Từ hôm nay (15-8), thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Bên cạnh đó, công dân của quốc gia được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú từ 15 ngày tăng lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Với các chính sách visa khá cởi mở này, cơ hội kích thích chi tiêu của khách và giữ chân du khách bằng những sản phẩm lưu trú dài ngày hơn đang rộng mở với ngành du lịch.
Xây dựng lại tour liên tuyến các nước
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị và truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho biết ngay khi chính sách mới được công bố từ hai tháng trước, toàn bộ nhân sự của đơn vị đã làm việc xong với các đối tác, điều chỉnh sản phẩm cập nhật cho phù hợp.
Từ sau dịch, các thị trường nước ngoài đều yêu cầu du lịch Việt Nam làm mới sản phẩm và thực tế các sản phẩm dành cho thị trường khách quốc tế đều phải làm lại. Nhưng với chính sách visa mới, các doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian lưu trú của khách dài hơn để xây dựng chương trình tour.
"Ngoài khách du lịch thuần túy, có nhóm khách công vụ, hội họp cũng khá đông. Nhóm khách này ra vào Việt Nam khá nhiều lần và thường đặt dịch vụ sớm. Khi làm việc với các đối tác, sản phẩm du lịch được thiết kế bao giờ cũng dựa trên điều kiện visa, những quốc gia miễn visa sẽ khác với visa có thời hạn.
Chúng tôi đã có những tour thời lượng dài hơn như tour nối tuyến các nước Lào, Campuchia... vốn khá nhọc công triển khai, nay trở nên thuận tiện hơn rất nhiều", bà Trà cho biết.
Bà Phạm Phương Anh, tổng giám đốc Công ty CP truyền thông Du lịch Việt, cũng cho biết đặt nhiều hy vọng vào chính sách thị thực nhập cảnh mới, thậm chí có thể tác động làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của công ty từ 5 - 25% mỗi năm.
Thời gian qua, doanh nghiệp này cũng bắt đầu có những chuyến khảo sát các tuyến điểm, thiết kế các sản phẩm tour dành cho du khách quốc tế có hành trình tour từ Việt Nam tới các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia... để nâng thời gian lưu trú tại Việt Nam.
"Trước đây, các công ty lữ hành làm tour liên tuyến ba nước rất chật vật. Nếu khách muốn đi sang nước lân cận, phải xin visa lại cho khách, nên nhiều khách rời Việt Nam là đi luôn dù họ muốn ở lại đây lâu hơn", bà Phương Anh nói.
Những du khách châu Âu đến Việt Nam thường phải di chuyển bằng các chuyến bay khứ hồi dài và giá vé máy bay đắt đỏ khiến họ có xu hướng lên kế hoạch đi nghỉ dài hạn hơn so với du khách đến từ các khu vực gần lân cận.
Khi chính sách visa của Việt Nam chưa cởi mở, các chuyến đi này phải rút ngắn, trong khi đây cũng là nhóm sẵn sàng chi tiêu cao và mong muốn ở Việt Nam dài hơn. Ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc điều hành Images Travel & Events, cũng kỳ vọng lượng khách sẽ tăng nhưng cho rằng mức tăng này đến từ nhóm khách lẻ, cá nhân đi dạng tự túc, còn nhóm khách đoàn qua các công ty du lịch lữ hành cần độ trễ thời gian.
"Các đối tác nước ngoài của chúng tôi vẫn đang nghe ngóng chính sách thị thực và quy trình nhập cảnh có hiệu lực từ ngày 15-8. Một khi có hiệu lực, họ sẽ bắt đầu chào bán những sản phẩm mới phù hợp với chính sách visa mới. Khách Âu thường có thói quen lên kế hoạch đi du lịch khá sớm nên với nhóm khách đoàn, hiệu ứng mạnh hơn có thể xảy ra sang năm sau", ông Toản nhận định.
Để kéo du khách quay trở lại nhiều lần
Ông Jürgen Dörr, CEO của Vinpearl Holdings, cho biết chính sách visa mới cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa, nhưng bước tiếp theo là các đường bay thẳng. Visa chỉ là bước khởi đầu, các đường bay tiện lợi mới có thể mang khách đến với những điểm đến.
"Những đường bay mang khách cho các điểm đến, ngược lại, để duy trì các đường bay, những điểm đến của Việt Nam phải có sản phẩm đặc biệt, định vị được để quảng bá, thu hút du khách", ông Jürgen Dörr chia sẻ.
Theo các công ty lữ hành, chính sách visa mở rộng điều kiện và thông thoáng hơn có hiệu lực ngay trước mùa cao điểm của khách quốc tế sẽ góp phần tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, phát triển kinh tế du lịch những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp sẽ có nhiều không gian để chào bán sản phẩm, tăng thêm dịch vụ linh hoạt cho du khách như điều chỉnh thời gian khởi hành, thay đổi lịch trình... Các công ty du lịch cũng tập trung phát triển các dòng sản phẩm có sự đầu tư về chất lượng, tập trung yếu tố trải nghiệm.
"Với chính sách visa mới, chúng tôi dự kiến số lượng khách tăng lên nên chủ động đàm phán với các đối tác cung ứng dịch vụ để phục vụ đảm bảo chất lượng khi số lượng khách tăng cao.
Khi sự quan tâm của du khách quốc tế nhiều hơn, các chương trình xúc tiến, gặp gỡ, đàm phán với các đối tác quốc tế mới, chào bán các sản phẩm du lịch mới dựa trên các tiêu chí và quy định của chính sách visa thông thoáng mở rộng", bà Phương Anh nói thêm.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, lượng khách đông hơn buộc các điểm đến của Việt Nam phải sắp xếp, chấn chỉnh tình trạng chèo kéo, "chặt chém" khách du lịch. Khách quốc tế rất thích những trải nghiệm gắn với cuộc sống hằng ngày của người dân bản địa, những món ăn đường phố, hàng quán... nhưng địa phương phải có sự quản lý để tránh hiện tượng "chặt chém", bán không đúng giá, vấn đề vệ sinh, môi trường.
Ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên, tổng giám đốc BenThanh Tourist, cho biết từ sau dịch các công ty lữ hành trong nước đối mặt với thực tế những dịch vụ cung cấp ít lựa chọn hơn, khiến giá sản phẩm cao hơn, ảnh hưởng cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
"Bây giờ khách đòi hỏi các dịch vụ chơi gì, ăn gì, thái độ phục vụ ra sao. Các nước thay đổi, cập nhật rất nhanh, do vậy nếu không có sự đổi mới, tìm hiểu thị hiếu sẽ rất khó cho các đơn vị trong nước", ông Nguyên nhận định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, chính sách visa đã thoáng nhưng khâu thực thi như thế nào cũng là mối bận tâm của các doanh nghiệp. Bởi trong thực tế, thi thoảng các đoàn khách vẫn gặp những tình huống "khóc cười" vì quy trình làm thủ tục e-visa.
Chẳng hạn, đã có một vị khách trong đoàn "bị rớt" lại khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam vì sai một chữ cái trong tên khách. Doanh nghiệp phải linh hoạt đưa khách sang Lào hai ngày chờ làm lại visa mới. "Chúng ta có chính sách thông thoáng nhưng cần phải có quy trình linh hoạt nữa, thái độ hiếu khách", ông Toản đề xuất.
Cần có thêm nhiều trung tâm, điểm mua sắm
Đang tổ chức đưa nhiều đoàn khách quốc tế theo dạng du lịch MICE vào Việt Nam, ông Subash Chandar - giám đốc điều hành Asia DMC, công ty quản lý điểm đến hàng đầu chuyên về du lịch tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan - cho rằng Việt Nam đang được xem là điểm đến mới mẻ hơn Thái Lan.
Tuy nhiên, để đón thêm nhiều đoàn khách, các thành phố của Việt Nam cần có thêm nhiều trung tâm, điểm mua sắm.
Bản thân khách hàng của doanh nghiệp này cũng muốn khám phá các tỉnh miền Trung và miền Bắc, nhưng với những đoàn khách số lượng lớn từ vài trăm trở lên, công ty vẫn phải ở TP.HCM. "So với Thái Lan hay Singapore, dịch vụ mua sắm giải trí của Việt Nam còn ít, nhà hàng dành cho khách Ấn cũng chưa thật sự đa dạng", ông Subash Chandar nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận