07/07/2019 17:23 GMT+7

Du lịch MICE: 19 năm trước, người Thái chưa biết gì, giờ khẳng định tên họ đặt

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - 19 năm trước, người Thái chưa biết gì về MICE - loại hình du lịch thông qua tổ chức sự kiện, hội thảo, triển lãm, hội nghị. Nay họ tự hào là nước "khai sinh" cho tên gọi đó và đang thu lợi lớn.

Du lịch MICE: 19 năm trước, người Thái chưa biết gì, giờ khẳng định tên họ đặt - Ảnh 1.

Nền công nghiệp MICE (du lịch kết hợp hội nghị) của Thái Lan đang “hái quả” sau 19 năm dò đường. Trong ảnh: khách du lịch vui đùa trong Tết té nước Songkran ở Bangkok - Ảnh: AFP

Đặc thù của nhóm khách MICE là phần lớn tới Thái Lan bằng tiền của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và họ sẽ tới nhiều lần, dựa theo nhu cầu công việc chứ không phải chỉ là nhu cầu trải nghiệm du lịch cá nhân.

19 năm trước, người Thái chưa biết gì về MICE - loại hình du lịch thông qua tổ chức sự kiện, hội thảo, triển lãm, hội nghị. Nay họ tự hào là nước "khai sinh" cho tên gọi đó, và định hình rõ ràng lộ trình phát triển ngành công nghiệp này với tham vọng là trung tâm MICE tại Đông Nam Á.

Về ngữ nghĩa, MICE là cụm từ viết tắt của 4 chữ Meetings, Incentives, Conference và Exhibitions, có nghĩa: Hội họp, khen thưởng, hội thảo và triển lãm/hội chợ. Ngành công nghiệp MICE được hiểu là loại hình du lịch thông qua tổ chức các sự kiện, triển lãm, hội nghị, hội thảo.

Nói một cách đơn giản hơn, ngoài việc tiếp tục thu hút nhóm du khách tới Thái Lan với nhu cầu trải nghiệm du lịch cá nhân (có thể họ chỉ đến một lần trong đời), Thái Lan tập trung nhiều hơn cho mục tiêu thu hút những khách đoàn tới nước họ tham gia các sự kiện, hội thảo và du lịch chỉ là một phần kết hợp trong những chuyến công tác đó.

Gần 2 thập kỷ dò đường

Trao đổi với Tuổi Trẻ trong cuộc phỏng vấn riêng giữa tháng 6 vừa qua, bà Nichapa Yoswee - phó chủ tịch cao cấp Cục Hội nghị và triển lãm Thái Lan (TCEB), đơn vị quản lý và điều hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp MICE của Chính phủ Thái Lan từ năm 2004 - khẳng định MICE Industry là tên gọi do Thái Lan đặt ra trong quá trình phát triển dịch vụ du lịch này suốt 19 năm qua.

Theo bà Nichapa, đặt như thế để phân biệt với các ngành có những điểm tương đồng như Event Industry (công nghiệp sự kiện) của Mỹ hay Meeting Industry (công nghiệp hội họp) của châu Âu. 19 năm qua, TCEB đã trải qua gần 4 lần thực hiện các kế hoạch 5 năm, ở mỗi giai đoạn là một nhiệm vụ. 

Nhưng vào thuở ban đầu, bà Nichapa thừa nhận TCEB chưa biết gì về MICE. Lúc đó, quốc gia làm mạnh nhất các dịch vụ này là Trung Quốc.

Đặc thù của nhóm khách MICE là phần lớn sẽ tới Thái Lan bằng tiền của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và họ sẽ tới nhiều lần, dựa theo nhu cầu công việc chứ không phải chỉ là nhu cầu trải nghiệm du lịch cá nhân. 

Đây là lý do khiến ngành công nghiệp MICE khác hẳn với các dịch vụ du lịch thông thường và đem lại nguồn lợi nhuận lớn gấp 4 hoặc 5 lần, thậm chí nhiều hơn, theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho du khách từ lúc đặt chân tới đến lúc rời khỏi Thái Lan, "hệ sinh thái MICE" quần tụ quanh nó các trung tâm tổ chức sự kiện lớn, các khách sạn, resort 5 sao tại Bangkok, Pattaya và những vùng ngoại vi cách thủ đô trong bán kính 2-3 giờ di chuyển xe hơi.

Đồng hành với TCEB trong các chiến dịch phát triển ngành công nghiệp MICE còn là Hiệp hội chuyên về chương trình khen thưởng và hội nghị Thái Lan (TICA) với 472 thành viên, trong đó 63% là khách sạn, 5% là không gian tổ chức sự kiện và 20% là các nhà tổ chức sự kiện.

Tham gia MICE còn có các hãng bay lớn như Thai Airways, Bangkok Airways. Không chỉ được tận hưởng những ưu đãi về giá vé, cân nặng hành lý, ngay từ lúc bước xuống sân bay của Thái Lan, các du khách MICE sẽ được trải nghiệm ngay những dịch vụ riêng, như lối đi làm thủ tục rút ngắn cho họ.

Trong năm nay, TCEB cũng tổ chức các chiến dịch thu hút khách MICE lớn khác như "MICE Thailand Signature" (Dấu ấn MICE Thái Lan) với 262 cửa hàng dành mức chiết khấu tới 30% cho du khách MICE. 262 cửa hàng này thuộc 6 nhóm ngành kinh doanh: sức khỏe; ẩm thực; cà phê và bar; mua sắm; chương trình biểu diễn văn hóa giải trí và các lớp học (muay Thái, ẩm thực Thái).

Rõ ràng người Thái đã tích hợp nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp, nhiều hạng mục kinh doanh, trải nghiệm trong một ngành công nghiệp MICE. Mọi đơn vị tham gia hợp tác đều gắn liền với các hoạt động đi lại, ăn, ngủ, trải nghiệm, làm việc và vui chơi, giải trí của khách nước ngoài.

ASEAN là thị trường hàng đầu

Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp MICE, TCEB coi các nước ASEAN là thị trường nhắm tới đầu tiên. Điều này trước hết là vì sự thuận lợi về địa lý, sự gần gũi giữa các quốc gia trong cùng khu vực khiến chi phí cũng như thời gian đi lại tới Thái Lan tiết kiệm và rút ngắn rất nhiều.

Theo thống kê của TCEB, trong quý 1 và quý 2 của tài khóa 2019 (từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019), tổng số du khách MICE đến từ các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) đạt con số kỷ lục 46.352 người, trong đó du khách Việt Nam cao nhất với 18.352 người.

Không chỉ nhắm tới ASEAN như một thị trường tiềm năng, Thái Lan còn có tham vọng tạo một hệ sinh thái MICE của ASEAN. Bởi theo bà Nichapa, không giống các ngành công nghiệp khác, kiểu như xe hơi, tính cạnh tranh mang ý nghĩa sống còn giữa các công ty, ngành công nghiệp MICE thậm chí còn phát triển tốt hơn nữa nếu có sự hợp tác giữa các nước.

Chẳng hạn, thông qua các chương trình, Thái Lan có thể trở thành trung tâm kết nối giữa ASEAN và các nước phương Tây. Việc phối hợp này sẽ được triển khai theo nhiều cấp độ, hoặc ở cấp các cơ quan chính phủ, hoặc các hiệp hội ngành nghề. 

Dĩ nhiên để hướng tới một hệ sinh thái MICE của khu vực, Thái Lan tham vọng xây dựng một bộ tiêu chuẩn ngành chung đáp ứng các tiêu chí chất lượng dịch vụ thống nhất tại mọi địa phương, mọi quốc gia trong khu vực.

1,2 triệu khách

Năm 2018, Thái Lan đón tổng cộng 1,2 triệu du khách MICE nước ngoài, tăng 19,85% so với năm 2017. Năm 2018, ngành công nghiệp MICE đóng góp 177,2 tỉ baht (5,78 tỉ USD) vào GDP và 23,4 tỉ baht (763,4 triệu USD) tiền thuế.

Về phương diện kinh tế, ngành công nghiệp này còn khuyến khích du khách chi tiêu khoảng 251,4 tỉ baht (8,2 tỉ USD) và tạo ra 181.000 việc làm.

Việt Nam còn thiếu không gian tổ chức sự kiện

Theo bà Nichapa, Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp MICE, song cái khó hiện nay, theo bà, là Việt Nam còn thiếu các không gian tổ chức sự kiện, thiếu những cơ sở hạ tầng cần thiết như hệ thống khách sạn, trung tâm tổ chức hội nghị đạt chuẩn khu vực/quốc tế để có thể mở rộng khai thác ngành dịch vụ này.

Người Thái quyên góp hàng chục ngàn USD bảo vệ Người Thái quyên góp hàng chục ngàn USD bảo vệ 'bé cưng quốc dân'

TTO - Chú bò biển quý hiếm lạc mẹ được giải cứu ở Thái Lan đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ, được gọi là "bé cưng quốc dân" và là biểu tượng giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên