Các chuyên gia cho rằng giải pháp ‘cấp cứu’ nền kinh tế đủ đô và cần sự chung tay của cả cộng đồng để tránh những hiệu ứng domino - Ảnh: NGỌC HIỂN
Cần giải pháp đặc biệt
Thời gian qua, thị trường bất động sản và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro khi thanh khoản xuống đáy trong khi kỳ hạn trái phiếu, thời điểm đáo hạn của hàng loạt doanh nghiệp đang đến gần. Bên cạnh đó, thị trường vốn cũng gặp khó khi nhiều ngân hàng thương mại hết room tín dụng, lãi suất cho vay cao và chuẩn cho vay khắt khe, nhiều doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp…
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở, tiếp nối công điện số 1163 (ngày 3-12-2022), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công điện số 1164 (ngày 14-12-2022), trong đó yêu cầu bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Trước đó, tại công điện 1163, Thủ tướng cũng yêu cầu trình giải pháp quản lý thị trường trái phiếu trước ngày 20-12-2022. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương đánh giá, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế…
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết việc Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp nới room tín dụng thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỉ đồng bơm vào nền kinh tế là điều đáng mừng trong cơn “khát” vốn.
Tuy nhiên, chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay được tín dụng, nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) - cho rằng thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gặp khó và khát vốn sẽ khiến các “tế bào” doanh nghiệp lẫn sức khỏe nền kinh tế bị đe dọa.
Do đó, ông Trai cho rằng những giải pháp cấp cứu sức khỏe nền kinh tế với những giải pháp đặc biệt, đủ đô và kịp thời để tránh những hệ lụy của hiệu ứng domino.
Theo ông Trai, những biện pháp chấn chỉnh thị trường hiện nay cần phải làm một cách khéo léo, cân bằng được cả ngắn lẫn dài hạn. “Xử lý ngắn hạn nhưng đừng gây tổn thương cho tương lai bởi mỗi doanh nghiệp là một tế bào kinh tế, nhiều doanh nghiệp bị tổn thương sẽ tác động đến cả thị trường, đến vĩ mô và tương lai của sự phát triển”, ông Trai nói.
Đánh giá về thị trường trái phiếu, chủ tịch GIBC cho rằng đây là công cụ rất hữu hiệu nếu sử dụng đúng, trở thành một kênh huy động tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp để giải cứu thị trường trái phiếu bằng những hành động kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy, mất mát và tổn thương cho cả nền kinh tế.
Theo ông Trai, điều cần làm là hỗ trợ về mặt chính sách để các doanh nghiệp xử lý cho các trái chủ một cách hài hòa. “Nếu doanh nghiệp nào có những tế bào tốt, có thể sống được trong những mô khó khăn, cần có những sự hỗ trợ”, ông Trai nói.
Theo ông Trai, giải pháp đầu tiên là làm sao để có dòng tiền trở lại, giúp những doanh nghiệp sắp đáo hạn trái phiếu có các giải pháp xử lý, tránh những rủi ro.
“Dìu” nhau vượt qua khó khăn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - cho biết đây là giai đoạn các doanh nghiệp rất cần những giải pháp đặc biệt, sự yểm trợ từ nhà nước để vượt khó.
Theo ông Lộc, trong các dự án của doanh nghiệp, có những dự án rất khó đáp ứng điều kiện huy động vốn của ngân hàng hay phát hành trái phiếu nhưng nhiều dự án đáp ứng được, chỉ vướng thủ tục.
Vì vậy, ông Lộc cho rằng không nên cào bằng trong chính sách mà phải hướng sự hỗ trợ vào những doanh nghiệp đủ điều kiện, giúp những doanh nghiệp này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, huy động được trái phiếu.
“Phải ngay lập tức khôi phục thị trường trái phiếu, nhà nước hỗ trợ về chính sách, kiểm soát về các tiêu chuẩn nhưng phải để doanh nghiệp phát hành được trái phiếu”, ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, những doanh nghiệp đã đạt chuẩn cần được tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn, có như vậy họ mới huy động được nguồn lực xã hội. Ông Lộc cho hay nếu có sự trợ lực về chính sách và pháp lý, tự thân doanh nghiệp sẽ huy động được nguồn lực xã hội trên thị trường.
Ông Lộc cho rằng trường hợp không có những giải pháp kịp thời, các nhà đầu tư trái phiếu ồ ạt rút trái phiếu trước hạn sẽ là rủi ro lớn cho không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho hay bên cạnh chấn chỉnh các doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, cũng cần có những biện pháp bảo vệ doanh nghiệp bởi bảo vệ doanh nghiệp cũng chính là bảo vệ nền kinh tế.
“Đối tác công - tư không phải chỉ thực hiện trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, mà còn cần trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, những ngành công nghiệp chiến lược, hỗ trợ để tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển, tránh rơi vào tay những tập đoàn nước ngoài trong lúc khó khăn”, ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo việc rút tiền trái phiếu trước hạn theo tâm lý đám đông có thể khiến một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường trở nên mất thanh khoản do không thể chi trả khoản tiền lớn cùng một lúc nên đây là thời điểm cần sự chung tay của các nhà đầu tư.
“Nếu ồ ạt rút trái phiếu trước hạn sẽ gây áp lực rất lớn đến thị trường và các doanh nghiệp nên nhà đầu tư cần nên bình tĩnh, phân tích kỹ càng, không nên đánh đồng tất cả trái phiếu trên thị trường, đó cũng là cách đồng hành với doanh nghiệp lúc khó khăn”, lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu cho rằng hiện doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn chưa thanh toán nên không đạt “chuẩn” tín dụng.
Theo ông Châu, nếu có được khoản vay mới, doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản, doanh nghiệp hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận