Hồng Phúc (áo dài, ngồi) chủ trì hội nghị mã nguồn mở với sự tham gia của các kỹ sư đến từ Ấn Độ, Singapore, Việt Nam... - Ảnh: NVCC
Dù khởi nghiệp thất bại hay sản phẩm "chết" đều mang về cho startup những bài học quý giá. Nếu bạn không bắt đầu, không vấp ngã thì sẽ không bao giờ học được gì"
Đặng Hồng Phúc
Cô gái người Cần Thơ 31 tuổi đã mở văn phòng ở Singapore đầu năm 2017 để bắt đầu cho hành trình khởi nghiệp của mình.
Nhiệt huyết với mã nguồn mở (open source), Phúc đã kết nối cộng đồng FOSSASIA hơn 20.000 thành viên - tự nguyện chia sẻ kiến thức công nghệ, hoàn thiện các giải pháp phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục, thương mại...
Công ty của Phúc cũng là đối tác của Google trong nhiều sự kiện trại hè lập trình tại châu Á. Phúc và cộng sự cũng bắt đầu khởi nghiệp với hai sản phẩm là Trí tuệ nhân tạo mã nguồn mở (không độc quyền) và Phòng thí nghiệm mở (bộ sản phẩm giáo dục cho học sinh THPT).
* Tại sao Phúc chọn Singapore khởi nghiệp?
- Một trong những lý do khiến hàng nghìn startup công nghệ tập trung về Singapore là thủ tục đăng ký, thành lập văn phòng khá đơn giản.
Chính phủ có chính sách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) nhỏ và vừa như: không gian làm việc chung, tạo điều kiện triển khai các dự án nghiên cứu công nghệ mới, quy trình cấp phép tổ chức sự kiện, hoạt động công nghệ nhanh chóng.
Tuy vậy, lợi thế lớn nhất là mọi thủ tục đều rõ ràng, không cần nghĩ tới việc "đi cửa sau". Chỉ căn cứ theo quy định giấy trắng mực đen mà làm.
Hồng Phúc - Ảnh: NVCC
* Công nghệ mã nguồn mở có lợi gì cho người dùng?
- Mã nguồn mở không có khái niệm độc quyền. Sản phẩm (phần cứng/phần mềm) cho phép mọi người tải và sử dụng miễn phí (tùy theo giấy phép phát hành). Sau khi tải về, người dùng còn có thể chỉnh sửa "bộ khung" chương trình, cập nhật, chia sẻ lại cho cộng đồng.
Nhờ vậy, các sản phẩm nguồn mở được nâng cấp liên tục thành nhiều phiên bản, ứng dụng trong các trường hợp, lĩnh vực khác nhau. Nhiều phần mềm, hệ điều hành miễn phí ra đời từ đó, hỗ trợ tích cực cho các dự án xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận giải pháp công nghệ mới.
Về phía người đóng góp (kỹ sư, sinh viên CNTT khắp nơi trên thế giới), tất cả dòng code họ chia sẻ đều được công khai, tạo thành hồ sơ nghề nghiệp chi tiết trên Internet. Đây là những bằng chứng về năng lực nghiên cứu, trình độ chuyên môn, mức độ gắn kết của họ với cộng đồng.
Đó là thước đo để nhà tuyển dụng tìm kiếm tài năng, đặc biệt ở các công ty tên tuổi. Mã nguồn mở cũng là thư viện "hào phóng" cho bất kỳ ai muốn bắt đầu học tập, sáng tạo về CNTT.
* Cơ duyên nào một cô gái học marketing lại có hứng thú với những dòng code?
- Lúc mới qua Singapore du học, máy tính của tôi bị hư, cần cài lại hệ điều hành. Tuy nhiên ở Singapore không có chuyện "cài lậu" như ở Việt Nam, muốn khôi phục như cũ phải tốn hơn 100 SGD. May mắn được bạn cài cho hệ điều hành mã nguồn mở. Từ đó tôi tìm hiểu và hứng thú với công nghệ này.
Ban đầu, tôi không nghĩ mình đam mê CNTT nhưng được truyền cảm hứng bởi những kỹ sư nhiệt huyết. Họ dành 10 năm, 20 năm đóng góp những dòng code, chia sẻ những kiến thức từ căn bản đến nâng cao cho cộng đồng.
Ngoài công việc hằng ngày tại các công ty tên tuổi, họ dành thời gian sáng tạo những gì họ thích và cho phép cộng đồng sử dụng không lợi nhuận. Ngày qua ngày, thư viện kiến thức về mã nguồn mở thêm phong phú và hoàn chỉnh.
Thời điểm đó, tôi cũng tình nguyện đóng góp dịch thuật, chia sẻ hiểu biết về thị trường, kinh tế để kết nối cộng đồng mã nguồn mở với các đối tác.
* Sáng lập công ty trái nghề, Phúc gặp khó khăn nào không?
- Khi bắt đầu công ty hay dự án, bạn không cần là người giỏi nhất hoặc phải lựa chọn đúng chuyên ngành. Theo tôi, điều quan trọng nhất là xác định đúng hướng đi và tìm được những người cộng sự tài năng, tâm huyết.
Trước khi bắt đầu FOSSASIA, tôi từng làm phát triển kinh doanh cho nhiều công ty về du lịch, khách sạn, y tế, giáo dục, nghiên cứu, tài chính. Tôi cũng có nhiều năm làm cố vấn cho các tổ chức phi chính phủ như GIZ hay UNESCO. Tôi cho rằng đây là một thuận lợi rất lớn khi bắt đầu khởi nghiệp.
Trường học không dạy tất cả
Khi làm trái nghề, tôi có cơ hội học thêm lĩnh vực mới, từ đơn giản như thiết kế web đến phức tạp như công cụ về trí tuệ nhân tạo mở của Google. Tôi không tin trường học dạy cho chúng ta tất cả. Giá trị lớn nhất với tôi là kiến thức. Kiến thức về mã nguồn mở đã thay đổi cuộc sống của tôi, từ miền Tây xa xôi đến hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ để làm công việc mình yêu thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận