Đoạn đường tránh thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình dài 6,5km được Công ty Tasco xây dựng theo hình thức BOT được hoàn vốn bằng cách thu phí tại trạm Tân Đệ khiến người dân bức xúc - Ảnh: TIẾN THẮNG
Gần 20 người dân Thái Bình hôm 21-5 đã có buổi đối thoại với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Tasco 6 để đưa ra các ý kiến, phân tích về những điều bất hợp lý trong việc thu phí BOT mà đơn vị này đang thực hiện.
Ba câu hỏi của người dân
Buổi đối thoại được người dân mời báo chí cùng dự, và thay mặt người dân, ông Nguyễn Đức Cường (50 tuổi, trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) nêu ba vấn đề người dân đang bức xúc và cho rằng "có sự mập mờ" của chủ đầu tư.
Thứ nhất, ông Cường nói rằng theo quy định, trạm thu phí Tân Đệ đặt bên Thái Bình đã hoàn thành việc thu phí.
Tuy nhiên, sau khi Tasco đầu tư cải tạo một đoạn tuyến Quốc lộ 10 bằng cách tráng lại mặt đường và làm thêm một vài hạng mục trên quãng đường 5,5km, thì hiện nay "khi xe ôtô con đi qua trạm thu phí Tân Đệ đã phải trả đến 35.000 đồng, tính ra vào khoảng 6.300 đồng/km".
Thứ hai, người dân phản đối việc làm đường một nơi thu phí một nẻo, theo đó Tasco làm đường tránh qua thị trấn Đông Hưng (Thái Bình) với tổng mức đầu tư 440 tỉ đồng, chiều dài 6,5km, nhưng lại được hoàn vốn thông qua trạm thu phí Tân Đệ, cách xa đường tránh.
"Vừa qua, khi Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông về làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng khẳng định không có chuyện làm đường ở một nơi lại được thu phí ở một nẻo", ông Cường nêu.
Đoạn đường tránh thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình được Công ty Tasco đầu tư theo hình thức BOT - Ảnh: TIẾN THẮNG
Thứ ba, và đặc biệt, theo ông Cường, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý (Hà Nam) có chiều dài 25,1km, trong đó chỉ có 3,9km là đầu tư theo hình thức BOT và 21,2km còn lại đầu tư theo hình thức BT.
Tuy nhiên, thực tế Tasco khi đặt trạm thu phí lại triển khai thu 30.000 đồng trên quãng đường chưa đầy 4km.
"Phần lớn người dân không biết vẫn nghĩ rằng Tasco đang thu 30.000 đồng/25km nên họ vui vẻ trả phí. Mới đây khi xem lại thông tin thì mới phát hiện ra Tasco chỉ được quyền thu phí trên đoạn 4km chứ không phải cả đoạn này", ông Cường bức xúc.
Theo ông Cường, việc chủ đầu tư Tasco đầu tư hơn 420 tỉ đồng để làm gần 4km trên tuyến đường từ Nam Định - Phủ Lý (Hà Nam) và được thu trong 10 năm, mức doanh thu bình quân một năm theo công bố là khoảng 130 tỉ đồng, như vậy sau 10 năm chủ đầu tư sẽ thu về đến 1.300 tỉ đồng.
Tại dự án đầu tư cải tạo Quốc lộ 10 (đoạn từ cầu La Uyên đến Tân Đệ) có mức đầu tư 720 tỉ đồng và được thu trong 11 năm, ông Cường cho rằng với doanh số thu bình quân trong một năm tại trạm thu phí Tân Đệ được công bố là 220 tỉ đồng thì sau 11 năm trừ đi cả vốn đầu tư, chủ đầu tư "lãi ròng" 1.700 tỉ đồng.
Câu trả lời không thỏa đáng của chủ đầu tư
Trước những ý kiến của người dân, ông Phạm Hồng Điệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tasco 6, cho biết tất cả mọi thứ đều nằm trong hợp đồng giữa chủ đầu tư đối với UBND tỉnh Thái Bình, Bộ GTVT và ngành chức năng để được phép đầu tư, được phép thu tiền, thu giá tiền bao nhiêu.
Ông Điệp né tránh trả lời việc với quãng đường đầu tư xây dựng và cải tạo như trên so với mức thu như hiện nay là cao hay thấp.
"Bản thân Công ty cũng không tự nhiên làm được nếu không được sự chấp thuận của tỉnh và Bộ ngành liên quan. Bộ Tài chính cho phép thu từng đó thì chúng tôi mới thu từng đó", ông Điệp cho hay.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Cường cho biết tất cả người dân đến dự buổi đối thoại với Tasco đều thống nhất sau đây sẽ tiếp tục gửi đơn đến UBND tỉnh Thái Bình và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để nêu các kiến nghị, phân tích của mình nhằm làm rõ những bất cập của việc thu phí BOT ở địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận