06/03/2019 16:11 GMT+7

Đồng Tháp tặng smartphone cho 'Hai Lúa' để 'quẹt quẹt' làm nông

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - "Sao chúng ta lại nghĩ rằng người trí thức thì không thể là người nông dân hoặc người nông dân thì không cần tri thức?" - Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan trăn trở khi tặng smarphone cho các nông dân để "quẹt quẹt".

Đồng Tháp tặng smartphone cho Hai Lúa để quẹt quẹt làm nông - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp trực tuyến triển khai kế hoạch trang bị tri thức cho nông dân - Ảnh: NGỌC TÀI

"Thật chạnh lòng khi nghe một bà mẹ nông dân trách: cho con ăn học đàng hoàng, tưởng sau này làm ông này bà nọ, làm thầy, làm chú, làm kỹ sư, bác sĩ, hoặc làm doanh nhân cho nở mặt nở mày với tổ tiên, với lối xóm bà con mà giờ đây lại quay về làm nghề nông", ông Hoan nói về kế hoạch cấp bách trang bị tri thức cho nông dân tại buổi họp trực tuyến với các địa phương, ban ngành diễn ra vào ngày 6-3.

"Đừng nên so sánh giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa nghề làm công nghiệp, dịch vụ với nghề làm nông. Vấn đề là viễn cảnh nền nông nghiệp tiên tiến và người nông dân thời đại mới sẽ như thế nào", ông Hoan phát biểu.

Ông Hoan dẫn chứng ở một số nước dù có nền công nghiệp phát triển nhưng những giá trị về nghề nông vẫn được giữ lại về người nông vẫn được trân quý như khi còn là đất nước nông nghiệp.

"Vấn đề là họ xem làm nông cũng như bao nghề khác, nghề nông là nghề của tri thức, nông dân phải là người trí thức. Được tri thức hóa thì dù làm bất cứ nghề nào cũng mang lại giá trị cao, nghề nông cũng vậy. Làm nông mà có được tri thức thì sẽ thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích", ông Hoan phân tích. 

Theo bí thư Đồng Tháp, trong nền kinh tế thị trường, người nông dân đâu chỉ cần đến kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải hiểu rằng sản phẩm sẽ có giá trị gia tăng cao hơn nếu có được hàm lượng tri thức.

Ông Hoan nói rằng trong mua bán, người nông dân còn phải biết cơ bản về quy luật cung cầu để tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tối thiểu hóa chi phí và nâng cao chất lượng nông sản do mình làm ra.

Còn trong sinh hoạt hằng ngày, nếu biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh nhỏ xíu thì mỗi người nông dân có thể tối ưu hóa cuộc sống và nghề nông của mình.

"Ở những đất nước nông nghiệp tiên tiến, làm nông là một nghề và phải được cấp giấy phép như bao nghề khác. Xứ mình thì chắc chưa làm được như vậy, nhưng người nông dân cũng cần được học tập và được cấp giấy chứng nhận làm nông để chứng minh rằng: Tôi là nông dân với tư duy phát triển bền vững", ông Hoan nhận định.

Đồng Tháp tặng smartphone cho Hai Lúa để quẹt quẹt làm nông - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Hoan (thứ hai từ phải) chia sẻ với nông dân - Ảnh: CTV

Theo nhận định của Sở NN&PTNT Đồng Tháp, nguyên nhân đa số nông dân luôn gắn liền với cụm từ "lạc hậu, trì trệ, kìm hãm" ngoài những lý do khách quan như thị trường biến động, thiên tai, biến đổi khí hậu thì tựu trung là do thái độ và trình độ.

Do đó, kế hoạch sắp tới sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về thị trường, sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến, mua chung, bán chung, giảm giá thành sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức của người sản xuất…

Phương châm mà sở này đưa ra là: không chờ cơ chế, chính sách, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn về đối tượng, nội dung tập huấn. 

Trao tay 34 điện thoại thông minh cho nông dân

Năm 2018, thay mặt nhà tài trợ, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã trao tay 34 điện thoại thông minh cho 34 nông dân là chủ nhiệm các hội quán.

Ngoài ra, tỉnh còn có một đội xung kích để hướng dẫn các hai lúa "gõ gõ, quẹt quẹt", làm quen với công nghệ mới.

Cầm chiếc điện thoại trong tay, lão nông Trần Văn Tiếp - chủ nhiệm hội quán "Tôi yêu màu tím", thành phố Sa Đéc, tuổi đã lục tuần - chia sẻ: "4.0 với nông dân tụi tui là biết thị trường trong nước, thế giới cần gì, mình đang ở đâu để mà phải "chạy" như Bí thư Hoan nói".

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên