
Đồng Nai kiến nghị đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và đường kết nối quy mô 4 làn xe (giai đoạn 1) để kết nối trực tiếp với tỉnh Bình Phước. Trong ảnh: Cầu Mã Đà kết nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước bị đánh sập trong chiến tranh - Ảnh: A LỘC
Ngày 2-4, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cầu Mã Đà kết nối tỉnh Bình Phước.
Xây cầu Mã Đà, đường kết nối trực tiếp Đồng Nai với Bình Phước
Cụ thể, trên cơ sở thực trạng hệ thống giao thông của hai địa phương, lãnh đạo hai tỉnh lựa chọn phương án kết nối như sau: Từ TP Đồng Xoài đi theo đường ĐT 753, qua cầu Mã Đà sang địa phận tỉnh Đồng Nai. Sau đó đi theo các đường địa phương đến đường vành đai 4 TP.HCM. Tổng chiều dài khoảng 76km.
Hiện trạng tuyến đường ĐT 753 dài khoảng 30km, tỉnh Bình Phước đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường này (đoạn từ thành phố Đồng Xoài đến đường Đồng Phú, Bình Dương) với chiều dài khoảng 13km, bề rộng mặt đường 19m, nền đường rộng 22m. Đoạn còn lại dài khoảng 17km, mặt đường láng nhựa rộng 7m, nền đường rộng 9m.
Đoạn qua Đồng Nai dài khoảng 46km. Trong đó có 5km từ suối Mã Đà đến ngã ba đường vào Trung ương Cục miền Nam. Hiện trạng đường cấp phối sỏi đỏ, có bề rộng mặt đường trung bình khoảng 7m.
Đoạn từ ngã ba đường vào Trung ương Cục miền Nam đến ngã ba Bờ Hào (giao với đường ĐT 761) dài khoảng 8km. Hiện trạng đường nhựa rộng 5m. Tuyến đường ĐT 761 dài khoảng 18km, mặt đường bê tông nhựa rộng 6m, nền đường rộng 9m.
Tuy nhiên theo UBND tỉnh Đồng Nai, vị trí cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai và Bình Phước, tuyến ĐT 761; tuyến đường kết nối từ Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đến giao với đường vành đai 4 chưa được cập nhật trong hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về phương án hướng tuyến qua địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất điểm đầu tại cầu Mã Đà, điểm cuối giao với đường vành đai 4 TP.HCM với chiều dài khoảng 44km.
Trong đó đoạn tuyến qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai dài khoảng 27km (từ cầu Mã Đà đến khu vực ranh phía nam của khu dự trữ sinh quyển): hướng tuyến bám đường hiện hữu. Đầu tư xây dựng cầu cạn đối với đoạn đi qua khu vực rừng tự nhiên dài khoảng 5km.
Đoạn tuyến từ ngoài ranh khu bảo tồn đến giao với đường vành đai 4: tuyến mở mới dài khoảng 17km, đi theo hướng đường ĐT 768B quy hoạch, quy mô 8 làn xe. Hướng tuyến này song song với đường ĐT 767 (cách khoảng 3,5km về phía tây), không đi theo ĐT 767 hiện hữu nhằm giảm thiểu công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho khu vực.

Sông Mã Đà - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước - Ảnh: A LỘC
Đề xuất làm đường quy mô 4 làn xe trong giai đoạn 1
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất hai phương án làm cầu, đường kết nối và quy mô đầu tư.
Phương án 1: đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Trong đó, cầu Mã Đà có tổng mức đầu tư khoảng 220 tỉ đồng. Tuyến đường kết nối từ cầu Mã Đà đến đường vành đai 4 có tổng mức đầu tư khoảng 10.800 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.000 tỉ đồng).
Thu hồi giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe đoạn qua phần đất rừng đặc dụng, đoạn qua khu vực đất dân thu hồi một lần quy mô theo quy hoạch 8 làn xe.
Với phương án này cần chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng khoảng 45ha. Dự án thuộc nhóm A, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Ưu điểm của phương án này là chi phí đầu tư giai đoạn 1 thấp. Diện tích đất rừng phải thu hồi dưới 50ha, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh, không phải trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, dự án sẽ đồng bộ với quy mô của giai đoạn 1 của dự án đường vành đai 4 TP.HCM (4 làn xe). Phân kỳ đầu tư thuận lợi, giai đoạn 1 đầu tư một đơn nguyên cầu với quy mô 4 làn xe của cầu Mã Đà và đoạn cầu cạn 5km. Giai đoạn 2 đầu tư thêm đơn nguyên còn lại với quy mô 4 làn xe.
Tuy nhiên nhược điểm của phương án này là khi mở rộng giai đoạn 2 sẽ tác động đến môi trường rừng lần thứ hai.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khảo sát khu vực xây cầu Mã Đà kết nối với Bình Phước - Ảnh: A LỘC
Phương án 2: đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối với quy mô theo quy hoạch 8 làn xe.
Trong đó, cầu Mã Đà có tổng mức đầu tư khoảng 390 tỉ đồng. Tuyến đường kết nối từ cầu Mã Đà đến đường vành đai 4 có tổng mức đầu tư khoảng 17.200 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.000 tỉ đồng).
Thu hồi một lần theo mô hình quy hoạch 8 làn xe. Dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng với diện tích khoảng 85,5ha. Dự án thuộc loại quan trọng quốc gia, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội.
Ưu điểm của phương án này là chỉ ảnh hưởng đến môi trường rừng một lần, thuận lợi cho kết nối giao thông giữa hai địa phương. Nhược điểm chi phí đầu tư lớn, chưa đồng bộ với quy mô giai đoạn 1 của dự án đường vành đai 4 TP.HCM và thẩm quyền quyết định đầu tư của Quốc hội.
Đối với hai phương án trên, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận cho tỉnh lựa chọn phương án 1: đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, hình thành tuyến đường kết nối trực tiếp giữa Đồng Nai và Bình Phước qua cầu Mã Đà.
Đầu tư xây dựng cầu Mã Đà nối Đồng Nai và Bình Phước bằng nguồn vốn ngân sách
Do dự án đi qua hai tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương giao tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối từ cầu Mã Đà đến giao với đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai chưa có trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai.
Vì vậy tỉnh kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND tỉnh Đồng Nai trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các phụ lục về phương án phát triển mạng lưới đường bộ tỉnh Đồng Nai (bổ sung tuyến đường từ ĐT 761 cầu Mã Đà đến giao với đường vành đai 4 TP.HCM); phương án bổ sung kết nối tỉnh Đồng Nai với các địa phương lân cận (bổ sung cầu Mã Đà); phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai (điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp sang đất giao thông) mà không phải lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tỉnh Đồng Nai.
Chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét điều chỉnh quy hoạch vùng Đông Nam Bộ (bổ sung tuyển kết nối giữa Đồng Nai và Bình Phước); điều chỉnh quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia để đồng bộ các hồ sơ quy hoạch.
Đồng thời xem xét hỗ trợ ngân sách trung ương cho tỉnh Đồng Nai đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cầu Mã Đà đến giao với đường vành đai 4 TP.HCM với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.800 tỉ đồng (bao gồm khoảng 5km cầu cạn đi qua khu vực rừng tự nhiên).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận