27/04/2022 12:56 GMT+7

Dự trữ tên lửa Stinger của Mỹ đang cạn dần?

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Kể từ tháng 2, Mỹ đã chuyển 1.400 tên lửa Stinger cho Ukraine, theo một quan chức của Washington. Tuy nhiên, việc tìm nguồn cung ứng nhiều tên lửa Stinger hơn sẽ rất khó khăn, theo Hãng tin Reuters.

Dự trữ tên lửa Stinger của Mỹ đang cạn dần? - Ảnh 1.

Tên lửa vác vai Stinger của Mỹ - Ảnh: REUTERS

Lầu Năm Góc đã không đặt hàng tên lửa Stinger mới trong khoảng 18 năm qua. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang lo ngại về nguồn dự trữ tên lửa Stinger "đang cạn dần".

Hiện tại quân đội Mỹ đã hạn chế sử dụng nguồn dự trữ tên lửa Stinger trong khi chờ phát triển thế hệ tiếp theo của "hệ thống phòng không di động".

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, bà Jessica Maxwell, cho biết dây chuyền sản xuất Stinger đã bị đóng cửa vào tháng 12-2020. Kể từ đó Công ty Hàng không và quốc phòng Raytheon Technologies (RTX.N) đã giành được hợp đồng vào tháng 7-2021 để sản xuất nhiều tên lửa Stinger hơn, nhưng chủ yếu cho các nước trên thế giới. 

Trong khi đó, theo trang tin The Drive, ông Greg Hayes, giám đốc điều hành của Công ty Raytheon cho biết trong một cuộc họp báo sáng 26-4 (giờ địa phương): "Do những khó khăn trong chuỗi cung ứng, Raytheon Technologies không thể nhanh chóng chế tạo thêm các hệ thống phòng không vác vai Stinger đang đổ bộ vào Ukraine để chống lại Nga".

"Chúng tôi hiện đang sản xuất tên lửa Stinger cho một khách hàng quốc tế. Đồng thời, kho nguyên liệu để sản xuất Stinger cũng còn rất hạn chế", ông Greg Hayes nói.

Ông Hayes cho biết công ty đã làm việc với Bộ Quốc phòng "trong vài tuần qua" để khắc phục sự cố.

Thêm một khó khăn khác, tên lửa Stinger phần lớn là sản phẩm được chế tạo thủ công. Trong khi hầu hết lực lượng lao động của Raytheon được đào tạo để xây dựng các hệ thống tiên tiến hơn như tên lửa hành trình Tomahawk hoặc tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, theo trang tin Breaking Defense.

Xem ra việc bổ sung  tên lửa Stinger vào kho dự trữ sẽ là một thách thức.

Lo ngại về khả năng sản xuất các tên lửa vác vai Stinger, vào ngày 7-4, thượng nghị sĩ Richard Blumenthal đã đặt vấn đề Tổng thống Joe Biden cần thiết ban hành Đạo luật Sản xuất quốc phòng.

"Để sản xuất nhiều tên lửa Stinger và Javelin hơn - trong khi tất cả các nguồn dự trữ mà chúng ta sử dụng đang cạn dần và sắp hết, đồng thời các đồng minh cũng cạn kiệt - chúng ta có nên áp dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng không?", ông Blumenthal hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại cuộc điều trần về ngân sách ở Ủy ban Quốc phòng Thượng viện vào ngày 7-4.

"Chúng tôi đang nỗ lực tham gia vào ngành công nghiệp vũ khí để đảm bảo việc sản xuất nhanh nhất có thể. Tất nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng", ông Austin trả lời.

Theo Reuters, tại cuộc họp vào đầu tháng 4, các nhà điều hành trong ngành sản xuất vũ khí đã lên tiếng dè dặt về việc gia tăng sản xuất.

Một giám đốc điều hành nói rằng khi chiến tranh Ukraine kết thúc, họ không muốn bị mắc kẹt với những kho chứa đầy hàng tồn khó bán.

Nga công bố sắp triển khai tên lửa Nga công bố sắp triển khai tên lửa 'mạnh nhất thế giới', có thể tấn công hạt nhân Mỹ

TTO - Ngày 23-4, Nga thông báo nước này có kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat vào mùa thu năm nay. Loại tên lửa mới được thử nghiệm thành công này có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Mỹ.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên