Đồ họa: NHƯ KHANH |
Vậy bức tranh kinh tế tới đây có màu gì và ảnh hưởng người dân ra sao?
Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội TP.HCM, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Dưới đây là góc nhìn của ông:
- Nhìn vào con số, ở thời điểm này tăng trưởng GDP chậm hơn năm trước, dự kiến cả năm chỉ đạt 6,2% thay vì 6,7% như kế hoạch. Đừng lo. Không nên chạy theo con số nữa.
Tuy tăng trưởng không đạt nhưng quan trọng là nền kinh tế đi đúng hướng, giảm đầu tư dàn trải, tập trung vào hiệu quả...
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới cũng chậm lại, còn 3,1% thay vì 3,6% như trước đó.
Năm năm qua, để ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta đã tập đi chậm, bây giờ cũng đừng sốt ruột đi nhanh hay muốn nổi lên làm “ngôi sao” về tăng trưởng cao làm gì.
Xác định như thế để không bơm tiền vào những dự án khủng, kém hiệu quả tuy có tăng trưởng trước mắt nhưng để lại hậu quả lâu dài.
Tình hình ngoại tệ không có gì căng thẳng, Nhà nước vẫn mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Trong những tháng còn lại của năm, để tránh sức ép lên lạm phát, có thể Ngân hàng Nhà nước chủ động tăng tỉ giá 1-2% nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Việc này là cần thiết vì những tháng đầu năm VND không giảm mà lại tăng giá so với USD |
Ông TRẦN HOÀNG NGÂN |
* Có thể không chạy theo tăng trưởng nhưng liệu có lơi lỏng trong điều hành hay không khi lạm phát chẳng những quay lại mà còn có nguy cơ vượt chỉ tiêu, trong khi người dân rất lo ngại lạm phát cao?
- Sáu tháng đầu năm, lạm phát tăng cao hơn 2% so với cùng kỳ năm trước và cả năm, theo như Chính phủ, có thể vượt mức 5% - chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Lạm phát là do tăng giá học phí, viện phí và xăng dầu.
Chúng ta không đặt nặng tăng trưởng GDP nhưng phải giữ gìn chỉ tiêu lạm phát 5%. Bằng mọi cách, Chính phủ phải kiểm soát được lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Phá vỡ con số này sẽ tác động đến những thành quả ổn định kinh tế vĩ mô.
Giữ lạm phát để ổn định lãi suất, tỉ giá, để bà nội trợ không than phiền vì mua được ít thực phẩm hơn trước.
Có cơ sở để giữ lạm phát dưới 5%. Giá xăng dầu đã giảm lại. Lương thực thực phẩm vẫn trong xu thế cung nhiều hơn cầu nên giá khó tăng.
Như vậy trong điều hành phải giãn lộ trình tăng giá các mặt hàng do nhà quản lý giá, chặt chẽ hơn trong điều hành chính sách tiền tệ...
* Nợ công lại muốn phá trần. Liệu quan điểm không đặt nặng chỉ tiêu tăng GDP có được ủng hộ khi mà GDP không tăng cao cũng có nghĩa việc vay nợ không “rộng rãi” như mong muốn?
- Nợ công tăng liên tục trong năm năm qua, bình quân tăng 18%/năm. Nếu cuối năm 2011, nợ công mới tương đương 50% GDP thì cuối năm 2015 đã là 62,2% GDP. Dự kiến năm nay bội chi ngân sách là 4,95% GDP với điều kiện GDP tăng 6,7%.
Nếu giữ nguyên bội chi mà GDP không tăng như kế hoạch thì trần nợ công tương đương 65% GDP sẽ bị phá vỡ.
Dù có ý kiến cho rằng không nên ràng buộc nợ công theo GDP mà quan trọng là khả năng trả nợ nhưng là đại biểu Quốc hội, tôi không ủng hộ điều chỉnh trần nợ công cao hơn nữa.
Tôi nghĩ Quốc hội cũng có quan điểm như thế. Chúng ta phải điều chỉnh, cân đối lại chi tiêu để đảm bảo phù hợp với khả năng trả nợ; đau, khó cũng phải làm.
Ảnh: V.D. |
* Cũng liên quan đến tăng trưởng, ngân sách không còn tiền đầu tư, chúng ta phải dựa vào vốn nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh, có lo ngại rằng khi đó chủ trương chọn lọc thu hút đầu tư với các dự án thân thiện môi trường không còn được ưu tiên?
- Đây là vấn đề khó, cần phải quán triệt trong thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Chúng ta không vội vã trong tăng trưởng, nhưng cũng phải đi theo phương châm đi chắc, đi vững.
Trong thu hút đầu tư, chúng ta chủ trương siết lại, dứt khoát không có những dự án kiểu như Formosa, nhà máy giấy Lee & Man... nữa.
Tiêu chuẩn nâng lên thì vốn vào sẽ ít đi. Khi đó có lo không? Phải lo nhưng không phải là lo cuống lên mà là tìm hướng giải quyết. Tốt nhất đó là khơi gợi, tìm cách huy động nguồn lực trong nước từ khu vực kinh tế tư nhân.
* Nhưng không loại trừ khả năng các địa phương lại hạ chuẩn thu hút vốn nước ngoài vì không thể dựa vào kinh tế dân doanh khi khu vực này đang gặp khó?
- Sản xuất nông nghiệp sụt giảm do thiên tai và cả “nhân tai” sau sự cố môi trường biển ở miền Trung. Phải ngăn đà sụt giảm này.
Trước mắt, cần có chính sách tốt hơn về an sinh xã hội để đảm bảo cuộc sống của người dân nông thôn, đồng thời nhanh chóng ban hành chính sách nhằm tạo ra động lực phát triển mới cho khu vực này.
Hướng là đưa vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn thay vì nông hộ như hiện nay và hình thành các chuỗi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Còn với doanh nghiệp, có tín hiệu lạc quan khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng 20% và vốn tăng 50%. Nhưng quan trọng là hoạt động sau khởi nghiệp.
Nhà nước phải bàn nhiều hơn về hỗ trợ “hậu khởi nghiệp” cho doanh nhân. Không dừng ở tiếp cận vốn, nhà xưởng mà còn phải chú trọng công nghệ mới để qua đó nâng cao năng suất lao động, vốn đang là nhược điểm của doanh nghiệp Việt.
Giải pháp đó là cần có một quỹ hoặc chương trình với nguồn vốn lãi suất ưu đãi để giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị.
Nếu không chú trọng và đầu tư chính sách cho nông nghiệp và doanh nghiệp dân doanh, sẽ khó ngăn các địa phương thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Bởi một khi sự cố môi trường trôi qua, dư luận xã hội lắng xuống, ý tưởng mời gọi đầu tư bằng mọi giá xuất hiện trở lại...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận