Lao động nhập cư từng xuống đường ở Úc phản đối chuyện bị trả lương thấp - Ảnh: OPEN FORUM
Chính phủ Úc đã có điều chỉnh một số chính sách đối với lao động nước ngoài tại nước này nói chung, bao gồm cả du học sinh. Một số giải pháp mới mang tính hỗ trợ nhưng cũng có các động thái được thực hiện nhằm giảm gánh nặng trách nhiệm cho chính phủ trong mùa dịch.
Những ngày vừa qua, phát ngôn của Thủ tướng Úc Scott Morrison về "mời" người nước ngoài không có quốc tịch Úc về nước đã làm nhiều người hoang mang. Một số tờ báo Úc cho rằng đây là cách chính phủ của ông Morrison "đuổi khéo" người ngoại quốc và ưu tiên nguồn lực cho các công dân Úc trong dịch COVID-19.
Trên thực tế, Úc vẫn muốn giữ chân các lao động nước ngoài làm việc trong một số lĩnh vực nhất định và chỉ có ý khuyên những người không thể trang trải nổi chi phí trong thời buổi khó khăn vì COVID-19 về nước.
Cho phép rút sớm tiền hưu
Theo Quyền Bộ trưởng Di trú Alan Tudge, du học sinh quốc tế tự thấy có thể trang trải cuộc sống trong mùa dịch COVID-19 vẫn có thể ở lại Úc. Tuy nhiên, ông Tudge cho rằng nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, tiền tiết kiệm hoặc công việc có thu nhập lúc này tại Úc, tốt nhất là nên trở về nước. Hiện có hơn 500.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại Úc, trong đó phần đông đã bị mất việc làm thêm vì dịch COVID-19.
Quy định mới của chính phủ Úc cho phép sinh viên quốc tế làm thêm tối đa 40 tiếng/tuần, gấp đôi quy định cũ. Cũng theo luật Úc, người sử dụng lao động phải đóng một khoản tiền vào Quỹ hưu trí quốc gia nếu sử dụng lao động trên 18 tuổi và nhận được lương cao hơn 450 đôla Úc. Luật pháp cũng quy định tiền hưu chỉ được rút ra trong một số hoàn cảnh nhất định như khi nghỉ hưu hoặc tròn 65 tuổi.
Theo ông Tudge, đối với các sinh viên đã ở Úc hơn 1 năm và có việc làm thêm đáp ứng các tiêu chí trên, họ sẽ được phép rút tiền từ tài khoản hưu của mình để trang trải trong thời điểm này thay vì phải đợi đến khi học xong và chuẩn bị trở về nước theo. Quy định này cũng được áp dụng với các lao động nước ngoài khác có giấy phép làm việc ở Úc. Quan chức này cũng lưu ý số tiền tối đa có thể rút là 10.000 đôla Úc nên những người chưa tìm được việc mới phải cân nhắc và tính toán chi tiêu hợp lý trong thời buổi hiện tại.
Cô Olena Nguyễn, sinh viên ngành công tác xã hội của Đại học Victoria (Úc), cho biết việc cho phép rút sớm tiền hưu vẫn không đủ để đảm bảo cho các sinh viên quốc tế có thể trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khan hiện nay, bởi họ vốn chỉ đi làm thêm bán thời gian và được trả mức lương rất ít ỏi.
Hội đồng sinh viên quốc tế Úc (CISA), một tổ chức của các du học sinh ở Úc, đã ra thông cáo bày tỏ sự thất vọng trước các phát ngôn của Thủ tướng Morrison. Tổ chức này cho rằng chính phủ Úc đã quên mất nhiều du học sinh hiện không thể trở về nước vì các lệnh cấm đi lại để chống dịch COVID-19 và cảnh báo "sẽ không có sinh viên quốc tế nào dám đến Úc nếu nhìn thấy cách mà người ta đối xử với các du học sinh vào thời điểm hiện tại".
Lao động thời vụ nước ngoài làm việc tại một trang trại nho ở Canberra, Úc - Ảnh: AAP
Các đại sứ ASEAN kiến nghị phải hỗ trợ sinh viên quốc tế
Vào ngày 1-4, 10 đại sứ các thành viên ASEAN tại thủ đô Canberra (Úc) đã gửi bức thư chung tới Bộ trưởng Giáo dục, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Úc - ASEAN và các Bộ trưởng giáo dục và việc làm trên toàn bộ 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ của Úc. Thư nêu mong muốn chính quyền Úc có sự hỗ trợ phù hợp về sức khỏe thể chất và tinh thần cho sinh viên quốc tế và linh hoạt các quy định ban hành, nếu có thể, phù hợp với hoàn cảnh "đặc biệt" hiện nay. Hiện có gần 150.000 sinh viên thuộc khối ASEAN đang du học tại Úc.
Theo thống kê của Chính phủ Úc, sinh viên quốc tế đóng góp tới 34 tỉ AUD (khoảng 20,5 tỉ USD) cho nền kinh tế nước này trong năm 2018. Giáo dục cũng là ngành xuất khẩu đứng thứ 2 trong nền kinh tế Úc, chỉ sau khai khoáng. Chính quyền Úc và người dân nước này đã được hưởng lợi rất nhiều từ sinh viên quốc tế và du khách nước ngoài.
Vẫn cần lao động nước ngoài
Tờ News.com.au ngày 4-4 dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Úc David Littleproud cho biết các lao động nước ngoài làm việc thời vụ và làm việc kết hợp nghỉ mát (working holiday visa) sẽ được kéo dài thời gian lưu trú tại Úc thêm ít nhất 6 tháng tới nếu vẫn có nguyện vọng ở lại nước này. Điều kiện là những người này phải làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc người già, giữ trẻ và chế biến thực phẩm.
Theo Đài ABC News của Úc, nhu cầu về các lao động thuộc diện này tại Úc vẫn còn rất cao và luôn trong tình trạng thiếu hụt bất kể có dịch bệnh hay không.
Chính phủ Úc cũng sẽ tạm thời bỏ quy định cấm người lao động thuộc diện này không được làm việc cùng một chủ quá 6 tháng. Trong thời gian này họ cũng có quyền chuyển tới địa phương khác để làm việc nhưng phải tuân thủ quy định cách ly bắt buộc 14 ngày để tránh lây lan dịch bệnh.
Cùng ngày, Quyền Bộ trưởng Di trú Alan Tudge cho biết những người lao động nước ngoài có tay nghề bị mất việc làm do dịch COVID-19, tức không phải do bị đuổi việc, có thể được gia hạn thị thực theo các quy định chung, trong khi các doanh nghiệp có thể giảm giờ làm của những lao động này mà không bị coi là vi phạm các quy định lao động liên quan.
Trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu người lao động
Ngày 30-3, Chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison đã cam kết chi thêm 130 tỉ AUD (tương đương 79,85 tỉ USD) - gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này. Gói hỗ trợ tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu người lao động đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Theo đó, chính quyền sẽ dành khoản chi trả cố định 1.500 AUD/2 tuần (tương đương 885 USD) cho mỗi người lao động chịu ảnh hưởng do đại dịch trong 6 tháng tới và khoản tiền này sẽ được chi trả thông qua hệ thống trả lương tại doanh nghiệp.
Khoản hỗ trợ này được áp dụng cho các cơ sở kinh doanh bị thiệt hại 30% doanh thu, các nhà máy có doanh thu trên 1 tỉ AUD (tương đương 590 triệu USD) và bị giảm 50% doanh số kinh doanh do dịch bệnh. Những trường hợp người lao động được mức lương cao hơn 1.500 AUD/2 tuần thì phần chênh lệch doanh nghiệp phải tự trả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận