Minh họa: DAD |
Yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ về nợ công là điều đáng phải suy nghĩ. Phải suy nghĩ là bởi chúng ta làm không đủ ăn, thu không đủ chi, chưa có của ăn của để nên toàn bộ chi cho đầu tư phát triển của đất nước hiện đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.
Muốn có cuộc sống tốt hơn phải đầu tư nhiều hơn. Cứ thế nợ công ngày càng tăng, áp lực trả nợ ngày càng lớn, phải đi vay để trả nợ vay.
Ngân sách khó được cải thiện nếu con số địa phương có nguồn thu nộp về cho ngân sách trung ương cứ loanh quanh với con số 13 tỉnh, thành phố như hiện nay.
Đã vay nợ thì phải trả và không để sức khỏe tài chính của đất nước xấu hơn, chỉ có cách duy nhất là phải đồng lòng, tích cóp để trả nợ.
Nhưng sự đồng cam cộng khổ này kéo dài được trong bao lâu mới là quan trọng. Đồng cam cộng khổ để trả nợ chỉ bền vững khi chúng ta có được môi trường đầu tư thông thoáng và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Quyết tâm của Chính phủ để tạo ra một môi trường kinh doanh và khởi nghiệp rộng khắp là điều đáng trân trọng.
Nhưng liệu các bộ ngành và các địa phương có sẵn lòng đồng cam cộng khổ từ bỏ quyền lợi của mình, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kinh doanh nhằm tạo nguồn thu ngân sách bền vững để trả nợ?
Trong một môi trường đầu tư mà ở trên trải thảm, còn nhiều cấp thừa hành tìm mọi cách rải đinh thì làm sao nhà đầu tư bỏ nhiều vốn để làm ăn kinh doanh, lấy đâu ra nguồn thu để trả nợ?
Thủ tướng nêu đích danh các tỉnh thành lớn cùng có trách nhiệm với Chính phủ để trả nợ công.
Nhưng thiết nghĩ cũng cần chỉ đích danh các nơi, các địa chỉ cụ thể luôn tìm cách gây cản trở tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh.
Nếu không, một bên hữu hình là người dân và doanh nghiệp nai lưng làm để tạo nguồn thu cho ngân sách, còn một bên vô hình cứ tìm mọi cách gây khó dễ doanh nghiệp.
Thời gian qua, chỉ mới thấy vài vụ gây nhũng nhiễu người kinh doanh đã bị xử lý như vụ quán cà phê Xin Chào, vụ đòi khởi tố do kinh doanh điện thoại “cùi bắp”.
Còn những bộ ngành dựa vào các giấy phép con bất hợp lý, vin vào cơ chế, vào “đúng quy trình” để gây cản trở kinh doanh lại chưa tìm ra được ai để kỷ luật.
Đây mới chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm teo tóp nguồn thu của Nhà nước.
Tinh thần đồng cam cộng khổ cũng cần phải được thể hiện trong tiêu xài tiết kiệm, dứt khoát không được vung tay quá trán.
Cơ chế phân cấp, thu chi ngân sách và kỷ luật tài chính vẫn còn lỏng lẻo. Và đó cũng là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng thói quen “cấu véo” của công.
Một bên đồng cam cộng khổ với Chính phủ trả nợ công, còn một bên luôn đồng lòng vung tay chia chác thì có lẽ cũng chỉ trả nợ được một vài năm là kiệt sức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận