02/09/2017 18:26 GMT+7

Đồng tiền độc lập - Kỳ 5: Chống bạc giả

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - "Cuộc chiến chống Pháp tái chiếm Nam Bộ 1945 đến sớm hơn cả nước và đi đến thế xôi đậu, chồng chéo giữa vùng bị tạm chiếm và vùng tự do, nên cuộc chiến tiền tệ cũng có nhiều điểm đặc biệt...

Đồng tiền độc lập - Kỳ 5: Chống bạc giả - Ảnh 1.

Sắc lệnh của Chính phủ cho phép Nam Bộ phát hành tín phiếu - Ảnh tư liệu

Pháp vừa công khai vừa bí mật sử dụng các biện pháp trực tiếp và gián tiếp để phá đồng tiền của Nam Bộ kháng chiến" - ông Trang Sĩ Liêm, nguyên cán bộ Sở Ngân khố thời kỳ này, kể lại.

Tự dưng tiền ở các vùng tự do xuất hiện nhiều quá. Ở đâu ra? Giá cả hàng hóa cũng biến động, nhảy vọt theo

Ông TRANG SĨ LIÊM

Bạc giả trung ương

Sau khi tái chiếm được Sài Gòn, quân đội Pháp nhanh chóng đánh thốc ra các vùng tự do ở Nam Bộ. Trên mặt trận tài chính, Pháp triển khai nhiều chiến dịch triệt phá, từ việc không công nhận các tờ bạc Đông Dương mệnh giá lớn được phát hành thời kỳ Nhật còn ở Việt Nam, đến phong tỏa hàng hóa thiết yếu, dùng không quân và lính dù đánh vào chiến khu Đồng Tháp Mười đặt các cơ sở in tiền.

Sau nhiều cố gắng không thành, Pháp bí mật cho in ấn và tuồn nhiều tiền giả vào chiến khu, nhằm gây rối loạn nền tài chính đối phương, gây mất niềm tin trong nhân dân, dẫn đến sụp đổ nguồn lực kinh tế kháng chiến. Đặc biệt, trong đó có cả những tờ bạc làm giả tiền 100 đồng Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ông Liêm kể: "Tự dưng tiền ở các vùng tự do xuất hiện nhiều quá. Ở đâu ra? Giá cả hàng hóa biến động, nhảy vọt theo. Người dân hoang mang đem các tờ bạc nghi bị làm giả đến hỏi cán bộ kháng chiến. Đúng thời điểm đó, một nhóm cán bộ từ trung ương vào chi viện cho Ban ấn loát Nam Bộ, giúp chúng tôi chống lại ngón đòn hiểm này của Pháp". 

Nhóm này mang theo 500 bản kẽm đặc biệt loại 100 đồng bạc trung ương để hỗ trợ Nam Bộ in tiền. Tuy nhiên do hành trình xa xôi, dài ngày nên các bản kẽm này bị hư không sử dụng được.

Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, phụ trách tài chính Nam Bộ, đề nghị nhóm cán bộ này xem xét các tờ bạc trung ương gửi vào nghi bị làm giả. Họ kết luận tất cả tờ bạc này đều là bạc giả. Miền Bắc không in ấn, không gửi bạc kiểu này vào Nam. 

Ban đầu từ đổi ngang 1 đồng ăn 1 đồng tiền Đông Dương, Pháp đã phá giá tiền kháng chiến lên đến mức 40 - 50 đồng tiền kháng chiến mới đổi được 1 đồng Đông Dương.

Ngay sau đó, một kế hoạch chống bạc giả được nghiên cứu và thực thi khẩn cấp. Ủy ban Kháng chiến hành chánh (UBKCHC) Nam Bộ gửi công văn đến các tỉnh, chỉ rõ những điểm kỹ thuật để phân biệt bạc thật, bạc giả. 

Đồng thời, lãnh đạo kháng chiến các tỉnh được quyền lập phiếu xác nhận bạc thật, số xêri tiền và hai chữ ký của trưởng Ty Ngân khố, chủ tịch UBKCHC cấp tỉnh. Sau đó, phiếu này được dán lên các tờ bạc thật để người dân yên tâm mua bán. 

Người dân Nam Bộ hồi đó đặt tên cho tờ bạc dán phiếu xác nhận tiền thật là "bạc trùm mềm". Mỗi khi mua bán gì, họ hay hỏi câu: Trả bằng bạc trùm mềm hả?".

Đồng tiền độc lập - Kỳ 5: Chống bạc giả - Ảnh 3.

Bạc giả (phía trên) và tờ bạc có phiếu chữ ký chống giả (bên dưới) - Ảnh: T.S.L.

Mỗi tỉnh một loại... tiền

Để đối phó với hoạt động đánh phá của Pháp, Ban ấn loát đặc biệt Nam Bộ phải chuyển từ Đồng Tháp Mười về khu 9, rừng U Minh. Trong chín năm kháng chiến, Ban in tiền đã di chuyển địa điểm đến 23 lần: 1 lần vì rừng cháy, 8 lần vì xưởng bị lộ, nhiều lần bị phi cơ địch thả bom, bắn phá, 3 lần bị vòng vây của địch... 

Máy móc nào phải là nhẹ, có cái nặng đến 4 tấn, khiêng chỉ bằng sức người. Để tránh khó khăn do việc in ấn tiền gián đoạn, UBKCHC Nam Bộ cho phép các tỉnh được tự in phiếu tiếp tế, tín phiếu để đổi lấy lương thực, hàng hóa thiết yếu trong dân. Trên tờ phiếu có chữ ký của chủ tịch UBKCHC cấp tỉnh, trưởng Ty Ngân khố và được bảo đảm bằng tiền giấy bạc Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Nguyên, cán bộ tài chính giai đoạn này, kể: "Đây cũng là một nét rất đặc biệt của nền tiền tệ kháng chiến miền Nam thời kỳ 1945-1954. Vì các tỉnh được tự phát hành phiếu riêng nên mỗi địa phương tự trình bày, in ấn theo kiểu của mình. 

Chẳng ai chịu giống ai. Các tín phiếu của Trà Vinh vẽ hình chùa cổ, bụi chuối, chiến sĩ. Tín phiếu Cần Thơ có hình cô gái quấn khăn rằn, hình Hồ Chủ tịch và đoàn quân đang cầm cờ về thành. Còn Long Châu Tiền nguệch ngoạc cả dòng chữ "tất cả để tổng phản công" nhằm khích lệ tinh thần dân quân". 

Do thiếu thiết bị nên các loại tín phiếu, phiếu tiếp tế này đều được in ấn rất thô sơ, không đạt chuẩn kích thước, màu sắc. Thậm chí, người ta còn lấy cả giấy bao bì gói đồ để in tín phiếu. Tuy nhiên, tất cả đều được người dân chấp nhận, ủng hộ.

Đến năm 1951, tờ bạc Nam Bộ kháng chiến có bước ngoặt lịch sử mới do ông Dương Quang Đông và Hội Việt kiều yêu nước Thái Lan mua gửi về hai máy in offset hiện đại hiệu Hamada của Nhật sản xuất. 

Các thiết bị, nguyên liệu kèm theo như máy điện, hóa chất, mực in... cũng được gửi đường biển về đầy đủ. Từ đây, tờ bạc Nam Bộ được in nhanh hơn, nhiều hơn, đặc biệt là đẹp hơn hẳn trước, chất lượng không còn khác biệt nhiều so với tờ bạc Đông Dương do Ngân hàng Pháp phát hành. 

Đồng thời, nhà máy giấy Hòa Bình ở Bạc Liêu cũng được tăng cường sản xuất để đáp ứng nguồn giấy bạc in tiền.

Theo ông Liêm, chính nhờ nguồn giấy và nước tại chỗ vùng Bạc Liêu, Cà Mau nên những tờ bạc in ra "không giống ai". Chúng có màu nâu đỏ đặc thù của nước dưới chân rừng tràm mà tiền giả của Pháp rất khó khăn để làm giống. 

Thời kỳ này, ông Liêm và một số cán bộ khác được phân công nhiệm vụ ký tên vào các tờ bạc bị in lỗi. Khi có các chữ ký này, nhân dân có thể tiêu dùng bình thường hoặc đổi lại tiền khác. Đó cũng là cách phân biệt tiền giả.

Đồng thời để giảm bớt áp lực cho việc vận chuyển tiền, các tỉnh kháng chiến lúc này được phép nhận bản kẽm chính của Ban ấn loát ở U Minh về tự in và phát hành tiền tại địa phương mình. Chỉ thị ban đầu là tiền tỉnh nào in, chỉ được dùng ở tỉnh đấy, nhưng thực tế được sử dụng khắp nơi do lòng dân ủng hộ...

Vận chuyển tiền khó khăn

Tình hình chiến sự Nam Bộ diễn biến ngày càng khốc liệt. Quân đội Pháp sử dụng sức mạnh không quân và cơ giới, giang thuyền tốc độ cao đánh phá khắp nơi nhằm chia cắt, cô lập các khu vực kháng chiến.

Con đường vận chuyển tiền từ U Minh về đến các địa phương gặp rất nhiều trở ngại, hiểm nguy. Tiền thường được cho vào thùng kẽm hàn kín, dùng bẹ dừa nước cột như những chiếc balô để chiến sĩ cõng về các tỉnh.

Trong những thời điểm chiến sự nóng bỏng, việc vận chuyển đặc biệt này phải nhờ đến lực lượng thiện chiến của tiểu đoàn 307.

________________________________

Kỳ cuối: Trận chiến tiền tệ cuối cùng

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên