04/02/2024 06:31 GMT+7

Đơn hàng gạo xuất sang Indonesia giúp giữ ổn giá lúa

Ngày 3-2, ông Nguyễn Duy Thuận - tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - cho biết Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia hơn 400.000 tấn, từ đó sẽ ngăn chặn đà giảm giá lúa trong dân hiện nay.

Nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo ông Thuận, gạo giao trong đơn hàng này phần lớn là gạo mới vụ đông xuân, thu hoạch trong tháng 1 và 2. Lượng gạo được giao trong tháng 3 là gạo 5% tấm. Vì vụ đông xuân bước vào thu hoạch từ tháng 1 và rộ vào cuối tháng 2.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu loại tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan đang cao nhất thế giới với 653 USD/tấn, gạo Việt Nam là 639 USD/tấn và Pakistan là 637 USD/tấn.

Trúng thầu gạo để chặn giá lúa giảm

Trước đó vào chiều 31-1, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố về việc đấu thầu 500.000 tấn gạo đã xác định danh tính các doanh nghiệp tham gia trúng thầu.

Theo đó, Việt Nam có Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang trúng lô thầu số 12 và Công ty TNHH lương thực Phát Tài trúng lô 11. Công ty cổ phần Quốc Tế Gia trúng thầu lô số 6. Công ty cổ phần thực phẩm thiên nhiên King Green (Vua Gạo) trúng thầu lô số 2. Đặc biệt, ba doanh nghiệp lớn của Việt Nam mỗi đơn vị trúng đến hai lô.

Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) trúng lô thầu số 8 và 14; Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng lô số 15 và 16; Tổng công ty Lương thực miền Nam trúng lô số 3 và 9.

Ngoài Việt Nam, chỉ một đơn vị thương mại là R&S Trader PTE ở Singapore thắng thầu ba lô 10, 13 và 17.

Với gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa "chốt sổ", các doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng khoảng 2/3. Đây là tín hiệu tích cực cho vụ đông xuân sẽ thu hoạch sau Tết Nguyên đán. Năm nay, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo, tương đương với Philippines.

"Thông tin Việt Nam trúng thầu cung cấp hơn 400.000 tấn giúp chặn đà giảm giá lúa trong thời gian gần đây, hy vọng bà con vẫn tiếp tục trúng mùa được giá trong năm mới", ông Thuận nói.

Doanh nghiệp phải tính toán chi li

Dự kiến ĐBSCL thu hoạch khoảng 6 triệu tấn gạo từ nay cho đến tháng 4. Doanh nghiệp sẽ cần vay ngân hàng số tiền ước khoảng 100.000 tỉ để mua toàn bộ số lúa gạo vụ đông xuân và cung ứng trong suốt năm 2024, cùng với các đợt thu hoạch tháng 7 của vụ hè thu và tháng 11 của vụ thu đông. 

Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho hay nhu cầu tiêu thụ gạo toàn thế giới mỗi năm dự báo tăng 1%, nghĩa là mỗi năm thế giới cần thêm 5 triệu tấn gạo. Do đó, việc tổ chức sản xuất ổn định là rất quan trọng.

Riêng năm 2024, theo dự báo của Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), toàn thế giới sẽ sản xuất 520 triệu tấn, trong khi tiêu thụ dự kiến đạt 525 triệu tấn, nghĩa là ngay trong năm 2024 này, lượng gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn.

Còn ông Phạm Thái Bình - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho rằng các doanh nghiệp trúng thầu gạo ở mức thấp, chỉ dao động từ 648 - 660 USD/tấn. 

Nếu trừ hết chi phí 30 USD/tấn vận chuyển thì giá gạo tại Việt Nam ở mức 620 - 630 USD/tấn.

"Giá lúa IR60404 và OM5451 khoảng 8.000 đồng/kg và đang có xu hướng sẽ giảm sau Tết. Do đó, nếu sau Tết giá lúa ở mức 7.000 đồng/kg thì doanh nghiệp xay xát thành gạo bán sẽ có lợi nhuận, còn giá lúa từ 7.200 - 7.300 đồng/kg thì doanh nghiệp huề vốn. Ngược lại, giá lúa từ 7.500 đồng/kg thì chắc chắn doanh nghiệp trúng thầu gạo sẽ thua lỗ 20 USD/tấn trở lên", ông Bình nói.

Doanh nghiệp từng Doanh nghiệp từng 'xù' hợp đồng vẫn trúng thầu gạo dự trữ quốc gia

TTO - Ngày 18-5, cục dự trữ một số khu vực công bố kết quả đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Đáng chú ý trong danh sách trúng thầu gạo đợt này, có nhiều doanh nghiệp đã "xù" hợp đồng cung cấp gạo đợt đấu thầu đầu tháng 3 vừa qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên