23/05/2018 08:42 GMT+7

Thu phí thành thu giá: Đừng 'đánh lận con đen' để o ép!

TÚ NGUYÊN
TÚ NGUYÊN

TTO - Theo bạn đọc Tú Nguyên, cho dù Bộ Giao thông vận tải có lý giải đủ thứ thuật ngữ 'thu phí' hay 'thu giá' vẫn còn có chỗ chưa ổn về ngữ nghĩa. Vấn đề mà người dân quan tâm nhất đó là không bị nhóm lợi ích o ép!

Thu phí thành thu giá: Đừng đánh lận con đen để o ép! - Ảnh 1.

Trạm thu giá BOT An Sương - An Lạc (quận Bình Tân) đưa vào thử nghiệm hệ thống thu phí tự động, dự kiến đến tháng 7-2018 hoạt động chính thức - Ảnh: LÊ ĐẠT

Trạm thu phí sau một đêm trở thành trạm thu giá. Người ta đưa ra đủ lý do để lý giải do cho sự thay đổi thuật ngữ mà bản chất vẫn là thu tiền đó. 

Nào là căn cứ theo Luật Phí và Lệ phí, Luật Giá; nào là thu phí là liên quan đến dịch vụ công, do nhà nước ấn định, thu giá là dịch vụ tư do tư nhân ấn định…

Tôi nghĩ là cho dù lý giải như thế nào thì cái phí và giá vẫn còn có chỗ chưa ổn về ngữ nghĩa, nếu cứ truy cho cùng ý từ và thực tế đã diễn ra từ trước đến nay mà chúng ta chưa bàn tới.

Tuy nhiên, vấn đề thiết thực ở đây không chỉ là bàn về ngữ nghĩa.

Về nguyên tắc, thu phí (trong lĩnh vực công) thì người dân mặc định, không có ý kiến, nhưng còn thu giá (tư nhân ấn định) thì người dân có quyền trả giá.

Trong những ngày tới đây, khi xuất hiện những cụm từ mới là trạm thu giá, các trạm BOT có đáp ứng được quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, có góp phần vào nhu cầu phát triển kinh tế đất nước… hay không?

Và liệu nó có giải quyết được những mâu thuẫn dai dẳng từ lúc BOT "nóng" lên gần cả năm nay hay có gây thêm những bất ổn về an ninh trật tự?

Có lẽ nó sẽ giải quyết được những bất ổn đó nếu như cái giá của trạm thu giá được sự bàn bạc, thống nhất giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ. Và không chỉ là giá mà sự thống nhất đó còn được thể hiện ở cả vị trí đặt trạm. 

Thực hiện điều này, thứ nhất, những người đưa ra chủ trương thể hiện tôn trọng sự công bình và dân chủ trong xã hội, tránh tình trạng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ một đàng, đặt trạm thu giá một nẻo và tình trạng độc quyền "hét" giá.

Thứ hai, người dân nào có nhu cầu sử dụng dịch vụ thì trả tiền, nếu không thì không phải trả tiền.

Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tốt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tự khắc họ chọn lựa sử dụng; doanh nghiệp không cần phải "đánh lận con đen" với ý đồ o ép.

Bởi vì đây là một mối quan hệ dân sự, giữa tư nhân và tư nhân (doanh nghiệp và người dân). 

Mối quan hệ này có sự điều tiết bình thường của cơ chế thị trường. Nhà nước giữ vai trò quản lý về mặt luật pháp và can thiệp khi cần thiết, nếu một trong hai bên có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Sự can thiệp về mặt luật pháp của nhà nước phải đảm bảo đúng luật, tính công bình, công khai, minh bạch, phù hợp với quyền lợi từ nhiều phía. 

Tuyệt đối không để BOT là miếng mồi béo bở cho lợi ích nhóm thao túng.

Có như thế vấn nạn BOT hay nói cách khác thời sự hơn, thu giá trong những ngày tới sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng.

Còn ngược lại, đặt tên thu là thu giá mà mọi thứ vẫn áp đặt, không được thống nhất thì khó mà ngăn được sự phản ứng của người dân. 

Vì sao trạm thu phí bỗng biến thành trạm thu giá sau một đêm? Cụm từ 'trạm thu giá' có bóp méo tiếng Việt? Mời bạn trả lời câu hỏi này và bày tỏ quan điểm sau phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Trạm thu của nhà nước thì trả phí, trạm tư nhân thì trả giá? Trạm thu của nhà nước thì trả phí, trạm tư nhân thì trả giá?

TTO - Vậy là bây giờ, khi đi xe qua đoạn đường có trạm thu do nhà nước đầu tư thì là bạn "trả phí", còn qua trạm BOT của tư nhân thì bạn đang "trả giá".

TÚ NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên