29/05/2015 09:28 GMT+7

Đối thoại Shangri-La: nóng bỏng vấn đề biển Đông

QUỲNH TRUNG (từ Singapore)
QUỲNH TRUNG (từ Singapore)

TT - Tối nay (29-5), Hội nghị an ninh thượng đỉnh châu Á 2015 hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La chính thức khai mạc tại Singapore với tâm điểm chú ý là căng thẳng Mỹ - Trung ở biển Đông.

Công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của  Việt Nam - Ảnh: The Week Magazine
Công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: The Week Magazine

Một ngày trước khai mạc, các nhân viên của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức đối thoại, vẫn tất bật những công đoạn cuối như phát thẻ an ninh cho đoàn quốc phòng các nước, dựng sân khấu, thiết kế âm thanh, chuẩn bị phòng họp báo cho phóng viên.

Đại diện ban tổ chức cho biết công tác an ninh sẽ bắt đầu được siết chặt từ ngày 29-5, ngày khai mạc hội nghị.

Mỹ buộc phải phản ứng - thông qua các tuyên bố cũng như hành động cụ thể - dựa trên việc Washington được nhiều quốc gia tín nhiệm để trở thành người bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn đang bị đe dọa 
Chuyên gia William Choong

Tăng độ nóng biển Đông

Đối thoại Shangri-La năm nay ở Singapore (từ ngày 29 đến 31-5) sẽ quy tụ bộ trưởng quốc phòng, các quan chức quân sự cấp cao và những chuyên gia, nhà phân tích quân sự hàng đầu thế giới. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã xác nhận đến dự đối thoại.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu 12 người đến Shangri - La vào ngày 29-5. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh dự kiến có những cuộc gặp song phương với lãnh đạo quốc phòng các nước bên lề hội nghị.

Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đô đốc hải quân Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội, sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu nước này.

Theo thông tin từ ban tổ chức, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long sẽ đọc bài diễn văn chính khai mạc hội nghị tối 29-5. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ có bài phát biểu với chủ đề “Mỹ và các thách thức đối với an ninh châu Á - Thái Bình Dương” trong phiên họp toàn thể thứ nhất ngày 30-5.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia William Choong từ IISS dự đoán vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ trở thành một chủ đề “nóng” tại Đối thoại Shangri-La năm nay dựa trên những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang mở rộng bồi đắp ở biển Đông.

Ngoài ra, theo ông William Choong, việc Washington và Bắc Kinh cử đại diện cấp cao sang tham dự đối thoại lần này cũng sẽ làm tăng “độ nóng” của vấn đề biển Đông.

“Kể từ Đối thoại Shangri-La năm ngoái, các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Các hoạt động này đã gây quan ngại sâu sắc trong các quốc gia ở khu vực. Mỹ buộc phải phản ứng - thông qua những lời tuyên bố cũng như các hành động cụ thể - dựa trên việc Washington được nhiều quốc gia tín nhiệm để trở thành người bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn đang bị đe dọa” - chuyên gia William nhận xét.

Trung Quốc sẽ bị chỉ trích

Chuyên gia William Choong nhận định Trung Quốc có thể sẽ bị chỉ trích, gián tiếp hoặc trực tiếp, tại Shangri-La năm nay về hành động bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn của họ, và ông đồng thời nhấn mạnh “bất cứ quốc gia nào cố gắng thay đổi nguyên trạng ở biển Đông cần phải được ngăn chặn”.

Báo Stars and Stripes của Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây nhận định những bình luận của Bộ trưởng Ashton Carter tại Đối thoại Shangri-La có thể quyết định chiều hướng quan hệ tương lai giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến tình hình căng thẳng ở biển Đông.

Tờ báo này bình luận Trung Quốc có vẻ rất sẵn sàng phản ứng các chỉ trích (nếu có) nhắm vào nước này tại Đối thoại Shangri-La năm nay. 

Cũng theo báo Stars and Stripes, Bộ trưởng Ashton Carter tiết lộ khi phát biểu vào ngày 30-5, ông sẽ “kêu gọi các quốc gia trong khu vực tăng cường các thể chế và quan hệ an ninh để bảo đảm chúng ta có thể duy trì hòa bình và an ninh lâu dài trong một khu vực đang diễn ra sự thay đổi lớn”.

Các chủ đề thảo luận chính

- Hoa Kỳ và những thách thức đối với an ninh châu Á - Thái Bình Dương.

- Các hình thái mới của hợp tác an ninh ở châu Á.

- Ngăn chặn gia tăng xung đột.

- Các lực lượng vũ trang và các mối đe dọa khủng bố mới.

- Các thách thức an ninh năng lượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

- Các thách thức đối với tình báo, do thám và thăm dò hàng hải.

- Các thách thức đang nổi lên với an ninh nước nhỏ ở châu Á - Thái Bình Dương. 

- Tăng cường trật tự khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương: hướng tới giải quyết xung đột chủ động hơn. 

- Các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương: xây dựng sự hợp tác giữa các khu vực.

QUỲNH TRUNG (từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên