Trạm thu phí số 2 Đồng Xoài - Phước Long thuộc dự án BOT ĐT741 do Công ty cổ phần kinh doanh BOT ĐT741 làm chủ đầu tư - Ảnh: N.N
Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi kể trong một lần gặp nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, lúc sinh thời, tại nhà một điêu khắc gia, ông có nhờ chỉ giáo cho một cái tên trường vẫn còn phân vân.
"Có nên đặt tên trường là Đàng Hoàng được không"? Ý của ông Nhi, một Việt kiều Mỹ, là "đàng hoàng" là một tính từ thường được sử dụng, vậy nay, nếu gọi đó là một danh từ thì liệu có ổn.
Ông Hạo không trả lời ngay. Sau một lúc suy nghĩ, ông nói: "Anh cho tôi suy nghĩ thêm khoảng 2 tuần nhé".
Hai tuần sau, đúng hẹn, ông Nhi đến gặp ông Hạo. Câu trả lời là: "Được. Vì trước đây cũng đã có một ngôi trường tên là Anh Dũng, nên tôi nghĩ đặt tên trường là Đàng Hoàng cũng ổn".
Dự án ngôi trường Đàng Hoàng, vì một vài lý do, đã không thể thành hiện thực. Nhưng câu chuyện trên cho thấy một nhà ngôn ngữ học danh tiếng như Cao Xuân Hạo, trước một câu hỏi tưởng chừng đơn giản, cũng không vội vã mà cần tra cứu cẩn trọng để trả lời.
Vậy mà trong thời gian ngắn, Bộ Giao thông - vận tải đã rất tự tin chuyển tên gọi trạm thu phí trở thành trạm thu giá. Để rồi, tất cả biển hiệu Trạm Thu giá mọc lên từ khắp nơi từ Bắc chí Nam.
Đành rằng, trong quá trình phát triển, một ngôn ngữ có thể sinh ra một từ mới, khái niệm mới, hay kết hợp các từ cũ để đưa ra nghĩa mới.
Tuy nhiên, khái niệm đó có được chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Số phận của từ đó sẽ do xã hội quyết định, chứ không phải bằng các văn bản hay mệnh lệnh hành chính.
Thực tế, xã hội không thừa nhận, thậm chí có những phản ứng khá tiêu cực với cụm từ "thu giá" này.
Sự phản ứng này có lý do của nó. Bởi bản chất vấn đề là việc thay trạm thu phí, vốn nằm trong điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí, một dịch vụ công, sang Trạm thu giá, để đưa giá về thuộc sự điều chỉnh của Luật Giá.
Một số biển hiệu “trạm thu phí” nay đã được đổi thành “trạm thu giá” - Ảnh: AN LONG
Trong đó, phí được Bộ Tài chính ấn định với một mức cụ thể, không thể tăng, chẳng thể giảm.
Còn giá, cụ thể ở đây là giá dịch vụ đường bộ, lại do Bộ Giao thông - vận tải quyết định ở mức tối đa. Từ mức trần này, doanh nghiệp - nhà đầu tư BOT xây dựng mức giá cụ thể.
Như vậy, phải chăng với động tác đổi từ thu phí sang thu giá, Bộ Giao thông - vận tải đã lấy được thanh thượng phương bảo kiếm về tay mình.
Để rồi từ đó, họ có thể "linh hoạt điều chỉnh giá" theo cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Và "điều chỉnh giá" thật ra cũng là một cách nói thể hiện sự tăng giá, giảm giá trong cơ chế thị trường mà thôi.
Vấn đề là các trạm thu phí - giá được đặt ở các vị trí "yết hầu" trên các con đường độc đạo. Sẽ không có cơ hội nào cho một "thị trường cạnh tranh" để người sử dụng lựa chọn.
Vì thế, cứ với câu chuyện làm đường một nơi đặt trạm thu tiền một nẻo, thì đó là thu phí hay thu giá cũng đều gây phản ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận