24/07/2004 05:01 GMT+7

Đưa đồng đội về từ chiến trường K

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Đội K90 (Quân khu 9) và K93 (Tỉnh đội An Giang) vừa trở về sau chuyến băng rừng dài ngày tìm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện VN hi sinh trên đất bạn Campuchia.

PaGNL0bj.jpgPhóng to
Chiến sĩ đội K90 và K93 đã đưa hài cốt liệt sĩ về quê mẹ cải táng - Ảnh: PV
TT - Đội K90 (Quân khu 9) và K93 (Tỉnh đội An Giang) vừa trở về sau chuyến băng rừng dài ngày tìm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện VN hi sinh trên đất bạn Campuchia.

Hành trình đi tìm đồng đội chỉ có xẻng cuốc, nghĩa tình và lòng quyết tâm. Ngày về, giữa rừng Tà Keo, chiến sĩ các đội xếp hài cốt thành hàng hương khói: “Các chú cho phép chúng cháu đưa các chú về quê nhà...”.

Nghĩa trang mật

Mở quyển nhật ký dày cộp ghi chép chi chít những địa danh, tên tuổi, địa chỉ người liên hệ tìm hài cốt liệt sĩ, thượng tá Trần Chánh Nghĩa - đội trưởng đội K90 - bắt đầu câu chuyện cảm động về “nghĩa trang mật”.

Anh kể nơi chôn các chú, các bác ở tận rừng sâu huyện OnsNul, tỉnh Kandal có cây cổ thụ đứng gần ụ đá tàng ong.

Ông Men Thum tuổi ngoài 60 - người chứng kiến các trận chiến của bộ đội tình nguyện VN - dẫn đường. Khi ông đưa đội K90 trở lại thì mọi thứ đã thay đổi. Trên 30 năm rồi còn gì!

... Nắng như đổ lửa, tôi cùng tổ 1 của chuẩn úy Hiền, Trung đến nghĩa trang mật bổ nhát cuốc đầu tiên theo lối cỏ mọc. Hàng trăm mét đường đào vỡ đất ngang dọc trên cả ngàn mét vuông. Ngày thứ hai, thứ ba... vẫn không có hài cốt nào lộ diện.

Nhiều cụ già trong phum tranh luận đây không phải nơi chôn các anh. Nhưng bụng của ông Men Thum vẫn mách bảo nghĩa trang mật là khu rừng này. Chuẩn úy Hiền cùng 10 chiến sĩ khác thầm khấn: “Chú bác sống khôn chết thiêng chỉ giúp chúng con” rồi hì hục tiếp tục đào tìm.

Lại một vùng đất rừng được đào xới. Những đường đào sâu dưới 1m như công sự cứ được đào đan xen dọc ngang nối dài. Tiếng cuốc xẻng phầm phập lúc lên gò cao, khi xuống đất trũng.

Trưa ngày thứ năm thì lưỡi cuốc của hạ sĩ Nghĩa chạm vào lớp đất xốp, sột soạt tiếng tăng nilông. Một bộ hài cốt nằm ngang hướng bắc nam hé lộ. “Hà Nội! Nilông võng dù Hà Nội rồi!” - Nghĩa kêu lên. Mọi người xốc vào mở đường, đào dài ra và gặp được năm hài cốt nữa. Nghĩa trang mật đây rồi!

Mở tấm tăng dưới hố chôn không quan tài, chiến sĩ trẻ đội K93 lặng người. Nhóm chiến sĩ Văn Cường, Minh Hòa, Thanh Phương chạm vào ba bộ xương kế tiếp. Lại lặng người!

Chuẩn úy Hiền đang nâng bộ hài cốt lên, anh luôn nhắc đồng đội chú ý việc tìm tên hay các di vật có khắc tên địa chỉ của các chú, các bác. Nhưng rồi vẫn không tìm thấy di vật nào để lại dù một dòng tin hay một cái tên.

Hiền lại cẩn trọng lật tìm các dấu vết trên xương, trong đất. Khi đã tìm ra nghĩa trang mật, cứ cách 1,5m lại cất bốc được một bộ hài cốt, thế nhưng trong số 106 hài cốt chỉ có 10 cái bóp ví, bên trong chữ viết đã bị mục nhòa.

Hài cốt giờ là những mảnh xương đầy rễ cây bám phủ. Có bộ bị đất lèn chặt, mảnh xương tay vẫn còn tì lên bá súng. Nhiều bộ khác trên người chỉ còn cái thắt lưng, quần cộc... Chiến sĩ, dân làng nhìn các bộ hài cốt, ai cũng không kềm giữ được nỗi xúc động, nghẹn ngào.

hSkfbOxO.jpgPhóng to
Đào tìm hài cốt liệt sĩ ở Ankoboray - Ảnh: PV
“Người ơi người ở đừng về”

Đến lúc này ông Men Thum mới lắp bắp gọi tên Lành, Thi, Dũng... - các anh bộ đội vui tính đã đóng quân sống trong phum sóc, cùng bà con chung củ khoai, cái bánh, vò rượu ngày nào...

Hình ảnh gần gũi của người lính tình nguyện VN chung chiến hào, chung một khí thế sục sôi những năm 1970-1972 đã trở về với Men Thum.

Chiến trận vào sân bay Pochentong, căn cứ Tulit - dấu ấn một thời khốc liệt - vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người dân đất chùa tháp.

Khi chúng tôi đến phum PốtSơLanh, huyện Posét, tỉnh Kompong Speu, già làng Tà Rum đã gần 80 tuổi đang trở bệnh trên giường.

Chưa hỏi, già Rum đã kể tường tận tên các anh bộ đội Hải, Nam, Hùng sống chung phum sóc với bà con ngày trước.

Già Rum sẵn lòng dẫn đường bộ đội vào rừng tìm mộ liệt sĩ nhưng anh em ngăn không cho già đi vì tuổi cao sức yếu, dù vậy già Rum vẫn gắng hướng dẫn tận tình.

Cả tháng ròng rã vào rừng phát hoang đào tìm hàng ngàn mét vuông đất đá tàng ong vẫn không có kết quả.

Trở lại báo tin, già Rum buồn ra mặt. Lúc chia tay anh em trong đội cứ nói khéo động viên già: “Chúng con sẽ gắng tìm, sẽ không phụ lòng Tà Rum!”.

Vài tháng sau trong lần thứ ba trở lại già Rum đồng ý để anh em cáng cụ đi trên chục cây số đường rừng đến tận nơi tìm kiếm.

Lần này thì chính xác rồi, tổ của chiến sĩ Dung, Nam, Hổ đã tìm được 18 mộ liệt sĩ hi sinh từ thời chống Mỹ.

Nhìn các bộ hài cốt bị rễ cây rừng bấu sâu vào, già Rum rưng rưng nói: "Hơn 40 năm giờ này già mới thực hiện được lời hứa là sẽ có ngày gặp lại bộ đội tình nguyện VN”.

Trở về khu rừng rậm Kompong Speu đầu mùa mưa đổ, trên đoạn đường rừng phủ trâu đi, đoàn xe quân dụng của đội K93 bị lầy lún không tiến thoái. Lái xe chuẩn úy Văn Tài phải ôm vô lăng ngồi chờ đồng đội.

Ngay lúc đó có một cụ bà tên Nícs Rây đã ngoài 60 tuổi chạy đến nói như không kịp thở: “Át- tà-thiết con-top VN!” (có hài cốt bộ đội VN!).

Già Rây bảo người phiên dịch: “Gia đình tôi chờ bộ đội VN đã lâu”. Già Rây kể: trước lúc ra đi, cha bà có dặn ở mép rừng già có nấm mồ bộ đội nghe đâu quê ở Bắc Ninh. “Ông bảo con cháu nhớ hương khói chăm sóc rồi sẽ có người đến cất bốc”.

Từ đó đường vào mộ đã thành lối mòn in dấu chân con cháu già Rây. Chúng tôi ra nấm mộ có mô đất nhô cao, trên có rải đá sỏi còn vương mùi hương khói.

Nâng bộ hài cốt lên, mở lớp tăng nilông ra thấy lẫn trong đất còn sót lại cái nút áo đã ngả màu trắng đục - loại áo của bộ đội thời chống Pháp ngày xưa.

Già Rây nhòa mắt tay run bốc nắm đất hài cốt rồi lại thắp hương: “Liệt sĩ bộ đội đã là người thân của gia đình từ lâu rồi!”.

Khi gói bọc hài cốt xong tiễn liệt sĩ ra xe, già Rây và đứa cháu còn sụt sùi nhắc lại câu hát mà ngày trước các anh bộ đội thường hát “Néc ơi, néc nâu, cum tâu! - người ơi người ở đừng về!”.

Trong hơn ba năm tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ, chiến sĩ hai đội K90 và K93 đã hành quân hàng chục ngàn kilômet đường rừng đến trên 7.000 vị trí chiến trường, phum sóc tìm kiếm cất bốc trên 1.000 hài cốt liệt sĩ. Đến đâu anh em cũng được sự trợ giúp của bà con xóm làng lúc sề khoai luộc, khi bữa cơm đạm bạc mà ấm lòng.

Đại tá Huỳnh Trí - nguyên chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang - cũng vừa theo đội K93 trở về cho biết: 90% hài cốt liệt sĩ mà các đội cất bốc được là nhờ nhân dân Campuchia trực tiếp phát hiện.

Tại khu vực BôRâyChoSa (Tà Keo); Kirivong, Cỏ Thum (Kandal) có nhiều gia đình như ông Ut Nây còn đồng ý cho bộ đội đào sâu vào nền nhà để cất bốc hài cốt bộ đội tình nguyện VN hi sinh thời chống Pháp.

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên