mẽ và sáng suốt trên vị trí tiên phong sau 85 năm tôi luyện, thử thách. Con người 85 tuổi thì già yếu, Đảng 85 tuổi càng phải mạnh, phải vững...”.

Những dòng hồi ký ông đang viết cũng một nỗi niềm đau đáu ấy, những suy nghiệm của cả đời trải nghiệm. Và không chỉ có mong muốn, ông còn đưa ra giải pháp: “Nghị quyết trung ương 4 về chỉnh đốn Đảng đã đề ra yêu cầu rất đúng, rất trúng để mỗi đảng viên, mỗi chi bộ phải soi mình, thanh lọc.

Vậy thì phải thực thi quyết liệt từ trên xuống dưới. Chúng tôi rất hoan nghênh việc trung ương đã thẳng thắn phê bình cả Bộ Chính trị, rất hồ hởi trước việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm từ cấp thấp đến cấp cao nhất. Nhưng chúng tôi lại chưa bằng lòng việc không công khai kết quả này.

Như vậy sẽ tạo điều kiện cho những người khác xuyên tạc, chống phá, có nguyên cớ để người dân nghi ngờ. Chúng ta phải công khai kết quả với dân, với đảng viên. Ngay thẳng, minh bạch sẽ được dân tin tưởng, ủng hộ và yêu thương nữa. Dựa vào dân và được dân tin thì không sợ gì cả”.

Ông ngừng lời, lại quay về với cuốn hồi ký, với lý tưởng không suy suyển qua những đổi thay thời cuộc, với những bản góp ý viết gửi lên đại hội Đảng, mong mỏi quan hệ giữa dân với Đảng luôn như máu thịt.

Trung ương đã nghiêm khắc kiểm điểm

“...Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp chống phong kiến, một cuộc cách mạng long trời lở đất, quyết liệt gay go. Lại vì kẻ địch phá hoại điên cuồng; vì một số cán bộ ta chưa nắm vững chính sách, chưa thực đi đúng đường lối quần chúng; vì sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ có chỗ thiếu cụ thể, thiếu kiểm tra, đôn đốc cho nên khi cải cách ruộng đất đã xảy ra những khuyết điểm, sai lầm: trong việc thực hiện đoàn kết nông thôn, việc đánh kẻ địch, việc chấn chỉnh tổ chức, trong chính sách thuế nông nghiệp...

Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất...”.

Trích: Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ  nhân cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành -  ngày 18-8-1956 - Hồ Chí Minh
(Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính Trị Quốc Gia)

_______

Kỳ tới: Cầu nối lòng dân

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên