20/09/2011 08:21 GMT+7

Dominique Strauss-Kahn: "Tôi sẽ hối tiếc suốt đời"

SƠN HÀ (Theo L’Express, New York Times)
SƠN HÀ (Theo L’Express, New York Times)

TT - Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi trở về Pháp, cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn (DSK) đã nói lời xin lỗi đất nước và thừa nhận có sai phạm về đạo đức mà ông sẽ hối hận suốt đời.

Khép lại vụ bê bối “DSK”Ông Strauss-Kahn bị tố cưỡng hiếp nhà báoStrauss-Kahn: đó là một sai lầm đạo đức

86bUdH4M.jpgPhóng to

Ông Strauss-Kahn trong cuộc trả lời phỏng vấn - Ảnh: Reuters

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Pháp TF1 trong thời điểm “giờ vàng” tối 18-9, ông DSK đã thừa nhận “đó là một sai lầm về mặt đạo đức và tôi lấy làm xấu hổ. Tôi hối tiếc vô cùng. Suốt bốn tháng qua, ngày nào tôi cũng cảm thấy hối hận và tôi nghĩ sẽ không bao giờ ngừng hối tiếc”.

Về quan hệ với cô hầu phòng Nafissatou Diallo, ông DSK nói “đó không phải là một quan hệ mua bán có định giá” mà là “chuyện đôi bên tình nguyện, không hề có hành vi bạo lực”. Nhưng ít ra ông DSK cũng thừa nhận đã phạm “một lỗi lầm về đạo đức đối với vợ tôi, con cái và bạn bè tôi, cũng là lỗi lầm với công chúng Pháp, những người đã kỳ vọng vào tôi”.

Ông DSK cũng phủ nhận cáo buộc cưỡng hiếp nhà văn nữ Tristane Banon. Theo lời khai trước cảnh sát Paris, do báo L’Express đăng lại, ông DSK thú nhận từng tán tỉnh cô Banon khi cả hai gặp nhau năm 2003 và cố hôn cô.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn, ông DSK khẳng định ông không hề dùng bạo lực đối với cô như bị cáo buộc. Sau đó, ông chỉ trích cô hầu phòng Diallo là muốn đào mỏ và cho rằng vụ xìcăngđan ở New York có thể là “một cái bẫy”, thậm chí còn nói bâng quơ là “một âm mưu? Sẽ chờ xem”.

Trước khi bị bắt ở New York, ông DSK không chỉ là tổng giám đốc IMF mà còn được xem là một ứng cử viên lớn của Đảng Xã hội trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp tháng 4-2012. Được hỏi về tương lai sắp tới, ông DSK cay đắng nói: “Tôi đã muốn tranh cử. Tôi nghĩ rằng mình có thể sẽ có ích (đối với nước Pháp). Nhưng tôi đã bỏ lỡ cuộc hẹn với người dân Pháp. Giờ tôi phải bỏ lại tất cả ở phía sau. Tôi đã phải trả quá đắt và vẫn đang phải tiếp tục trả giá”. Ông DSK cho biết trước mắt sẽ dành thời gian nghỉ ngơi với người thân.

“Cả đời tôi đã được dành để phục vụ lợi ích công chúng và hãy chờ xem”, ông kết luận.

Giới phân tích chính trị Pháp bình luận cuộc trả lời phỏng vấn của ông DSK dường như đã được luyện tập từ trước. Nhiều chuyên gia chỉ trích nhà báo Claire Chazal của Đài TF1 là đã không đưa ra những câu hỏi mang tính chất vấn đối với ông, bởi có lẽ nhà báo Chazal là bạn thân của bà Anne Sinclair, vợ ông DSK.

“Đó rõ ràng là một bài diễn với những khoảnh khắc cảm xúc được lựa chọn cẩn thận - tổng biên tập Christophe Barbier của báo L’Express nhận định - Ông DSK đã không bị dồn ép và chúng ta không bao giờ biết được chuyện gì đã thật sự xảy ra trong căn phòng khách sạn Sofitel New York”.

Luật sư của cô Diallo là ông Thibault de Montbrial cũng mô tả cuộc trả lời phỏng vấn là “bài tập quan hệ công chúng giả dối”. Cây bút Jean Quatremer của báo Liberation giễu cợt: “Ông ta trả lời như thể một người vừa trải qua một cuộc tình lén lút nhỏ bé, vô tác hại”.

Còn bên ngoài trụ sở của TF1, một nhóm nhà hoạt động vì nữ quyền đã biểu tình phản đối ông DSK cùng những khẩu hiệu như: “Thật đáng sỉ nhục!”...

Kết quả khảo sát của báo Journal du Dimanche cho thấy 53% người Pháp muốn ông DSK rút khỏi chính trường. Các khảo sát khác cho thấy 2/3 người Pháp muốn DSK không tham gia chiến dịch tranh cử của Đảng Xã hội, và không giữ một chức vụ nào trong chính quyền nếu cánh tả Pháp giành chiến thắng.

Ông DSK hiện vẫn đang phải đối mặt với vụ kiện dân sự vì vụ việc xảy ra ở New York, và mới bị cảnh sát Pháp thẩm vấn vì nghi án tấn công nhà văn Banon.

“Đừng bảo chúng tôi phải mặc thế này thế nọ, hãy bảo đàn ông đừng cưỡng hiếp phụ nữ”

Đó là biểu ngữ của cuộc tuần hành vì váy ngắn ở thủ đô Jakarta, Indonesia, để phản đối việc thị trưởng Fauzi Bowo cảnh báo phụ nữ không nên mặc váy ngắn để tránh bị cưỡng hiếp.

qVlHlfT6.jpgPhóng to

Đông đảo phụ nữ tại Indonesia tuần hành vì váy ngắn - Ảnh: AFP

Lời cảnh báo được đưa ra sau khi một phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể trong chiếc xe tải tại Jakarta vào nửa đêm. Tuy nhiên, lời lẽ mang tính phân biệt giới tính của thị trưởng Bowo khiến phụ nữ thủ đô Indonesia, một quốc gia Hồi giáo, tức giận và quyết định xuống đường để bảo vệ “quyền mặc váy ngắn” của mình.

“Chúng tôi tới đây để tỏ rõ sự giận dữ của mình. Thay vì nghiêm trị những kẻ cưỡng hiếp, thị trưởng lại đổ lỗi cho trang phục của phụ nữ. Đây là một sự phân biệt đối xử” - Chika Noya, một trong những người biểu tình, bức xúc. Trước làn sóng phản đối của đám đông, thị trưởng Bowo đã buộc phải lên tiếng xin lỗi.

SƠN HÀ (Theo L’Express, New York Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên