01/07/2014 09:05 GMT+7

Trách nhiệm với lòng dân

TRẦN ĐĂNG TUẤN
TRẦN ĐĂNG TUẤN

TT - Tin về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ vải thiều là một tin gây xúc động. Từ thương lái, người bán, người mua, người quản lý chợ, chủ siêu thị, đến lãnh đạo chính quyền... ai cũng nhiệt tâm với vải thiều. Thành phố sẵn sàng ký hợp đồng tiêu thụ vải thiều ổn định hằng năm với Bắc Giang, Hải Dương.

Yêu cầu từ quả vảiDân Sài Gòn mỗi ngày ăn 1,3 triệu kg vải tươi

Trong chuyện này có cả yếu tố thị trường và yếu tố phi thị trường. Yếu tố thị trường nằm ở chỗ nhu cầu nội địa là tiềm năng chưa khai thác hết. Bình thường thì mỗi năm số vải thiều xuất khẩu chiếm 40%, tiêu thụ nội địa 60%. Vụ này sản lượng vải thiều kỷ lục, đạt tới 190.000 tấn. Nhưng riêng thị trường TP.HCM năm nay ước có thể tiêu thụ đến 45.000 tấn. Tuần qua nếu xuất khẩu sang Trung Quốc bình quân mỗi ngày 1.700 tấn, thì ba chợ đầu mối của TP.HCM cũng mỗi ngày nhận 1.300 tấn, có ít hơn bao nhiêu đâu! Yếu tố thị trường còn ở chỗ nếu tiêu thụ nội địa tốt thì xuất khẩu cũng sẽ vững vàng hơn. Bởi nhiều xe tải lớn luôn chở vải về phương Nam, thì thương lái nước ngoài lại năng sang trực mua tại Lục Ngạn hơn. Đó cũng là quy luật thị trường.

Yếu tố phi thị trường thì ai cũng rõ. Mua vải thiều để ăn, mà cũng để giúp bà con mình. Thời nay, mọi thứ hàng hóa cần thì người ta mua, không cần thì chẳng ai bảo ai mua được. Vậy mà nhiều khi người ta mua vải thiều vì những điều khác thôi thúc. Có công ty lại bỏ cả trăm triệu đồng ra mua nhiều tấn vải, không phải kinh doanh, mà để tặng bà con nghèo địa phương ăn cho biết hương vị quả cây phía Bắc. Các siêu thị dành cho vải thiều vị trí trân trọng nhất. Tiêu thụ hàng hóa là chuyện của thị trường, nên những yếu tố tinh thần khác cũng không thể là động lực lâu dài. Nhưng trong những thời điểm và hoàn cảnh nhất định, các yếu tố phi thị trường vẫn là sức mạnh. Người ta mua vải thiều còn vì biết câu chuyện của người trồng, người bán vải thiều phía Bắc. Có những lúc, như lời tâm sự của một người bán vải thiều xuất khẩu được trích trong một bài của VOV: “Rất thất thường, có khi ngày hôm nay mua vải ở vườn giá 10.000 đồng, qua bên kia bán gấp đôi họ còn tranh nhau mua. Nhưng chỉ ngày hôm sau mình đưa lên, họ cứ ỳ ra, chỉ còn trả giá một nửa so với ngày hôm trước, lỗ lớn”.

Chủ của thị trường vẫn là con người. Và ngẫm ra thì trên thế giới này ở bất cứ đâu, thị trường nào cũng hướng đến mục tiêu lớn nhất là quyền lợi chung của quốc gia, dân tộc, cộng đồng.

Trên mạng, bạn bè tới tấp “mách”: Ở Vancouver vải thiều bán giá tương đương 110.000 đồng/kg. Ở Hàn Quốc 250.000 đồng/kg. Ở Nhật gần 300.000 đồng/kg... Ai cũng mong thương hiệu vải thiều có mặt nhiều nơi ở nước ngoài. Vẫn biết đó chỉ là tình cảm. Còn quá nhiều bài toán kinh tế, công nghệ mới đi đến đích được. Nhưng nếu mọi người đều cùng lo nghĩ, thì kể cả tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu, tin là sẽ có những giải pháp thị trường. Chuyển hóa các yếu tố phi thị trường - tình cảm, mong muốn, nhiệt tâm, sáng kiến của muôn người - thành yếu tố thị trường - đầu vào, đầu ra, hiệu quả kinh tế - là trách nhiệm của những cơ quan quản lý. Trách nhiệm trước nền kinh tế, mà cũng là trách nhiệm với lòng dân. Nhiều chuyện khó đến mấy nhưng dân biết, dân hiểu, dân cùng lo liệu thì cũng thành dễ.

TRẦN ĐĂNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên