20/03/2020 09:03 GMT+7

Đông Nam Á lập phòng tuyến mới

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đến ngày 19-3, số ca COVID-19 tại Đông Nam Á dù thấp so với thế giới nhưng đã có bước tăng nhảy vọt ở nhiều nước với các ổ dịch mới như WHO đánh giá.

Đông Nam Á lập phòng tuyến mới - Ảnh 1.

Nhân viên cảnh sát xịt khử trùng một khu vực ở tỉnh South Sulawesi, Indonesia, ngày 16-3 - Ảnh: REUTERS

Nhiều nước đã siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch trong nước, đóng cửa trường học, doanh nghiệp và đặc biệt là hạn chế tụ tập đông người.

Tại Việt Nam, lãnh đạo TP Hà Nội cũng dự báo có thể hàng chục ngàn người Việt từ nước ngoài về nước, trong khi Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo không nên di chuyển vì trong môi trường máy bay có nguy cơ lây nhiễm rất cao, chưa kể đi lại bằng đường hàng không có nhiều trắc trở.

Nguy cơ bùng nổ

Trong nhiều tháng khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới, các nước Đông Nam Á dường như vẫn bàng quan.

Các quan chức y tế Campuchia thậm chí cho rằng virus corona chủng mới không thể sống nổi ở thời tiết nóng như của nước này. Malaysia vẫn cho phép các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, các sân đấu muay Thái vẫn hoạt động ở Thái Lan, trong khi việc xét nghiệm diễn ra rất ít tại Indonesia, Myanmar.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây cũng thừa nhận công chúng đã không được nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19. "Có những điều chúng tôi tiết lộ và có những điều chúng tôi giữ lại vì chúng tôi không muốn tạo ra sự lo lắng và hoảng loạn trong xã hội" - ông nói.

Đến nay, tình hình tại khu vực đang diễn biến xấu đi nhanh chóng, khi nhiều nước dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới. Malaysia, nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực, ghi nhận hơn 900 ca nhiễm, tăng hơn 110 ca tính đến chiều 19-3. Phần lớn các ca mới ở Malaysia đều liên quan đến một sự kiện tôn giáo có hơn 16.000 người từ nhiều nước tham dự.

Philippines có 217 ca, trong khi Thái Lan tăng kỷ lục 60 ca trong 24 giờ, nâng tổng số ca lên 272. Indonesia cũng có 82 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay, đưa số ca nhiễm lên 309. Để so sánh, nước này chỉ có 5 ca dương tính COVID-19 vào đầu tháng này.

Nhiều nước đã siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch trong nước, đóng cửa trường học, doanh nghiệp và đặc biệt là hạn chế việc tụ tập đông người. Malaysia, nước đầu tiên nhận ra bài học về nguy cơ lây lan từ các đám đông, từ ngày 18-3 đã cấm mọi hoạt động tụ tập đông người như sự kiện tôn giáo, thể thao, xã hội.

Tại Singapore, Hội đồng Hồi giáo Singapore đã kêu gọi các tín đồ tránh các sự kiện tôn giáo đông người ở nước ngoài. Đảo quốc sư tử trước đó đã đóng cửa các đền thờ trong hai tuần.

Thủ đô Jakarta của Indonesia cũng ngừng cấp giấy phép các sự kiện tập trung đông người. Chính quyền nước này ngày 19-3 đã mạnh tay ngưng một sự kiện tôn giáo tập trung hơn 8.500 tín đồ trong nước và từ các nước châu Á, Trung Đông đổ về Gowa, tỉnh Nam Sulawesi, sau khi không thể thuyết phục nhóm này hủy sự kiện. Những người đã có mặt tại sự kiện này sẽ bị cách ly.

Đông Nam Á lập phòng tuyến mới - Ảnh 2.

Malaysia từ 18-3 đã cấm các sinh hoạt tôn giáo đông người - Ảnh: REUTERS

Thiếu thiết bị xét nghiệm

Đến nay, Lào và Myanmar là hai nước duy nhất trong khu vực chưa ghi nhận ca nhiễm nào, dù giới chuyên gia vẫn hoài nghi. Tuần trước, người phát ngôn của Myanmar vẫn khẳng định virus corona chủng mới chưa có mặt tại nước này.

"Lối sống và ăn uống của người dân Myanmar giúp chống lại virus corona" - người phát ngôn U Zaw Htay nói. "Myanmar vẫn may mắn vì là nước Phật giáo và các vị sư luôn cầu nguyện cho sự an toàn của quốc gia" - Win Thandar Phyu, lãnh đạo Bệnh viện North Okkalapa ở Yangon, nói.

Tại Lào, chị Lê Thị Hương Liên, hiện đang làm việc cho tổ chức Ủy hội sông Mekong, cho biết Lào thông báo vẫn xét nghiệm đều đặn các trường hợp nghi vấn và không có trường hợp nào dương tính. Chính phủ cũng chưa phải đưa ra các quyết định về khoanh vùng và cách ly. "Việc xét nghiệm ở Lào không dễ vì cơ sở vật chất còn yếu, không phải ai sốt, khó thở cũng được xét nghiệm. Chỉ khi sốt cao và từng đến vùng dịch mới có cơ hội được xét nghiệm" - chị nói.

Không chỉ riêng Lào, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đối mặt với nguy cơ từ COVID-19 do hệ thống y tế còn yếu, thiếu thốn thiết bị xét nghiệm và phụ thuộc vào sự giúp đỡ của nước ngoài để chống dịch, chưa kể việc thiếu cung cấp thông tin cho người dân về dịch bệnh. Giới chuyên gia lo ngại dịch có thể đang lây lan tại khu vực nhưng không được ghi nhận đầy đủ. Có thể thấy, số ca nhiễm tại nhiều nước tăng mạnh chỉ khi chính phủ bắt đầu đẩy mạnh xét nghiệm; chẳng hạn tại Campuchia, số ca nhiễm ngày 17-3 đã tăng gấp đôi chỉ sau một đêm.

Achmad Yurianto, giám đốc phụ trách phòng chống dịch của Bộ Y tế Indonesia, cảnh báo số ca nhiễm tại nước này nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong vài ngày tới, khi chính phủ tăng cường truy tìm các ca nghi nhiễm và người dân ngày càng sẵn sàng đi xét nghiệm do lo sợ dịch. Tổng thống Joko Widodo ngày 19-3 cũng tuyên bố Indonesia sẽ tăng cường xét nghiệm. "Tôi đã yêu cầu tăng bộ kit xét nghiệm, trung tâm xét nghiệm và đưa nhiều bệnh viện tham gia" - ông Widodo nói.

Đông Nam Á lập phòng tuyến mới - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Dừng nhập cảnh, biện pháp hàng đầu

Tiếp sau nhiều nước, Philippines ngày 19-3 tuyên bố dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và cấm nhập cảnh đối với công dân tất cả các nước khác mà "không có ngoại lệ", vài ngày sau khi "cách ly" cả thủ đô Manila. Trước đó, Malaysia là nước đầu tiên trong khu vực phong tỏa toàn quốc và cấm người dân xuất cảnh. Lào cũng đóng cửa biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc và Myanmar, trong khi Singapore, Brunei và Thái Lan siết chặt hạn chế việc đi lại của người dân.

WHO: cách ly và cách ly

Theo WHO, các con số cho thấy nhiều nước Đông Nam Á đang vào giai đoạn lây lan cộng đồng. Tổ chức này kêu gọi đẩy nhanh việc "phát hiện, xét nghiệm, điều trị, cách ly và truy dấu tiếp xúc". "Chúng ta phải hành động ngay" - bà Poonam Khetrapal Singh, giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO, kêu gọi.

Malaysia phong tỏa toàn quốc vì COVID-19

Sự kiện tôn giáo tại thánh đường Seri Petaling, Kuala Lumpur, Malaysia tập trung khoảng 16.000 tín đồ Hồi giáo đến từ một số quốc gia, trong đó có VN. Kuala Lumpur đã tìm được hơn 1.600 trong số gần 5.000 công dân Malaysia tham gia sự kiện trên có các triệu chứng của COVID-19.

Malaysia sau đó đã phải phong tỏa toàn quốc để chống dịch. Ngày 18-3, Malaysia áp lệnh hạn chế đi lại, đồng thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu trong vòng 2 tuần sau khi số ca nhiễm tăng vọt. Một người tham gia buổi tụ họp này đã qua đời trong tuần này.

Theo Hãng tin Reuters, những người tham gia dành phần lớn thời gian tập trung trong thánh đường, nơi diễn ra các nghi thức lễ kéo dài 4 ngày. Ngoài ra, một số khác còn đến các nhà hàng, trung tâm mua sắm và tòa tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur. Trong số các ca nhiễm của quốc gia này trong ngày 19-3, Bộ Y tế Malaysia cho biết đa số đều liên quan tới sự kiện tôn giáo tại thánh đường Seri Petaling.

VŨ NGUYÊN

Dịch COVID -19 ngày 20-3: Số người chết ở Ý là 3.405 ca, cao hơn Trung Quốc Dịch COVID -19 ngày 20-3: Số người chết ở Ý là 3.405 ca, cao hơn Trung Quốc

TTO - Ý đã ghi nhận tổng cộng 3.405 ca tử vong do COVID-19 tới nay, còn Trung Quốc có 3.245 ca tử vong. Trong khi đó, Mỹ nâng cảnh báo đi lại lên cấp cao nhất, khuyên người dân không đi nước ngoài.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên