09/08/2020 09:46 GMT+7

Du lịch đau đầu với hoãn, hủy tour

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Dịch COVID-19 quay trở lại ngay đúng mùa cao điểm du lịch nội địa không chỉ khiến các doanh nghiệp du lịch mà người dân cũng chới với vì kế hoạch hè bị đảo lộn. Chỉ riêng trong hai tháng 7 và 8, lượng khách hủy tour lên đến 95-100%.

Du lịch đau đầu với hoãn, hủy tour - Ảnh 1.

Hội An những ngày chưa có dịch COVID-19 - Ảnh: T.T.D.

Ngành hàng không, khách sạn vừa mới bắt đầu phục hồi đã chứng kiến "ghế trống, phòng tối đèn", trong khi nhiều người dân cho biết họ còn chịu thiệt nhiều hơn vì chưa kịp đi du lịch, tiền đã bay mất.

Chưa kịp đi du lịch đã mất tiền

Chuyến du lịch về miền Trung của gia đình chị Thanh (ngụ Q.12, TP.HCM) đã phá sản vì dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng. Để lên kế hoạch chuyến đi cho 5 thành viên trong gia đình, chị Thanh đã đặt vé máy bay, phòng khách sạn ở Huế và Hội An. 

Ngay từ khi có thông tin dịch, chị Thanh chủ động gọi điện cho hãng bay để hủy vé nhưng họ không đồng ý vì lúc đó Huế chưa phải tâm dịch.

"Tôi chọn phương án đổi vé sang tháng 10 thì đại lý yêu cầu phát sinh thêm 1 triệu đồng/vé mà không giải thích vì sao. Khách sạn cũng không cho hủy đặt phòng, giữ toàn bộ số tiền đã thanh toán qua mạng, họ nói sẽ cho dời hợp đồng đến tháng 10. Chưa kịp đi du lịch, gia đình tôi đã mất số tiền không nhỏ" - chị Thanh nói.

Trong khi đó, anh Nam (Q.Thủ Đức) cũng dở khóc dở mếu với tiệc cưới của mình dự kiến vào tuần thứ 3 của tháng 8. 

"TP.HCM vừa có quy định giãn cách xã hội, không tập trung đám đông quá 30 người là tôi đã làm việc với chủ nhà hàng nơi đặt tiệc. Nhưng họ giữ lại 20 triệu đồng cọc vì lý do chi phí chuẩn bị, cho dù tiệc sẽ hủy. Dịch không ai lường trước, là chuyện bất khả kháng, còn cả tháng mới đến tiệc nhưng nhà hàng vẫn không thông cảm" - anh Nam bức xúc.

Không chỉ du khách cá nhân, người tiêu dùng, mà các công ty lữ hành cũng vật vã, chịu thiệt hại nặng nề do đối tác muốn bảo lưu để chuyển qua các giai đoạn khác, trong khi các đơn vị lữ hành phải chuyển trả tiền tour cho khách hàng. 

Điều này đặt các doanh nghiệp lữ hành vào thế khó khi phải xoay xở tài chính, nhất là các đơn vị không nhiều nguồn vốn.

Mới đây, Công ty TNHH dịch vụ du lịch Việt Sun Travel đã có đơn gửi Hiệp hội Du lịch TP.HCM nhờ kết nối với hãng hàng không giá rẻ để bảo lưu gần 1 tỉ đồng tiền cọc vé máy bay. 

Theo doanh nghiệp này, dù đã phải tạm ngưng hoạt động từ tháng 3 cho đến hết năm 2020 nhưng hãng hàng không cho công ty chỉ được chuyển tiền cọc sang quý 3 và quý 4-2020 chứ không hỗ trợ hoàn hủy vé.

Tâm lý chung của các doanh nghiệp lữ hành hiện nay là mong muốn những đối tác hàng không, lưu trú, dịch vụ điểm đến điều chỉnh chính sách để có thể hoàn lại kinh phí (theo tỉ lệ hợp lý) hoặc gia hạn bảo lưu ít nhất 1 năm đối với các khoản tiền đặt cọc vé máy bay, dịch vụ cho khách hàng.

Du lịch đau đầu với hoãn, hủy tour - Ảnh 2.

Nhiều công ty du lịch cho phép khách lùi dịch vụ, hoãn tour do tác động của dịch COVID-19 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Phải chia sẻ, chung tay vượt khó

Ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho rằng trong tình cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần phải có biện pháp xử lý khéo léo, linh hoạt để chia sẻ với người tiêu dùng và đối tác. 

Các tour, tuyến bị hủy hiện nay là đáng tiếc nhưng trước khi dịch xảy ra, đây là sự hưởng ứng, ủng hộ du lịch nội địa của người dân, là kết quả của chương trình kích cầu du lịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".

"Trong lúc khó khăn này, cần bảo lưu tour, phòng khách sạn, tạo điều kiện cho khách trở lại khi hết dịch. Khách đã ủng hộ doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải chia sẻ, có như vậy mới lấy được niềm tin sau dịch cho những chương trình kích cầu sau này" - ông Bình nói.

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng cho biết ngay khi hiệp hội có văn bản gửi các địa phương nhờ hỗ trợ doanh nghiệp bị hoãn, hủy tour, tín hiệu phản hồi từ các địa phương rất khả quan. 

Hiệp hội đã nhận được hưởng ứng từ 30 địa phương trên cả nước, sẵn sàng chia sẻ. Một số địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang... đồng ý hoàn lại 100%.

Theo các doanh nghiệp, với tình trạng khó khăn hiện nay, để xử lý công nợ giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau, đặc biệt là giữa hàng không với các hãng du lịch, đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng địa phương đứng ra làm trung gian, kết chuyển những khoản nợ này, giúp công ty lữ hành được nhận lại nguồn tiền đã chuyển trước cho hãng hàng không, thu về phục vụ các hoạt động phục hồi kinh doanh sau dịch.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, Nhà nước cũng cần có hỗ trợ về chính sách tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp hàng đầu về vận chuyển, lưu trú, lữ hành, khu vui chơi giải trí để tạo đầu kéo ngành du lịch hồi phục, trong đó nới lỏng các điều kiện, quy định về tài sản thế chấp, cơ cấu vay vốn, tái cấp vốn.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, nhiều du khách có xu hướng muốn hủy tour vì lo ngại dịch bệnh. 

Tuy nhiên, khách hàng, người đi du lịch hết sức bình tĩnh, cảm thông để doanh nghiệp có thêm thời gian tìm ra các phương án tốt nhất bảo vệ quyền lợi khách hàng và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

"Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế. Các địa phương chưa có dịch tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, bảo đảm sức khỏe cho du khách. 

Doanh nghiệp du lịch hướng khách chuyển đổi tour sang những điểm đến chưa có dịch cùng các biện pháp an toàn. Ngoài ra, du khách có thể cân nhắc bảo lưu dịch vụ để đi vào thời điểm khác thay vì hủy tour" - ông Khánh gợi ý.

Nhiều địa phương hưởng ứng

Thông tin từ Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết cơ quan này vừa có văn bản gửi Sở Du lịch và hiệp hội du lịch các tỉnh, thành về việc liên kết hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành Khánh Hòa trong việc đàm phán hủy, hoãn tour trong giai đoạn dịch Covid-19 tái phát.

Theo đó, đề nghị sở du lịch và hiệp hội du lịch các địa phương như: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM... vận động doanh nghiệp không phạt hủy, hoãn; đồng thời xem xét hoàn tiền cho các doanh nghiệp lữ hành Khánh Hòa đã có ký kết chương trình tour tại địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn trả khách hàng.

Ngoài ra, hiệp hội này cũng có văn bản kêu gọi hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương không phạt việc hủy, hoãn các dịch vụ đã đăng ký; đồng thời xem xét hoàn tiền cọc cho các doanh nghiệp lữ hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn trả khách hàng.

Đình Cương

Hoàn tiền cho khách, chấp nhận thiệt hại

Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, giám đốc kinh doanh Công ty Du lịch Việt Promotion, cho biết có 15 đoàn khách ở TP.HCM, Hà Nội cùng một vài tỉnh phía Bắc đã hủy tour dự kiến khởi hành tới Nha Trang trong tháng 8.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã hoàn tiền đặt cọc cho các đoàn và chấp nhận thiệt hại gần 1,5 tỉ đồng.

Không chỉ doanh nghiệp lữ hành, các điểm du lịch, vui chơi, giải trí lớn tại Khánh Hòa cũng bị hủy hàng loạt tour trong tháng 8 và 9 với mức thiệt hại lên tới hàng tỉ đồng.

Đình Cương

Khách hủy tour, đòi cọc: ngành du lịch lao đao Khách hủy tour, đòi cọc: ngành du lịch lao đao

TTO - Không chỉ tour Đà Nẵng, nhiều tour du lịch đi các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do du khách hủy tour hàng loạt trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, thêm lao đao.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên