08/11/2017 23:50 GMT+7

Đời...rác - Kỳ 5: Chủ đường rác là ai?

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Những ngày hốt rác ở khu vực chợ Thị Nghè, chúng tôi bắt gặp một cụ bà cứ đạp xe dõi theo mấy chiếc xe thùng.

Đời...rác - Kỳ 5: Chủ đường rác là ai? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc, một chủ đường rác ở phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức - Ảnh: NGỌC HIỂN

Bà quan sát nhất cử nhất động của chúng tôi như một bà chủ quản lý nhân viên của mình.

Giấc mơ

"Đó là bà Bảy, chủ đường rác này đó, bả đi để xem mình hốt như thế nào, có rơi vãi rác không " - Nguyễn Văn Chiều giải thích. 

Thì ra đây là con đường mà Chiều mới lãnh, sợ lính làm không sạch, chưa thuộc đường nên bà Bảy mới đi canh chừng.

Dù đã có tuổi nhưng đôi chân bà Bảy vẫn thoăn thoắt leo lên tầng hai, tầng ba chung cư gom từng thùng rác nặng trĩu xuống tầng trệt cùng chúng tôi. 

"Tao sợ tụi bây quên, để sót rác người ta la chết" - bà Bảy nói. Sở dĩ bà Bảy chu đáo như thế bởi đây là con đường rác da beo. 

Đối với lính mới lãnh đường, để nhớ trơn tru các hộ quả là một thách thức. Sau nhiều lần gặng hỏi, bà Bảy mới kể cho hai thằng lính lấy rác rằng đây là con đường rác mà con trai bà đầu tư. Anh ấy làm nghề lái xe.

Trước đây, bà Bảy làm công nhân vệ sinh môi trường TP. Khi về hưu, bà "ăn lương" con trai, tức đi hốt đường rác của con. Nhưng năm nay sức khỏe yếu, con trai sợ mẹ không kham nổi nên mướn lính. 

"Mỗi tháng thâu được nhiêu tiền thì tao chia cho tụi bây một nửa, nửa còn lại tao đưa cho con tao, coi như chia đôi chén cơm vậy" - bà Bảy nói. 

Nhưng chỉ đúng một tháng hốt rác trên đường da beo này, thằng Chiều chính thức nói lời chia tay bà Bảy để trả lại đường rác bởi "làm đường này bết lắm".

Nhiều năm hốt rác ở Sài Gòn, Chiều đã kinh qua không biết bao nhiêu đường rác và gặp không biết bao nhiêu người chủ. 

Tuy nhiên, phận làm lính Chiều chỉ quan tâm đến hai điều là đường có da beo hay không và được mướn bao nhiêu tiền. 

Còn lại, đường rác này ai làm chủ, người ta sang bao nhiêu tiền thì Chiều chẳng bận lòng. Vả lại sống nhà trọ, chạy miếng cơm từng bữa nên chuyện sở hữu đường rác với Chiều thực sự là một giấc mơ xa vời nên không thèm nghĩ tới...

Đời...rác - Kỳ 5: Chủ đường rác là ai? - Ảnh 2.

Phần lớn những người làm rác ngoại tỉnh đều là lính làm thuê - Ảnh: HỮU THUẬN

"Đầu tư đường rác"

"Nghề này bỏ tiền ra mua công việc để làm, coi như vừa có của, vừa có khoản tiền thu hằng tháng". Ông Nguyễn Quốc (65 tuổi), một chủ đường rác ở phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), đúc kết về nghề hốt rác dân lập sau 25 năm làm nghề.

Ông Quốc quê ở Huế, sau nhiều năm tha hương lên Tây Nguyên xuống Kiên Giang, Tây Ninh, cuối cùng ông quyết định định cư ở Sài Gòn. Sẵn có chút vốn, ông đánh liều sang lại một con đường rác với giá 15 triệu đồng. 

"Tôi chỉ sang một con đường nhỏ có 100 hộ, coi như tập sự làm nghề hốt rác, mỗi tháng thu về 4,5 triệu đồng " - ông Quốc nói. 

Sau đó ông chung với người em của mình sang một con đường thứ hai kế bên bến xe Miền Đông với giá 8 triệu. 

Đến năm 2000 ông bán lại với giá 45 triệu đồng, về Thủ Đức chung với người em bên vợ mua một con đường mới giá 70 triệu để cả hai cùng đi hốt. 

"Trừ tiền thuế, phí đóng cho Nhà nước thì tính ra một tháng đường này tui thu cũng được 14 triệu, nhưng chia cho hai vợ chồng lính hết 8 triệu, mình cùng đi làm với lính, xe thùng mình lo, coi như đường rác trả lương cho mình" - ông Quốc nói.

Con đường rác ở Thủ Đức ông Quốc sang lại của một ông chủ từng là công nhân vệ sinh của Nhà nước. 

Theo ông Quốc, chính các công nhân vệ sinh này làm chủ đường rác nhiều nhất, vì họ ở trong nghề, am hiểu đường rác, lại có tiền dành dụm nên đứng ra mua đường rồi thuê mướn lính làm kiếm lời. Họ gọi việc mua đường này bằng những từ hết sức thương mại là "đầu tư đường rác".

Để làm chủ đường rác, ông Lê Văn Nga (62 tuổi) phải về Tây Ninh bán ruộng đất, sang một đường ở quận Thủ Đức với giá 70 triệu đồng vào năm 2000. 

"Ngày đầu lên Sài Gòn làm lính tủi quá, chảy nước mắt luôn vì quá cực, đẩy xe ba gác vừa nặng vừa hôi nên tui quyết định phải mua đường rác riêng" - ông Nga nói.

Từ chỗ làm thuê, ông Nga trở thành chủ đường rác rồi mướn thêm một người lính quê miền Tây để cùng ông

hốt rác trên con đường này. Bây giờ ông Nga đã là phó chủ tịch Nghiệp đoàn công nhân vệ sinh rác dân lập Thủ Đức với 64 đoàn viên là chủ đường rác. 

Theo ông, gần như toàn bộ ông chủ đường rác đều là người trực tiếp đi hốt rác và mướn lính cùng làm. Chỉ vài ba người già yếu, bệnh tật nên giao hẳn cả xe rác cho lính đi làm.

"Ai cũng là dân làm lính rồi có chút vốn, có ruộng đất ở quê bán để lên đây sang đường rác, thành ra làm chủ chứ không ai giàu có mà đầu tư vô cái nghề hôi hám này cả" - ông Nga cho biết.

Bà Năm Mới (65 tuổi), chủ đường rác ở khu Sở Thùng, bảo dù gì thì phân nửa chủ đường rác ở thành phố này vẫn là cha truyền con nối. Cha làm chủ đến khi già yếu thì để lại đường rác cho con kế nghiệp. 

Phân nửa số chủ còn lại cũng do những người hốt rác mà ra.

 "Phải gắn với rác, phải hiểu cái nghề này mới dám mua đường chứ người ngoài không ai điên mà quẳng mấy trăm triệu đồng vào đường rác, lỡ lính nó bỏ đường, dân người ta thưa kiện thì ngồi đó mà khóc. Kiếm miếng ăn từ đường rác nhìn vậy chứ cay đắng lắm chú ơi" - bà Năm nói.

Hợp tác xã, nghiệp đoàn rác

Đường rác là những con đường, hẻm trong khu dân cư do người thu gom rác dân lập trực tiếp thu phí, hốt rác và có người đứng ra "sở hữu" hoạt động thu gom rác.

Các hoạt động mua đường, sang đường rác đều được những người sở hữu sang miệng hoặc viết giấy tay.

Để hoạt động thu gom rác dân lập tại TP.HCM đi vào khuôn khổ, các chủ đường rác đã liên kết, thành lập các hợp tác xã, nghiệp đoàn rác dân lập tại các quận, huyện.

Đây là các tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của UBND TP để đứng ra thu gom, vận chuyển rác và thu phí đối với các hộ dân.

Các chủ đường rác phải đăng ký với UBND phường và chịu sự giám sát hoạt động thu gom bởi phường và các hợp tác xã, nghiệp đoàn rác.

_______________________

Kỳ tới: "Ký sinh" vào rác

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên