Sáng 3-5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục họp phiên toàn thể thẩm tra về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Đề xuất ngân sách nhà nước bố trí tối thiểu 77.000 tỉ đồng
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết về mục tiêu chương trình sẽ chia thành 2 giai đoạn phân kỳ. Trong đó, đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu và đến năm 2035 cũng đạt 9 nhóm mục tiêu.
Theo bà Thủy, chương trình được thiết kế với 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng chỉ đạo của Tổng bí thư về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp phát triển văn hóa tại kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Về dự kiến tổng các nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 theo bà Thủy là 122.250 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 được bố trí tối thiểu 77.000 tỉ đồng, chiếm 63%.
Trong đó, 50.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển, 27.000 tỉ đồng vốn sự nghiệp. Tổng nguồn vốn này phù hợp, đảm bảo khả năng đáp ứng nguồn lực của Nhà nước.
Sau khi chương trình được phê duyệt các nội dung, nhiệm vụ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa đang được triển khai ở các chương trình mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được chuyển sang chương trình mục tiêu 2025 - 2035 để thống nhất quản lý, tập trung nguồn lực đầu tư hiệu quả.
Cũng theo bà Thủy, trong quá trình điều hành Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương, ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của chương trình.
Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng, chiếm 24,6%, trong đó vốn đầu tư phát triển 18.000 tỉ đồng, vốn sự nghiệp 12.250 tỉ đồng. Cùng với đó, vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỉ đồng, chiếm 12,4%.
Dự thảo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ về tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến 122.250 tỉ đồng (riêng năm 2025 là 400 tỉ đồng).
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra cho rằng nhiều nội dung thành phần chưa xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư. Do vậy, chưa rõ căn cứ xác định nguồn lực thực hiện chương trình, nhất là đối với vốn ngân sách địa phương.
Với vốn ngân sách địa phương, một số ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có khả năng tự cân đối được ngân sách.
Việc ghi cụ thể nguồn vốn huy động hợp pháp (vốn xã hội hóa) thực hiện chương trình là khoảng 15.000 tỉ đồng, theo cơ quan thẩm tra là chưa đủ căn cứ, chỉ nên ghi định hướng và đề ra các giải pháp khuyến khích đầu tư.
Trên cơ sở đó, ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn vốn thực hiện thông qua rà soát, điều chỉnh lại các nội dung hoạt động của chương trình để bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Đồng thời, đề nghị bổ sung đánh giá về cơ sở xây dựng dự toán; tiêu chí phân bổ cho từng nhóm nội dung, chú trọng các nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung.
Đặc biệt phải rà soát các nội dung trùng lắp với hoạt động chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước để đưa ra khỏi chương trình, đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương.
Tiền không thể vô tận được và chỉ có vậy thôi
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay chương trình "rất khó và rất rộng", nên lúc thiết kế chương trình và sau này triển khai rất thách thức.
Theo ông Phương, khó đầu tiên về tính định lượng nên khi thẩm định cố gắng cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định lượng các chỉ tiêu, mục tiêu nhưng không hết được. Sau này ảnh hưởng tới việc giám sát, thẩm tra và đặc biệt là phân bổ vốn.
"Phân bổ vốn nguyên tắc phải rất cụ thể mới phân bổ được. Cứ trừu tượng thế này đến lúc phân bổ vốn không chính xác cũng rất phiền", ông Phương nói.
Về nguồn vốn và cân đối vốn, theo ông, đây là nội dung rất nhiều đại biểu quan tâm và cũng khá khó.
Ông Phương cho biết thời gian qua có sự điều chỉnh rất lớn, từ quy mô rất to, giảm xuống bây giờ trong giai đoạn 5 năm tới chỉ có hơn 70.000 tỉ đồng.
"Tại thời điểm hiện nay khả năng cân đối vốn khó xác định. Nếu dùng vốn 2021 - 2025, không còn tiền.
Nếu dùng vốn giai đoạn 2026 - 2030, hiện chưa có chủ trương nên không biết có tiền hay không, bao nhiêu hay thế nào", ông Phương bày tỏ, đồng thời cho biết cuối năm nay mới có thể dự kiến tiền giai đoạn 2026 - 2030.
Đặt trong điều kiện thực tế vốn chỉ có vậy, ông Phương nêu phải cân đối mục tiêu. "Không thể đưa ra mục tiêu quá lớn rồi lại than phiền tiền có ít, bởi vì tiền không thể vô tận được và chỉ có vậy thôi", ông Phương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận