Võ Văn Diện trong cửa hàng sửa chữa laptop do mình làm chủ - Ảnh: PHẠM VĂN TRUNG
Tôi kết thân với Võ Văn Diện (27 tuổi, P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) sau lần nhờ em sửa laptop. Ấn tượng với tôi lúc đó là căn phòng nhỏ của Diện ngổn ngang máy tính cũ, linh kiện điện tử...
Bài học đầu đời
Quê Diện ở Thạnh Trị (Sóc Trăng). Sau khi tốt nghiệp THPT, Diện đăng ký thi ĐH ở TP.HCM nhưng không đậu. Diện tiếp tục luyện thi một năm nhưng vẫn rớt. Buồn chán và mất phương hướng, Diện về quê giúp cha mẹ làm ruộng.
Sau một thời gian ở nhà, nghĩ theo ngành công nghệ thông tin sẽ có cơ hội phát triển trong tương lai, Diện đăng ký học lập trình viên ở Trường CĐ Nghề số 8 chi nhánh Cần Thơ.
"Ở quê, tôi không biết gì về tin học nên học tập rất khó khăn. Nhưng với quyết tâm tìm một nghề nuôi sống bản thân, tôi tập trung vào học tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành. Có lúc tôi thức suốt đêm để làm các bài báo cáo, đến khi làm xong thì ngất xỉu, bạn bè phải đưa tôi vô bệnh viện cấp cứu" - Diện kể.
Năm 2012, Diện tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Qua giới thiệu của một người thầy, Diện đến TP.HCM làm cho một công ty chuyên về phần mềm ở đường Nguyễn Thái Bình, Q.1 với công việc viết code, thiết kế hình ảnh, lập và quản lý website...
Thấy một số đồng nghiệp mua laptop cũ để bán lại nên Diện cũng muốn kiếm thêm thu nhập. Vậy là Diện gọi điện về quê xin mẹ 12 triệu đồng mua ba cái laptop cũ rồi bán lại cho bạn bè, người thân. Bán được cái máy này, Diện mua thêm máy khác.
Diện nhớ lại: "Biết tôi kinh doanh nên nhiều bạn học, thầy cô ở trường cũ đã mua ủng hộ. Tôi kiếm lời được chừng 500.000 đồng mỗi máy. Nhưng sau đó tôi bị sốc khi toàn bộ laptop đã mua đều là rác được "độ" lại".
Các laptop mà Diện bán cho bạn bè, người thân đều nhanh chóng bị hỏng sau đó vài tuần hoặc vài tháng. Diện phải bỏ tiền đưa máy về TP.HCM sửa, thậm chí là đền tiền. Diện trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần. Nhưng cái mất lớn nhất đối với Diện là mọi người cho rằng Diện lừa đảo. Nhiều bạn bè đã xa lánh Diện.
Nỗi lòng chưa biết tỏ cùng ai thì Diện nhận thêm cú sốc: mẹ của Diện bị bệnh ung thư gan. Hằng ngày, Diện vừa đi làm vừa qua Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chăm sóc mẹ. Sức khỏe của mẹ Diện ngày càng yếu, nên bác sĩ cho về quê.
Thế là Diện đi về giữa TP.HCM và Sóc Trăng như con thoi để thăm mẹ. Thời điểm này, công ty xảy ra một số việc nên Diện khăn gói về quê...
Cứ đi rồi sẽ đến
Sau khi mẹ qua đời, Diện đến TP Cần Thơ xin làm đủ việc ở các cửa hàng bán đồ điện tử, công ty viễn thông... Những ngày nghỉ, Diện tìm đến bạn bè đang làm ở các công ty kinh doanh laptop để học cách phân biệt chất lượng các loại máy tính; tháo, lắp các thiết bị điện tử...
Diện cũng lân la đến nhà người anh làm nghề mua bán và sửa chữa laptop để "học lóm" nghề. Người anh này thấy Diện chăm chỉ, yêu nghề nên nhiệt tình truyền thụ kinh nghiệm.
Anh cũng bán thiếu cho Diện vài cái laptop cũ để Diện tìm mối bán lại kiếm lời. Trước đó, Diện đã mua của anh một cái laptop cũ rồi về tháo ra, ráp lại nhiều lần để nâng cao tay nghề. Diện cũng nhận sửa chữa máy tính. Nhưng có khi Diện sửa cái máy hư ít thành hư nhiều, vậy là Diện phải nhờ bạn bè "cứu bồ".
Bây giờ, Diện có thể khắc phục những trục trặc của phần mềm, phần cứng máy tính thành thục. Khách hàng của Diện không chỉ ở Cần Thơ mà còn rải rác ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.
Không có tiền thuê mặt bằng mở tiệm, Diện tận dụng phòng trọ để chứa laptop của khách. Hằng ngày, Diện mượn quán cà phê làm nơi giao dịch, cài đặt chương trình máy tính theo yêu cầu của khách hàng...
Đầu năm 2015, Diện dành dụm tiền thuê một mặt bằng nhỏ trên đường Huỳnh Cương với giá 5 triệu đồng/tháng. Diện cũng kết nối được hai người bạn có tay nghề sửa chữa máy tính về làm chung. Hiện nay, cửa tiệm của Diện vừa sửa chữa, cài đặt vừa bán laptop cũ.
Diện cho biết: "Tôi thì khá về phần mềm, còn hai bạn kia giỏi về sửa chữa phần cứng. Do đó chúng tôi hợp tác với nhau rất ăn ý. Hằng tháng, sau khi trừ đi các chi phí, tiền ăn, chúng tôi cũng dư được 6-7 triệu đồng mỗi người".
Thầy Nguyễn Chí Thắng, quyền trưởng khoa kỹ thuật - công nghệ Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho biết: "Khi còn dạy ở Trường CĐ Nghề số 8 chi nhánh Cần Thơ, tôi đã biết Diện. Gần mười năm qua, điều tôi luôn khâm phục ở Diện là sự siêng năng, ham học hỏi, có ý chí cầu tiến...
Tuy không còn dạy em, nhưng Diện thường xuyên tìm tôi hỏi kiến thức về công nghệ thông tin. Em cũng rất hòa nhã, chân tình với mọi người".
Tôi hỏi Diện: "Niềm vui nhất của Diện trong công việc là gì?", Diện phấn khởi trả lời: "Đó là giúp được nhiều người mua máy tính cũ với giá hợp lý và chia sẻ những kiến thức về công nghệ. Tôi không muốn kiếm lời trên sự thiếu hiểu biết của người khác.
Trước đây, vì thiếu kiến thức về máy tính nên tôi đã bị gạt khi mua các laptop không xài được lâu. Nhiều người nói kinh doanh mà không gian dối thì làm sao sống nổi, nên tôi muốn khẳng định là họ không đúng".
Cuộc thi "Tôi chọn nghề" tiếp tục nhận được bài dự thi của các tác giả: Hán Thị Hương Giang; Phạm Thị Hồi; Nguyễn Duy Khánh; Phan Tuyết; Vũ Đức Vinh; Nguyễn Thế Nhất; Mai Thành Long; Dah; Thùy Nguyên; Phạm Thị Dịu; Nguyễn Hương Lan; Lương Thị Quỳnh Trang...
Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức, với các đơn vị đồng hành: Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, CĐ Kỹ nghệ II và CĐ An ninh mạng Ispace.
Nhận bài dự thi từ nay đến ngày 21-1-2018; giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng và giải ba 10 triệu đồng; năm giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng; bài viết hay nhất tháng 5 triệu đồng; bài viết hay nhất tuần 2 triệu đồng.
Bài dự thi gửi về email: giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc Ban giáo dục - khoa học báo Tuổi Trẻ (số 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM), ghi rõ Dự thi "Tôi chọn nghề".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận