29/08/2017 16:04 GMT+7

Đồng tiền độc lập - Kỳ 1: Cuộc chiến tiền tệ

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trong tình thế cực kỳ khó khăn. Chính phủ mới vừa đối phó thảm nạn chết đói, vừa chiến đấu chống quân Pháp tái chiếm nước Việt. Ngoài ra, có một cuộc chiến khốc liệt khác: cuộc chiến tiền tệ...

*** Error ***
Ngân hàng Đông Dương ngưng cung cấp tiền, gây khó khăn cho Chính phủ VNDCCH - Ảnh tư liệu Ngân hàng Nhà nước

Việt Minh đã giành được chính quyền nhưng đang bị nợ như chúa chổm

Giáo sư VĂN TẠO

“Tháng 9-1945, việc giành chính quyền đã thành công, nhưng ngay lập tức nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH) mới phải đối diện với tràn ngập khó khăn.

Lâu nay chính sử nhắc nhiều đến các việc chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, nhưng thực tế còn một cuộc chiến cực kỳ quan trọng khác mà cách mạng phải vượt qua: đó là cuộc chiến tiền tệ” - nguyên viện trưởng Viện Sử học, giáo sư Văn Tạo, kể lại.

Tờ bạc Đông Dương mệnh giá lớn do Nhật ép Pháp phát hành làm khủng khoảng nền tài chính VNDCCH - Ảnh tư liệu

Tình thế ngàn cân treo sợi tóc

Khi cuộc cách mạng mùa thu năm 1945 nổ ra, giáo sư Văn Tạo còn là một thầy giáo ở Hải Dương tham gia phong trào Việt Minh.

Ký ức của ông thời điểm ấy chỉ là những gì nhìn thấy trước mắt như nạn chết đói thảm khốc, dân mù chữ và các cuộc biểu tình rồi chiến sự lan rộng...

Về sau, cuộc đời nghiên cứu chuyên sâu quốc sử đã giúp ông Tạo hiểu rõ hơn các ngóc ngách của bước ngoặt lịch sử dân tộc này.

Tháng 8-1945, Việt Minh giành chính quyền ở Hà Nội, và một trong những mục tiêu quan trọng mà lực lượng cách mạng phải chiếm giữ là hệ thống tài chính - tiền tệ, để chính phủ mới có điều kiện hoạt động và bảo đảm đời sống cơ bản cho quốc dân.

Tuy nhiên, bối cảnh quân sự - chính trị lúc ấy rất phức tạp vì còn sự hiện diện của cả quân đội Nhật lẫn người Pháp, về sau lại thêm 18 vạn quân Quốc Dân đảng tràn vào.

Ngay từ đầu, Việt Minh chỉ chiếm giữ được Sở Ngân khố và cố gắng kiểm soát một phần Ngân hàng Đông Dương.

Hậu quả là ngay sau khi tiếng súng kháng chiến vệ quốc bùng nổ, Ngân hàng Đông Dương do Pháp nắm quyền in ấn, phát hành tiền tệ đã lập tức gây khó khăn cho Chính phủ VNDCCH bằng cách cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp tài chính.

Tình hình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi nền kinh tế đang lạm phát nghiêm trọng. Ngay từ năm 1940, phát xít Nhật tràn vào, buộc Pháp phải in thật nhiều tiền cho quân đội mình chi tiêu, đã làm nền kinh tế Việt Nam sụp đổ.

Nếu như năm 1940 Ngân hàng Đông Dương chỉ lưu hành 216 triệu đồng, thì đến năm 1945 số tiền mặt ngoài thị trường đã tăng lên đến gần 2,5 tỉ đồng.

Thời điểm ấy cái gì cũng đi xuống, chỉ có lượng tiền là tăng lên với tốc độ “lũ lụt” chưa từng thấy. Lạm phát vô cùng khủng khiếp.

Trước đây, người phu kéo xe chỉ cần có khách một cuốc là đã đủ mua bơ (lon) gạo, giờ còng lưng cả ngày vẫn không đủ tiền mua. Giá hàng thiết yếu nhất là gạo, thóc tăng hàng chục lần...

Tình hình lạm phát bi thảm như vậy nhưng khi Chính phủ Việt Minh chiếm giữ và kiểm tra ngân khố quốc gia thì chỉ còn đúng 1.230.720 đồng.

Đặc biệt lại có đến 586.000 đồng là tiền rách nát phải tiêu hủy. Trong khi đó, nợ ngân phiếu chưa trả là 564.367.522 đồng.

Theo giáo sư Văn Tạo, “Việt Minh đã giành được chính quyền nhưng đang bị nợ như chúa chổm”. Ngân khố trống rỗng. Chính phủ mới không có tiền để hoạt động!

*** Error ***
Chính phủ VNDCCH vừa ra đời đã phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và nạn thiếu tiền Ảnh: Bảo tàng Lịch sử

Áp lực tiền tệ

Đặc biệt, trong tình hình khó khăn nghiêm trọng này lại xuất hiện thêm 18 vạn quân Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch kéo sang trên danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật ở miền Bắc.

Chính phủ VNDCCH vừa ra đời lo cho dân mình đã khó khăn, lại phải nuôi thêm gần 200.000 quân Tưởng.

Vừa đối phó với cuộc chiến tiền tệ do Ngân hàng Đông Dương Pháp gây áp lực, lực lượng kháng chiến lại phải đối mặt với sự phá hoại nền tài chính một cách thô bạo của đội quân mang tiếng là đồng minh.

Tướng Lữ Hán (quân Tưởng) yêu cầu phải cung cấp cho quân ông ta 10.000 tấn gạo trong khi dân Việt vẫn chưa qua khỏi nạn chết đói.

Nghiêm trọng hơn, sau đó viên tướng Trung Quốc còn “khai chiến” tiền tệ trực tiếp khi tự tiện áp đặt một tỉ giá hoàn toàn khác biệt thực tế: 1 đồng quan kim Trung Quốc ăn 1,5 đồng Đông Dương và 13,3 đồng quốc tệ của họ ăn 1 đồng Đông Dương.

Trong khi thực tế tỉ giá ngoài thị trường tương ứng là 2,5 đồng quan kim mới bằng 1 đồng Đông Dương, và 50-60 đồng quốc tệ của họ mới ngang giá 1 đồng Đông Dương ở Việt Nam.

Nhắc lại “cuộc chiến” tiền tệ này, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - nguyên sĩ quan Việt Minh - nhận xét: “Thực chất gần 20 vạn quân Lữ Hán đã cậy số đông và vũ khí để đổi cái gọi là tiền (nhưng thực chất như giấy lộn) của họ lấy thóc gạo, tiền bạc và các tài sản khác của đồng bào ta.

Chính phủ cách mạng lúc đó căm giận lắm, nhưng không thể phản ứng mạnh mẽ được vì phải dồn lực đối phó sự trở lại của quân Pháp”.

Tình hình nghiêm trọng hơn khi Lữ Hán càng lấn tới yêu cầu phải được đổi 4.500 triệu đồng bạc Đông Dương trong khi cả nước Việt Nam lúc ấy chỉ có 2.172 triệu đồng Đông Dương lưu hành...

Để vượt qua “cuộc chiến” tiền tệ nan giải này, Chính phủ cách mạng cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ. Quỹ độc lập và Tuần lễ vàng được phát động để kêu gọi sự ủng hộ từ nhân dân.

Tuy không hoàn toàn kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương - cơ quan độc quyền phát hành tiền - nhưng Chính phủ đã cử một phái đoàn gồm các ông Hoàng Minh Giám, Trịnh Đình Bính và Đặng Đình Hòe đến giám sát ngân hàng này.

Ban đầu ban giám đốc người Pháp cương quyết không chấp nhận các yêu cầu của phía Việt Nam. Nhưng tình hình càng lúc càng căng thẳng, cuối cùng họ phải nhượng bộ, tạm chấp thuận một số yêu cầu rút tiền của Chính phủ Việt Nam với tổng số tiền khoảng 22 triệu đồng Đông Dương.

Tuy nhiên, sau khi chiến sự chống xâm lược bùng nổ ở Nam Bộ, đến cuối tháng 10-1945 ngân hàng này không cho rút tiền nữa.

Tình thế buộc Chính phủ VNDCCH không còn cách nào khác là phải có đồng tiền riêng của mình. Điều đó không chỉ bảo đảm cho sự hoạt động của Chính phủ và đời sống nhân dân, mà còn trực tiếp khẳng định nền độc lập, tự chủ quốc gia.

Đội quân... bê tha

Thiếu tá Archimedes Patti - trưởng phái bộ tình báo Mỹ OSS ở Hà Nội lúc ấy - nhận xét: “Ra phố, tôi chỉ thấy một cảnh tượng lộn xộn không thể tả được với những lính Trung Quốc lang thang không mục đích.

Họ tràn vào sục sạo trong các khu phố, lang thang trên các bãi cỏ trước Dinh Toàn quyền, trong các trại của Pháp, Việt, quần áo rách rưới, bê tha...”.

*********

>> Kỳ tới: In tiền riêng

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên