Đông đảo phụ huynh và thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Theo cán bộ tuyển sinh của nhiều trường ĐH, khác với năm trước, năm nay ngay từ ngày đầu tiên thí sinh đã đến nộp hồ sơ ĐKXT khá nhiều.
Hồ sơ liên tục tăng
Chiều qua (8-8), TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết nhà trường đã nhận được hơn 5.000 hồ sơ ĐKXT. Mỗi ngày, trường nhận được khoảng 700 hồ sơ.
“Qua tư vấn chúng tôi thấy nhiều thí sinh điểm cao vẫn chưa nộp hồ sơ. Vì vậy, mấy ngày tới lượng hồ sơ nộp về trường sẽ tiếp tục tăng” - ông Thông dự báo.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2016 là 4.500, nhưng đến nay trường đã nhận được gần 7.000 hồ sơ. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết với quy chế tuyển sinh năm nay, để giảm bớt tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo, trường dự kiến sẽ gọi thí sinh nhập học nhiều hơn chỉ tiêu trên.
Ông Lê Việt Anh, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cũng cho biết hiện tại đã có 1.400 hồ sơ được thí sinh nộp trực tiếp tại trường. Lượng hồ sơ tăng đều đặn khoảng 100-200 hồ sơ/ngày.
Tính đến chiều 8-8, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã nhận được khoảng 6.100 hồ sơ ĐKXT.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - phó hiệu trưởng nhà trường, có khá nhiều trường hợp sai sót hồ sơ (khoảng gần 60/300), đặc biệt là hồ sơ gửi qua đường bưu điện, phần lớn lỗi là ghi sai thông tin mã ĐKXT; hội đồng tuyển sinh trường đã chỉ đạo bộ phận nhận tuyển sinh liên hệ qua điện thoại đến thí sinh để xác nhận lại thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh an tâm.
Đối với hơn 20 trường hợp thí sinh vừa ĐKXT trực tuyến nhưng vẫn nộp thêm phiếu đăng ký qua đường bưu điện, ông Hoàn cho biết đã chỉ đạo liên hệ điện thoại đến những thí sinh này để thông báo: nếu đã đăng ký trực tuyến thì không thể đăng ký thêm bằng phiếu ĐKXT, nên phiếu ĐKXT gửi bằng bưu điện là không hợp lệ.
TS Mai Đức Ngọc, trưởng ban đào tạo Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho biết lượng hồ sơ năm nay tăng hơn hẳn so với năm ngoái.
Đến ngày 8-8, đã có 3.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường, và khoảng 1.000 thí sinh chọn các ngành đào tạo của trường là nguyện vọng 2. Trong đó, các chuyên ngành thuộc ngành báo chí đều có số hồ sơ gấp đôi so với chỉ tiêu.
Theo kế hoạch, với các ngành nghiệp vụ báo chí, ngày 10-8 trường sẽ tổ chức bài thi năng khiếu. Ngày 12-8, kết quả thi năng khiếu sẽ được công bố cho thí sinh, và đến ngày 14-8 kết quả tuyển sinh chung sẽ được công bố chính thức.
TS Trịnh Minh Thụ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, cho biết hiện trường đã nhận 2.000 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường qua hệ thống online. Trong đó, thu hút nhiều hồ sơ nhất là các ngành công nghệ thông tin, kế toán, xây dựng công trình.
Dự báo điểm chuẩn sẽ giảm nhẹ
TS Lê Chí Thông tiếp tục đưa ra dự báo điểm chuẩn của trường sẽ giảm từ 0,5-1 điểm so với năm 2015.
“Thí sinh nào chưa nộp hồ sơ cần tham khảo điểm chuẩn các ngành của trường năm ngoái. Nếu có điểm bằng hoặc thấp hơn một chút vẫn còn cơ hội. Ví dụ thí sinh đạt 23 điểm thì nên chọn ngành có điểm chuẩn năm trước 23,5 để nộp nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 chọn ngành có điểm thấp hơn một chút để có thêm cơ hội trúng tuyển” - ông Thông tư vấn.
Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng dự báo: “Điểm chuẩn các ngành của trường sẽ thấp hơn năm ngoái từ 0,5-1 điểm đối với hệ đại trà. Hệ đào tạo chất lượng cao còn nhiều chỉ tiêu, nên điểm chuẩn sẽ thấp hơn 1-2 điểm. Các ngành công nghệ vật liệu, kinh tế gia đình, công nghệ kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công nghệ môi trường, kế toán dự báo điểm chuẩn sẽ thấp hơn.
Những thí sinh chưa ĐKXT phải có điểm cao hơn điểm chuẩn năm ngoái hoặc thấp hơn 0,5 điểm mới nộp đơn vào hệ đại trà, còn đối với hệ chất lượng cao thì lấy điểm chuẩn năm ngoái trừ 1”.
Ông Lê Việt Anh, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, khuyên: “Thí sinh cần cân nhắc ba yếu tố trước khi nộp hồ sơ: điểm chuẩn ngành mình chọn năm 2015, phổ điểm năm 2016, xu hướng chọn ngành của năm 2016. Theo đó, nếu căn cứ phổ điểm mà Bộ GD-ĐT công bố thì dự báo điểm chuẩn chung của nhiều ngành, nhiều trường sẽ giảm từ 0,5-1 điểm”.
Theo ông Việt Anh, thí sinh có nguyện vọng vào các trường tốp trên có xu hướng nghe ngóng thông tin, để ngày cuối mới “chốt” phương án cuối cùng. Tuy nhiên, tốt nhất thí sinh nên nộp hồ sơ trước hạn chót một ngày để tránh những vấn đề phát sinh không đáng có.
Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng năm nay thí sinh ĐKXT trong bối cảnh không biết tỉ lệ chọi, không biết thứ hạng của mình, do đó có sự chênh lệch giữa những ngành học.
Ông Lý cảnh báo: thí sinh cần thực hiện đúng quy chế khi tham gia nộp hồ sơ ĐKXT. Có trường hợp thí sinh vô tình hay cố ý nộp hơn hai trường, theo nguyên tắc hệ thống sẽ “chặn” trường thứ 3, nếu lỡ trường đó lại là nguyện vọng chính đáng của thí sinh thì sẽ bị thiệt.
Thí sinh cũng không nên vừa nộp theo đường bưu điện vừa đăng ký online, vì khi nhập vào cũng chỉ chọn một mà thôi.
“Thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn năm trước của ngành/trường. Khả năng mức điểm chuẩn năm nay sẽ tương đương hoặc giảm nhẹ. Ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cơ hội vẫn còn đối với hai phân hiệu tại Ninh Thuận và Gia Lai. Cơ hội vào các ngành (có thể tham khảo năm 2015) có số lượng ĐKXT chưa nhiều như bản đồ học, lâm nghiệp, chế biến lâm sản, chế biến thủy sản, phát triển nông thôn...” - ông Lý chia sẻ.
10 đoàn cán bộ phát giấy báo nhập học tận tay thí sinh Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, năm nay thí sinh chỉ có một giấy chứng nhận kết quả thi, dễ bị thất lạc khi gửi về trường... “Để các em yên tâm, trong ngày 14 và 15-8 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ cử 10 đoàn cán bộ về các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bến Tre để phát giấy báo nhập học cho các em, và nhận giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia. Những em trúng tuyển vào trường (xem danh sách trên trang tuyển sinh của trường vào tối 13-8) ở các nơi khác có thể nhập học mà không cần chờ giấy báo” - ông Dũng nói. |
Chỉ 30% thí sinh đăng ký trực tuyến Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết số thí sinh đã đăng ký thành công và được nhập vào cơ sở dữ liệu của bộ là 290.000, trong đó 30% thí sinh đăng ký trực tuyến. Trong khi Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường không được công bố dữ liệu thí sinh ĐKXT, nhưng hiện vẫn có trường công bố danh sách thí sinh nộp hồ sơ online để gây chú ý với thí sinh. Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, nếu cung cấp dữ liệu xét tuyển hằng ngày sẽ tái diễn cảnh thí sinh chờ đợi thông tin, lộn xộn trong xét tuyển. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, đã có một trường ĐH y khoa phía Nam công bố danh sách thí sinh xét tuyển online không đúng quy định, và đã bị bộ yêu cầu gỡ bỏ thông tin này khỏi website của trường. “Bộ đã nhắc các trường không công bố thông tin gì liên quan đến ĐKXT của thí sinh để tránh gây hoang mang, vì những thông tin này không giúp ích được gì cho các em. Thí sinh sau khi đăng ký thành công có thể sử dụng tài khoản được cấp khi làm hồ sơ đăng ký dự thi để kiểm tra kết quả ĐKXT của mình. Vì vậy, các trường không cần công bố danh sách thí sinh ĐKXT” - ông Ga giải thích. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận