27/05/2020 08:34 GMT+7

Đưa thanh toán không dùng tiền mặt đến từng người dân

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Ngày 26-5, đã diễn ra buổi họp báo “Công bố sự kiện Ngày không tiền mặt 2020” do báo Tuổi Trẻ, Vụ thanh toán, Vụ truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp cùng Napas, Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM) tổ chức...

Đưa thanh toán không dùng tiền mặt đến từng người dân - Ảnh 1.

Từ trái qua: ông Nguyễn Bá Diệp (phó chủ tịch Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến - MoMo), nhà báo Đỗ Văn Dũng (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) và ông Đỗ Quốc Huy (giám đốc marketing Saigon Co.op) ký biên bản ghi nhớ hợp tác chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” tại cuộc họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 26-5, đã diễn ra buổi họp báo “Công bố sự kiện Ngày không tiền mặt 2020” do báo Tuổi Trẻ, Vụ thanh toán, Vụ truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp cùng Napas, Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM) tổ chức dưới sự chỉ đạo nội dung từ Ngân hàng Nhà nước.

Dẫn câu chuyện từ thực tế, ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng (NH) Nhà nước - cho hay thanh toán không tiền mặt đã có sự thay đổi rất lớn khi mọi thứ đều "lên mạng". Trước kia làm gì có chuyện NH chịu trách nhiệm về cân gạo, cân thịt của người tiêu dùng. Nhưng hiện giờ người dùng đặt hàng qua NH và NH chịu trách nhiệm về giao dịch này.

Thanh toán qua mạng 21.000 tỉ đồng/ngày

"Tôi có theo dõi ứng dụng của một trung gian thanh toán, trước dịch COVID-19, ứng dụng này chỉ kết nối với 1 cửa hàng, nhưng sau dịch kết nối với 20 cửa hàng. Trong đợt dịch vừa qua, nhiều người cũng đã lần đầu tiên trải nghiệm về các giao dịch thanh toán không tiền mặt qua chiếc điện thoại" - ông Phạm Tiến Dũng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Hùng - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) - cho biết hiện Napas xử lý 2,8 triệu giao dịch/ngày, tức gần 21.000 tỉ đồng/ngày, tương ứng gần 1 tỉ USD thanh toán không dùng tiền mặt mỗi ngày.

Về dịch vụ công, thời gian qua rất nhiều dịch vụ đã được đưa lên cổng thanh toán dịch vụ quốc gia. Một trong những cú hích thanh toán không tiền mặt trong đợt dịch vừa qua là việc giảm phí.

Theo số liệu của NH Nhà nước, có đến 65% giao dịch thanh toán đã được miễn và giảm phí trong đợt dịch. Có NH giảm phí từ 7.000 đồng xuống 0 đồng, trên 50% NH đã giảm phí. Hiện tỉ trọng các giao dịch dưới 2 triệu đồng chiếm đến 70% giao dịch thanh toán.

Do vậy chính sách vừa qua tạo cú hích rất lớn cho thị trường. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các NH miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí khoảng 1.004 tỉ đồng.

Về phía NH Nhà nước, dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NH Nhà nước sẽ giảm khoảng 285 tỉ đồng để hỗ trợ cho các NH đồng hành với người dân, doanh nghiệp trong quá trình giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên NH.

Riêng việc các NH đang gặp khó khăn về chuyển đổi thẻ chip, ông Nguyễn Minh Tâm - phó tổng giám đốc Sacombank - cho hay do ảnh hưởng COVID-19, các nước đóng cửa biên giới, hoạt động nhập khẩu các thiết bị phục vụ chuyển đổi bị đình trệ nên đề nghị NH Nhà nước xem xét dời thời gian chuyển đổi.

Tại Sacombank, thẻ theo công nghệ từ đang chiếm khoảng một nửa số lượng thẻ. Nhiều NH khác cũng đang kiến nghị NH Nhà nước xem xét gia hạn việc này.

Đưa thanh toán không dùng tiền mặt đến từng người dân - Ảnh 2.

Thanh toán tiền bằng thẻ tín dụng Sacombank tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM trưa 26-5 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Không có kết nối thanh toán, khách hàng sẽ bỏ NH

Ông Nguyễn Hữu Phúc, trưởng bộ phận sản phẩm tại Việt Nam - Lào - Campuchia của Visa, cho hay khảo sát về thái độ người dùng của Visa vừa công bố cho thấy tỉ lệ sử dụng tiền mặt tại Việt Nam giảm do nhiều lý do như: có nhiều nơi chấp nhận thanh toán không tiền mặt và họ thấy tiện lợi với các phương thức thanh toán mới.

Thay vào đó họ sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt như thanh toán thẻ, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử.

Chính sự thay đổi của người dùng đang đặt ra những thách thức cho NH. Theo ông Phạm Tiến Dũng, xây dựng hệ sinh thái là câu chuyện sống còn của NH để giữ khách hàng.

Hiện nay vào NH điện tử không chỉ chuyển khoản mà còn có thể mua vé máy bay, bảo hiểm, thanh toán vay tiêu dùng, mua hàng hóa.

Nên các NH sẽ phải đi theo hướng hoàn toàn khác NH truyền thống, đó là xây dựng hệ sinh thái thanh toán. Vì nếu không có sự thay đổi, khách hàng sẽ ra đi.

"Tôi mơ ước có thể đưa mọi dịch vụ NH lên điện thoại, thông qua điện thoại có thể làm được mọi thứ. Hiện có NH đã đạt tỉ lệ thanh toán điện tử đến 80%, thanh toán tại quầy chỉ 29% và tại quầy làm được ít dịch vụ hơn trên điện thoại" - ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng ghi nhận vai trò của các trung gian thanh toán, trong đó có ví điện tử. Điều này như là một cánh tay nối dài của NH, giúp các dịch vụ thanh toán không tiền mặt vươn đến những cửa hàng nhỏ, thậm chí gánh hàng rong.

Theo ông Dũng, tháng 6 tới đây Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt. "Nhưng để phương thức này trở nên đại chúng hơn, thao tác thực hiện cần dễ và nhanh hơn nữa, để người lớn tuổi, người ở nông thôn cũng có thể thao tác dễ dàng.

Thanh toán là khâu cuối cùng trong các chuỗi, nên nếu đẩy mạnh được thanh toán không tiền mặt chắc chắn các khâu trước đó sẽ được số hóa để tiến lên không gian mạng" - ông Dũng khẳng định.

Tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển thói quen của người dân

Tại buổi họp báo, Napas và VietBank triển khai ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu và ứng dụng thẻ chip nội địa Napas (VCCS) trong thanh toán giao thông, dự kiến thực hiện vào cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Đăng Hùng - phó tổng giám đốc Napas - cho biết việc triển khai thí điểm ứng dụng thẻ chip nội địa Napas trong thanh toán giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với việc phổ cập các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tới đại đa số người dân.

"Khả năng dễ dàng tiếp cận của thẻ NH sẽ là yếu tố quan trọng khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần vào việc xây dựng những đô thị thông minh, hiện đại" - ông Hùng nói.

Chia sẻ thêm về kết quả bước đầu đạt được, ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết một năm qua thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự thay đổi rất nhiều.

Từ những chuyện vi mô như đi chợ, đi siêu thị nay đã không cần tiền mặt nữa mà chỉ cần thẻ hoặc thanh toán bằng ví điện tử, đến những con số rất lớn về tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo nhà báo Đỗ Văn Dũng, thói quen mới về thanh toán không dùng tiền mặt trong người dân cần phải được tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển trong thời gian tới.

"Vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để xây dựng thói quen không dùng tiền mặt. Vừa rồi chúng ta gặp khó khăn do giãn cách xã hội, nhưng đó lại là cơ hội cho sự phát triển không dùng tiền mặt. Chúng ta đã quen với làm việc online, mua sắm online, nên tới đây các giao dịch trực tuyến sẽ phát triển nhiều hơn" - ông Dũng nói.

Nhiều ưu đãi hấp dẫn

Ông Trần Xuân Toàn - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết Ngày không tiền mặt 16-6 năm nay gồm một chuỗi sự kiện. Ngoài ủng hộ nông sản Việt, còn có chương trình chạy bộ, hội thảo hay Tuần lễ không tiền mặt.

Ngoài ra 100 tiểu thương đầu tiên đăng ký tham gia chương trình Tiểu thương không tiền mặt tại ngaykhongtienmat2020.tuoitre.vn sẽ được tặng máy cà thẻ mPOS do Next Pay phối hợp Visa cung cấp.

Chương trình cũng giảm giá 50% máy mPOS và tặng kèm 1 năm sử dụng Nextshop - phần mềm quản lý kinh doanh, giảm giá 70% dành cho những tiểu thương đăng ký mua gói dịch vụ 3 năm của Nextshop.

Với các tiểu thương tại trung tâm mua sắm An Đông Plaza (Q.5, TP.HCM), từ ngày 1 đến 30-6-2020 là dịp để khuyến khích khách hàng mua sắm không tiền mặt thông qua chương trình hoàn 20% (tối đa 1.000.000 đồng) cho đơn hàng từ 500.000 đồng khi thanh toán QR bằng Sacombank Pay và mBanking của Sacombank.

88,5 triệu tài khoản ngân hàng

Theo số liệu mới nhất của NH Nhà nước, VN hiện có 88,5 triệu tài khoản NH. 63,7% người trưởng thành VN có tài khoản ở NH, khác rất xa so với con số mà các chuyên gia đưa ra trước đó là 31%.

Thanh toán không tiền mặt cũng gia tăng rất mạnh. Riêng hệ thống thanh toán của NH Nhà nước xử lý 1 ngày 17 tỉ USD. Đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh Internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.

Bà Lê Thị Thúy Sen (vụ trưởng Vụ truyền thông NH Nhà nước):

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng

Chương trình này góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các đề án nói trên và chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Một trong những mục tiêu đó là nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính NH cho công chúng.

qd_thanhtoankhongtienmat_lethithuysen_6 2(read-only)

Thời gian tới, truyền thông ngành NH tiếp tục hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân chưa có tài khoản NH, đặc biệt người dân vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra chúng tôi cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức chính trị - xã hội với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính.

Ký kết ủng hộ nông sản Việt

Tại buổi họp báo cũng diễn ra ký kết hợp tác triển khai chương trình "Ủng hộ nông sản Việt" hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020 giữa ví điện tử Momo, báo Tuổi Trẻ và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM - Saigon Co.op.

Mục tiêu của sự hợp tác này nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước, chung tay phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua.

Theo đó, ngay trên ứng dụng ví MoMo, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể ủng hộ nông sản Việt bằng cách mua ủng hộ nông sản Việt và đóng góp ủng hộ nông sản/nông dân Việt.

Chương trình "Ủng hộ nông sản Việt" sẽ chính thức triển khai từ ngày 10 đến hết 30-6-2020. Trước mắt, chương trình được triển khai thí điểm giao nhận hàng tại TP.HCM với hai sản phẩm gồm vải thiều và gạo.

Thanh toán không tiền mặt ngày càng thắng thế Thanh toán không tiền mặt ngày càng thắng thế

TTO - Sau nhiều năm quen rút tiền mặt để chi tiêu, nhiều người đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Dự báo xu hướng này ngày càng thắng thế trong năm 2020 khi có đến 63% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên