Thiếu kỹ năng là một trong những lý do khiến nhiều sinh viên không thể học tập tốt ở đại học. Trong ảnh: Các bạn trẻ tham gia một khóa học kỹ năng ở TP.HCM - Ảnh tư liệu: NGUYỄN NAM
Môi trường đại học đòi hỏi sinh viên nhiều hơn, nhưng nhiều bạn lại đến giảng đường như một học sinh "lớp 13", dẫn đến học tập yếu kém và cuối cùng bị buộc thôi học.
Thất bại do thiếu quyết liệt với bản thân
Dù đã tích lũy đủ số tín chỉ để tốt nghiệp, Nguyễn A. (sinh năm 1993) Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn chưa thể cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp do thiếu chứng chỉ tiếng Anh.
A. cho biết suốt thời gian học đại học, cậu không nghĩ tới việc học tiếng Anh dù gia đình có bắt ép, thậm chí dọa nạt. Thiếu kiến thức căn bản, học tiếng Anh với A. là "cực hình".
"Mình không tìm được trung tâm phù hợp, còn học trong trường lúc đó tương đối chán. Với lại học tiếng Anh đòi hỏi phải rất quyết tâm mà mình lại không có", A. tâm sự.
Hiện nay, A. đang giảm bớt công việc ở cơ quan để tập trung lấy cho được chứng chỉ ngoại ngữ khi chỉ còn 1 năm là quá hạn xét tốt nghiệp. Nhưng hành trình này cũng không được suôn sẻ vì: "Không tìm được động lực và cũng không biết bắt đầu từ đâu nên mình thấy chán nản. Vả lại vừa học vừa làm cũng hơi khó".
Không chỉ A., nhiều bạn bè khóa trên của A. thậm chí phải bỏ luôn bằng tốt nghiệp vì quá hạn xét tốt nghiệp mà vẫn không lấy được chứng chỉ ngoại ngữ.
Không vướng tiếng Anh nhưng bạn K.H. (sinh năm 1997), học Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng dở dang việc học vì chủ quan. H. vẫn giữ thói quen "sáng xách cặp đi, chiều xách cặp về" như thời phổ thông, nếu không phải đang học ở TP.HCM, có lẽ nhiều người tưởng H. vẫn còn học cấp 3.
Mỗi ngày đi học về, công việc đầu tiên của H. là mở máy tính, chơi game và lướt mạng, ăn tối rồi lại ngồi máy đến 23h thì đi ngủ. Do không ôn luyện, việc học của H. ngày càng sa sút, phải học lại nhiều môn.
Dù vậy, gia đình vẫn không biết và gửi tiền học và sinh hoạt cho H. rất đều. Sau 3 năm, H. cảm thấy mình không còn khả năng tiếp tục nên quyết định thú thật với gia đình xin cho thôi học và về quê phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình.
"Mình thấy tiếc lắm. Phải chi được làm lại mình sẽ học khác hơn, sẽ xin vào các phòng thí nghiệm học nhiều hơn", H. nói.
Học đại học cần những gì?
Dương Anh Vũ là kỷ lục gia trí nhớ do tổ chức Sách Kỷ lục Thái Lan công nhận năm 2015 - Ảnh: CTV
Trở thành tân sinh viên ngành marketing Trường ĐH Hoa Sen được 2 tháng, Võ Ngọc Quỳnh Như (sinh năm 2000, quê TP.HCM) cho biết mình có đôi chút bất ngờ với cách học ở giảng đường. Một trong số đó là không thể "đóng cửa phòng" một mình học bài được.
"Học đại học, sinh viên phải làm bài tập nhóm, thuyết trình, dự án, đồ án… Môn học nào cũng yêu cầu hoạt động nhóm cả", Như nói.
Để phù hợp "hoàn cảnh", Như phải học tự học nhiều hơn và chuẩn bị bài kỹ hơn để lúc lên giảng đường có thể theo kịp những gì thầy cô truyền đạt.
Đang học chương trình liên kết Pháp - Việt của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, bạn Nguyễn Thang Trang (sinh năm 2000) chia sẻ khó khăn nhất với bạn khi học đại học là phải tập tự lập.
Ngày Trang rời quê xuống TP.HCM bắt đầu 4 năm đại học, gia đình không ngừng nhắc đi nhắc lại Trang phải cố gắng học hành như thế nào, ăn uống ra sao, sinh hoạt cá nhân như thế nào.
"Trước có ba mẹ nhắc nhở học hành, giờ phải tự lo một mình. Mình may mắn ở chung với các chị khóa trên, được các chị giúp đỡ nhiều nên thích nghi nhanh", Trang cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, kỷ lục gia trí nhớ Thế giới Dương Anh Vũ đưa ra một vài lời khuyên cho các bạn tân sinh viên để hoàn thành tốt 4 năm đại học.
Thứ nhất, duy trì thói quen học bài như thời cấp 3. Ở môi trường đại học, các giảng viên không dò bài hàng ngày cho nên dường như đa số sinh viên chỉ thức đêm học bài khi kỳ thi đến với hàng chục môn một lúc.
Trên thực tế một bộ não không thể chịu được sự quá tải này. Dù là một Kỷ lục gia trí nhớ thế giới, tôi cũng không dám khẳng định rằng mình có thể hoàn thành tốt bài thi với áp lực như thế.
Các bạn tân sinh viên nên sử dụng sơ đồ tư duy trong quá trình học, mỗi buổi học có thể tóm tắt toàn bộ kiến thức lại trên 1 tờ giấy theo phong cách sơ đồ tư duy, cuối kỳ sẽ dễ dàng tổng kết.
Thứ hai, đừng xem thường các môn đại cương. Tôi đồng ý với nhiều bạn các môn đại cương không quan trọng bằng các môn chuyên ngành, nhưng đại cương vẫn chiếm từ 30-40% điểm số học tập của bạn trong suốt 4 năm đại học.
Nếu những môn này chỉ toàn 5, 6 điểm thì khó lòng kéo điểm số trung bình lên cao. Hơn nữa, xao nhãng các môn đại cương sẽ tạo ra thói quen hời hợt trong việc học tập.
Thứ ba, hãy chú tâm học tiếng ngoại ngữ. Bởi vì sau khi kết thúc 4 năm này, bạn bắt đầu đi làm và không còn nhiều thời gian để học tiếng Anh. Tiếng Anh không chỉ đơn thuần là một ngoại ngữ mà còn là một cánh cửa giúp bạn thoát khỏi mọi giới hạn.
Cuối cùng, đừng bằng lòng với kiến thức trong trường. Đại học là một môi trường học tập mở nên nếu bạn cảm thấy đủ với kiến thức trong giáo trình, bạn có thể là một sinh viên học tốt trong 4 năm nhưng có thể sẽ thất bại trong 40 năm tiếp theo.
Sinh viên nên mở rộng kiến thức bằng việc tìm đọc các cuốn sách hay, kết giao với những người tài năng để học tập và đặc biệt là tìm những công việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành để thêm kinh nghiệm"
Nhiều "kênh" tiếp sức sinh viên ở trường
ThS Võ Văn Trọng - Trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ các trường ĐH đều có nhiều kênh để tư vấn học tập cho sinh viên, nhất là các bạn năm I.
Tại ĐH Kinh tế - Luật, ngay từ ngày nhập học, trường đã bố trí nhiều tình nguyện viên giúp giải đáp thắc mắc cho tân sinh viên về chương trình học, phương pháp học trong môi trường mới.
Khi chính thức vào học, sinh viên một lần nữa được chia sẻ phương pháp học trong tuần sinh hoạt công dân đầu năm, được cố vấn học tập của mỗi khoa tư vấn và luôn sẵn sàng giúp đỡ trong 4 năm học.
"Tham gia các hoạt động đoàn hội, các câu lạc bộ đội nhóm hoặc tham khảo các anh chị đi trước sẽ giúp các bạn tìm hiểu và trao đổi phương pháp học tập hiệu quả cũng như học được nhiều kỹ năng quan trọng cần cho công việc sau này như giao tiếp, làm việc nhóm...", ThS Trọng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận