23/07/2016 08:06 GMT+7

Nợ công có thể vượt trần Quốc hội giao vào cuối năm

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TTO - Đó là nội dung trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện sáu tháng cuối năm 2016 mà Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội.

Mở đầu báo cáo, Chính phủ nêu hàng loạt khó khăn khi bước vào năm 2016: đầu năm là rét hại và băng giá ở phía Bắc; sau đó hạn hán kéo dài ở các tỉnh miền Nam Trung bộ, Tây nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; sự cố do Formosa, kinh tế thế giới phục hồi chậm...

Vì thế, tốc độ tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2016 mới đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32%. Chính phủ báo cáo nếu không có các nguyên nhân khách quan nêu trên, thì tốc độ tăng GDP sáu tháng đầu năm 2016 đã đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2015.

Từ sự phân tích trên đây, Chính phủ đánh giá nền kinh tế VN vẫn đang trong đà phục hồi, tăng trưởng GDP tạm thời bị giảm sút là do... các nguyên nhân bất khả kháng.

Tuy nhiên, về sáu tháng cuối năm, Chính phủ thẳng thắn cho biết: “Tăng trưởng của nền kinh tế khó đạt được mục tiêu đề ra 6,7%”. Do tăng GDP suy giảm, mà một số chỉ tiêu lại tính trên GDP, nên chỉ tiêu về bội chi ngân sách trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra.

Đặc biệt, Chính phủ thừa nhận “nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép” (giới hạn Quốc hội cho phép với nợ công là thấp hơn 65% GDP; nợ của Chính phủ thấp hơn 55% GDP). Trong khi đó, Chính phủ dẫn nhiều lý do cho biết lạm phát cả năm cũng có thể vượt mục tiêu 5% đề ra.

Chính phủ cũng khẳng định mục tiêu “xây dựng Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, trong sạch và liêm chính”. Đồng thời sẽ nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm thực thi công vụ, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ “cơ chế xin - cho” trong tất cả các lĩnh vực, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong hành động và chính sách. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm cá nhân…

Liên quan đến chuyện dày đặc trạm thu phí, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội thể hiện rõ quan điểm sẽ buộc các trạm thu phí giảm phí. Cụ thể, Chính phủ khẳng định đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT… theo hướng công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ về giá phí cho các dự án BOT, xây dựng các phương án giảm phí và lộ trình thực hiện.

“Dự kiến sẽ tạm dừng không tăng phí năm 2016 theo lộ trình đối với một số trạm thu phí; các trạm thu phí khác yêu cầu rà soát đối với các phương tiện khác nhau, có thể điều chỉnh giảm mức phí từ 10 - 20%” - báo cáo nêu.

Về tinh giản biên chế, Chính phủ nêu trong sáu tháng đầu năm 2016 đã có 17 bộ, ngành và 59 địa phương đề nghị tinh giản biên chế với số đối tượng tinh giản là 7.626 người (có 6.709 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 903 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 9 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học...). Như vậy, tổng số biên chế đề nghị tinh giản trong năm 2015-2016 sẽ đạt 11.325 người (trong đó công chức cấp xã là 2.377 người, doanh nghiệp nhà nước chỉ 72 người...).

Trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ đã công bố khá chi tiết các thiệt hại vụ hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung. Theo tính toán sơ bộ, sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc. Thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.

Chính phủ công nhận dân còn bị thiệt hại do giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình 10-20% so với cùng kỳ năm 2015. Việc tiêu thụ hải sản của bốn tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản nên 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh đã bị chiếm dụng. Quảng Bình cũng tồn trên 2.000 tấn...

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên