24/05/2024 13:59 GMT+7

Đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cần đa chiều, tôn trọng sự khác biệt

Với những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như phụ nữ, người khuyết tật, người LGBTI, báo chí cần đưa tin khách quan, góp phần làm giảm định kiến xã hội.

Toàn cảnh chương trình tập huấn “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương” - Ảnh: BTC

Toàn cảnh chương trình tập huấn “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương” - Ảnh: BTC

Ngày 24-5, buổi tập huấn "Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương" do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM.

Xóa bỏ định kiến về nhóm dễ bị tổn thương

Chương trình dành cho các nhà báo phụ trách đưa tin về lĩnh vực này nhằm tăng cường sự hiểu biết và nhận thức về các vấn đề liên quan các nhóm dễ bị phân biệt đối xử.

Buổi tập huấn đề cập đến ba nhóm dễ bị tổn thương, gồm phụ nữ, người khuyết tật, và người LGBTI (những người có khuynh hướng tình dục, bản dạng giới, biểu hiện hoặc tập hợp các đặc điểm giới tính có xu hướng bị phân biệt đối xử).

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, cho biết: "Bằng cách chống lại các định kiến và thúc đẩy đưa tin toàn diện, các nhà báo có thể góp phần xóa bỏ sự kỳ thị và những hình ảnh đại diện có hại cho các nhóm dễ bị tổn thương".

Tại chương trình, diễn giả và người tham dự cùng thảo luận kỹ năng đưa tin về các nhóm kể trên, đặc biệt là các định nghĩa, thuật ngữ liên quan.

PGS.TS Lê Lan Chi (Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ quy định pháp luật về chống phân biệt đối xử với những nhóm dễ bị tổn thương - Ảnh: BTC

PGS.TS Lê Lan Chi (Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ quy định pháp luật về chống phân biệt đối xử với những nhóm dễ bị tổn thương - Ảnh: BTC

PGS.TS Lê Lan Chi (Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về các quy định pháp luật đối với việc chống phân biệt đối xử với các nhóm được đề cập. Bà Chi đề cập sự bình đẳng về quyền. Mọi người đều có cơ hội được hưởng các quyền như nhau trong những điều kiện, hoàn cảnh, năng lực sẵn có như nhau.

"Bình đẳng không có nghĩa là chung một mức đối xử cho mọi đối tượng trong một tình huống. Không phải mọi khác biệt về đối xử đều tạo nên sự phân biệt đối xử", bà Chi nói.

Gợi mở nhiều phương hướng tiếp cận

Buổi tập huấn còn trao đổi về các vấn đề như bạo lực gia đình, phân biệt, kỳ thị giới tính, quấy rối tình dục… Qua đó, gợi mở nhiều phương hướng đưa tin bài về các nhóm dễ bị tổn thương.

Đối với phụ nữ, báo chí cần phát triển những chủ đề, câu chuyện cho thấy phụ nữ tự tin thể hiện cá tính trong mọi lĩnh vực đời sống và công việc. Điều này nhằm xóa bỏ rào cản, định kiến với phụ nữ.

Với người khuyết tật, thông tin đại chúng cần giúp cộng đồng nâng cao hiểu biết về cuộc sống của họ. Chú ý trong việc sử dụng các thuật ngữ, tránh gây nhầm lẫn và tổn thương.

Đặc biệt, với nhóm LGBTI, các chủ đề thông tin nên hướng đến thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập, nâng cao nhận thức về quyền và hoàn cảnh sống của họ một cách toàn diện.

Chương trình tập huấn cũng giới thiệu dự thảo sách "Sổ tay dành cho báo chí đưa tin về một số nhóm dễ bị tổn thương". Sách do Hội Nhà báo Việt Nam, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp thực hiện, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của những người thực hành và thúc đẩy việc chống phân biệt đối xử tại Việt Nam.

Những tấm ảnh sẽ khiến ta nghĩ khác về người khuyết tậtNhững tấm ảnh sẽ khiến ta nghĩ khác về người khuyết tật

Hình ảnh những bạn trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ chơi đùa tại sân chơi trong vườn rừng bên bờ sông Hồng (Hà Nội) toát lên vẻ rạng rỡ hạnh phúc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên