Một doanh nghiệp ở Biên Hòa, Đồng Nai sản xuất trong mùa dịch - Ảnh: H.MI
Ông Quản Minh Cường - phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét, chấp thuận tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2022-2025, từ 47% lên 49%.
Đồng Nai cho hay tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp lớn đang hoạt động sản xuất kinh doanh, dân số hơn 3 triệu người và là địa phương có tỉ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Tuy nhiên, 2 năm qua tăng trưởng kinh tế của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Đồng Nai chỉ đạt 1,12%; chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ đạt 2,91% và tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 6% so với cùng kỳ…
Đến nay đã có 242 doanh nghiệp giải thể, gần 700 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.
Lĩnh vực y tế bị tác động nặng nề, nghiêm trọng cả về nhân lực, vật lực nên khả năng phục hồi kinh tế của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trong khi đó, tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, tốc độ gia tăng dân số cơ học dẫn đến việc đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội cần nguồn lực rất lớn trong thời gian tới.
Cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra công tác chống dịch COVID-19 ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai - Ảnh: H.MI
Vì vậy, Đồng Nai đề nghị trung ương điều tiết thêm 2% nguồn thu từ ngân sách để tỉnh có thêm nguồn chi phục hồi kinh tế, tổ chức phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Đồng Nai cũng cần có nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường kết nối giao thông đến cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cũng theo Đồng Nai, năm 2021 tỉnh được giao chỉ tiêu thu ngân sách trên 47.100 tỉ đồng và số phân bổ dự toán chi cân đối ngân sách hơn 19.700 tỉ (47%). Mức phân bổ này rất hạn chế và rất thấp nếu so với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận