18/05/2015 11:45 GMT+7

Đông Nam Á tìm cách ngăn làn sóng di cư

T.PHƯƠNG
T.PHƯƠNG

TT - Hôm qua, ngoại trưởng Malaysia có cuộc gặp với người đồng cấp Bangladesh để thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư sau khi hàng ngàn người nhập cư Bangladesh và Myanmar bị bỏ rơi trên biển.

Một người thiểu số Rohingya được Indonesia giải cứu khóc khi gọi điện về nhà ở Myanmar ngày 16-5  Ảnh: Reuters
Một người thiểu số Rohingya được Indonesia giải cứu khóc khi gọi điện về nhà ở Myanmar ngày 16-5 - Ảnh: Reuters

“Đây là một vấn đề quan trọng trong lịch trình cuộc gặp” - Hãng tin Bernama dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman. Sau cuộc gặp với ngoại trưởng Bangladesh, ngoại trưởng Aman cũng dự kiến gặp hai người đồng cấp Thái Lan và Indonesia trong hôm nay 18-5.

Hàng ngàn người di cư hiện trôi dạt trên các vùng biển của Malaysia và Indonesia trong tình trạng thiếu thức ăn và nước uống trong tuần qua, hầu hết là cộng đồng người thiểu số Rohingya ở Myanmar và người Bangladesh.

“Họ giết lẫn nhau và ném người khác qua mạn tàu trong cuộc chiến giành thức ăn” - cảnh sát trưởng Sunarya của thành phố Langsa (Indonesia) mô tả cuộc sinh tồn đẫm máu của những người bị bỏ rơi. Các nhà hoạt động lo ngại vẫn còn hàng ngàn người chưa được giải cứu.

Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã siết chặt việc trấn áp các hoạt động buôn người thời gian qua. Thái Lan, một đầu mối chính trong tuyến buôn người ở khu vực Đông Nam Á, dự kiến tổ chức một hội nghị khẩn cấp vào ngày 29-5 và mời các nước trong khu vực thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Mỹ cũng sẽ tham dự hội nghị này.

Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã lên tiếng kêu gọi các nước châu Á mở cảng và cho người nhập cư chỗ trú tạm thời sau khi Thái Lan kéo một số tàu đầy người nhập cư trở ngược ra biển.

Cuối tuần trước, Malaysia cũng kêu gọi Myanmar hỗ trợ ngăn chặn làn sóng di cư. “Chúng tôi hi vọng họ sẽ phản ứng tích cực bởi người di cư là một vấn đề nội bộ mà chúng tôi không thể can thiệp, nhưng chúng tôi muốn làm điều gì đó trước khi tình hình tệ hơn” - AFP dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak.

Tuy nhiên, Chính phủ Myanmar khẳng định vấn đề di cư không phải là trách nhiệm của nước này và dọa sẽ không tham dự hội nghị khu vực tại Thái Lan vào cuối tháng nếu các nước đả động đến vấn đề người Rohingya.

“Chúng tôi không phớt lờ vấn đề di cư nhưng chúng tôi không chấp nhận một số cáo buộc rằng Myanmar là nguồn gốc của vấn đề” - Văn phòng tổng thống Myanmar tuyên bố.

T.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên