31/08/2021 09:13 GMT+7

Dời dân trong hẻm đông, 'pha loãng' khoảng cách để chống dịch

ĐAN THUẦN - HOÀNG LỘC
ĐAN THUẦN - HOÀNG LỘC

TTO - Ngoài việc đảm bảo điều trị hiệu quả cho F0, việc bảo vệ những người không mắc COVID-19 khỏi sự lây lan của dịch bệnh là việc rất quan trọng.

Dời dân trong hẻm đông, pha loãng khoảng cách để chống dịch - Ảnh 1.

Người dân sống trong hẻm ở quận 8, TP.HCM vẫn đi lại, giao lưu trong sáng 30-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với việc áp dụng nguyên tắc 5K để chống dịch COVID-19 trong các khu dân cư, việc giữ khoảng cách tối thiểu để ngăn nguy cơ lây nhiễm là việc khó với nhiều khu phố có mật độ dân cư đông đúc. 

Tuy nhiên những ngày qua, nhiều nơi đã có giải pháp "pha loãng" khoảng cách.

Cùng với đó, rất cần người dân nâng cao ý thức để thực hiện thêm việc "không tụ tập" - cũng là một cách "pha loãng" khoảng cách để việc chống dịch hiệu quả bắt đầu từ từng xóm, từng tổ dân phố.

Đưa dân ra khỏi vùng nguy cơ

Tính đến trưa 30-8, đã có trên 85.000 ca nhiễm tại TP.HCM đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà. Con số này dự kiến còn tăng cao hơn khi TP.HCM đang đẩy mạnh xét nghiệm. Ngoài việc đảm bảo điều trị hiệu quả cho F0, việc bảo vệ những người không mắc COVID-19 khỏi sự lây lan của dịch bệnh là việc rất quan trọng.

Chẳng hạn, quận Bình Thạnh đã phối hợp cùng Ban Dân vận trung ương, Ban dân vận Thành ủy "di tản" 2.000 người vào ở tạm tại chung cư, nhà nghỉ để lánh dịch trong vòng 20 ngày (đến 15-9) được thực hiện từ 26-8. 

Theo đó, người dân sống tại các khu nhà trọ lụp xụp, nhà ven kênh rạch và trong các hẻm sâu dưới 2m tại các phường của quận sau khi được test nhanh có kết quả âm tính được vận động vào ở tạm tại nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa và chung cư 1050. Người đồng ý "di tản" sẽ được UBND các phường tổ chức xe đưa đến các địa điểm trên.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ, mỗi phòng tại nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa có diện tích khoảng 30m2 cho từ 3-4 người ở. Trong khi đó, những căn hộ 2 phòng ngủ của chung cư 1050 sẽ được bố trí cho 4 người. Những người chung một gia đình, chung phòng trọ được ưu tiên bố trí ở chung. Đa số trong số họ là sinh viên, người lao động nghèo sống tại các nhà trọ.

Người dân khi đi lánh dịch được mang theo những vật dụng cần thiết để sinh hoạt, nấu ăn. Quận Bình Thạnh cũng đã hỗ trợ những túi an sinh có gạo, sữa, mì, nước tương… và bố trí xe bán hàng lưu động đến 2 điểm trên để phục vụ nhu cầu của người dân. 

Mỗi người dân khi đồng ý "di tản" đều được quận Bình Thạnh tặng 500.000 đồng, và được tiêm vắc xin. 

"Mỗi điểm sẽ có các lực lượng phụ trách về an ninh, y tế, hậu cần để chăm lo cho người dân, đồng thời giám sát việc tuân thủ giãn cách đối với người dân khi đến lánh dịch. Nếu số người đông hơn nữa, quận cũng đã có phương án sử dụng những trường học đang bỏ trống trên địa bàn" - ông Đinh Khắc Huy, chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, thông tin.

Dời dân trong hẻm đông, pha loãng khoảng cách để chống dịch - Ảnh 2.

Quận Bình Thạnh, TP.HCM đã tổ chức đưa người dân ở tạm tại nhà nghỉ Công đoàn và chung cư 1050 trên địa bàn để thực hiện giãn cách phòng chống lây lan dịch bệnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Giám sát giãn cách nơi hẻm nhỏ

Là một trong những quận có mật độ dân số cao nhất TP.HCM với nhiều hẻm nhỏ, quận 4 đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong bối cảnh F0 ngày càng nhiều. 

Ông Lê Văn Chiến - chủ tịch UBND quận 4 - cho hay quận cũng đã tính toán đến phương án giãn dân nhưng chưa có điều kiện để thực hiện do địa bàn quá chật hẹp, không có chỗ lưu trú đủ lớn. Do đó, giải pháp để bảo vệ người dân không mắc COVID-19 khỏi sự tấn công của dịch bệnh là tăng cường giám sát giãn cách.

"Chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát chặt giãn cách, người nào bị nhiễm thì đưa đi cách ly, những người đủ điều kiện cách ly tại nhà thì kiểm soát chặt, dán bảng, giăng dây, tăng cường kiểm tra, vận động... việc ở yên trong nhà. Đồng thời nâng cao vai trò của các tổ Covid cộng đồng" - ông Chiến nói.

Tương tự, quận 5 và quận Bình Tân cũng thực hiện các biện pháp giãn cách triệt để thay vì giãn dân do đặc thù, điều kiện của quận mình. 

"Quận xử lý tùy theo từng trường hợp cụ thể, ví dụ trong dãy nhà trọ có ít người nhiễm thì F0 có thể được đưa đi cách ly, trường hợp nhiễm hết thì mình cho cách ly tại chỗ. Ngoài việc dán bảng cách ly tại những hộ có người cách ly tại nhà, các tổ COVID cộng đồng phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát" - ông Nguyễn Minh Nhựt, chủ tịch UBND quận Bình Tân, chia sẻ.

Đảm bảo khoảng cách và xét nghiệm tầm soát ít nhất 2 tuần

bs do cao van anh

BS Đỗ Cao Vân Anh

Ở góc độ dịch tễ, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM) - cho rằng việc đưa F0 hoặc người chưa nhiễm ra khỏi khu vực có nguy cơ đều là các phương án tốt. Tùy vào tình hình dịch bệnh cũng như bối cảnh thực tế tại mỗi địa phương có thể linh động chọn một trong hai phương án này.

* Theo bà, việc chọn phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sẽ mang lại hiệu quả ra sao?

- Chúng ta có thể lấy Bình Thạnh làm ví dụ. Quận này là một trong các khu vực "vùng đỏ" về dịch COVID-19 của TP.HCM, đặc biệt ở các phường 21, 25, 27… Các phường này lại có mật độ dân cư đông, nhà ở cũng chật chội, chưa đảm bảo diện tích tối thiểu/người theo quy định... nên việc dời dân ra một vùng "sạch" hơn, thoáng hơn là giải pháp khá hợp lý, góp phần làm giảm tỉ lệ lây lan dịch trong cộng đồng.

Việc dời 2.000 dân không hề đơn giản, mất khá nhiều công sức và những gì quận Bình Thạnh đang làm cho thấy đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ địa phương và từ lãnh đạo TP.

* TP.HCM hiện có khá nhiều quận huyện đang nằm trong "vùng đỏ", mật độ dân khá đông, có nên áp dụng phương án di dời, thưa bà?

- Thực tế không phải quận huyện nào cũng có đủ diện tích nhà ở sẵn có để di dời người dân ra ngoài, do đó vẫn phải chọn phương án phong tỏa, cách ly phòng dịch tại chỗ. Điều lo ngại là khi ở trong hẻm sâu, đông dân cư, có lúc người dân vẫn giao lưu nói chuyện giữa các nhà với nhau; sinh hoạt không đảm bảo khoảng cách quy định, thậm chí đôi lúc còn không mang khẩu trang.

Bởi vậy tại những nơi không thể di dời, bắt buộc địa phương cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu để tuyệt đối không vi phạm hướng dẫn 5K; tuân thủ nhà nào ở yên nhà đó, không được tiếp xúc. Trường hợp xuất hiện F0 trong điều kiện diện tích nhà ở không đảm bảo, lúc ấy vẫn buộc phải đưa ngay F0 ra ngoài cách ly.

* Nếu phải di dời nhiều người như vậy, cần lưu ý điều gì?

- Trên lý thuyết di dời người chưa nhiễm đơn giản hơn việc đưa F0 đi cách ly. Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những người có khả năng nhiễm nhưng chưa được phát hiện. Do đó, trong quá trình dời dân hay lúc sắp xếp phòng ốc cần tuân thủ quy định về giãn cách, phải giám sát bằng việc xét nghiệm tầm soát 3 ngày/lần nhằm nhận diện sớm F0, đưa đi cách ly kịp thời. Việc xét nghiệm tầm soát này cũng cần phải duy trì trong ít nhất 2 tuần để đảm bảo nguyên nhóm người di dời hoàn toàn "sạch" COVID-19.

Sau Bình Thạnh, quận 7 cũng sẽ dời dân

Sau quận Bình Thạnh, quận 7 cũng đang thực hiện kế hoạch giãn 2.000 dân. Ông Võ Khắc Thái - bí thư Quận ủy quận 7 - cho biết quận đã tổ chức vận động, đưa người dân thuộc nhóm đối tượng từ 65 tuổi trở lên, người bệnh béo phì, không mắc COVID-19 đang sinh sống tại các khu nhà trọ, nhà lụp xụp, nhà trên, ven kênh rạch và nhà trong các hẻm sâu dưới 2m tại địa bàn quận để tạm thời vào lưu trú tại các điểm do quận chuẩn bị hoặc tại các nhà trọ, khách sạn do các phường vận động.

Các hộ gia đình có thể liên hệ UBND các phường để đăng ký chuyển đến nơi ở tạm thời. Kế hoạch này được thực hiện đến ngày 15-9.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - trưởng Ban dân vận Quận ủy Bình Thạnh - cho biết tính đến sáng 30-8 đã có tổng cộng 862 người đến 2 điểm ở tạm do quận bố trí, những người này đã được tiêm vắc xin. Hiện quận Bình Thạnh đã bổ sung thêm kênh đăng ký online và tiếp tục vận động người dân (không mắc COVID-19) không phân biệt thường trú, tạm trú hiện đang cư ngụ trong các khu nhà trọ chật hẹp, khu vực đỏ có các ca bệnh F0 đi lánh dịch.

Bình Dương đưa bớt F0 ra khỏi "vùng đỏ"

Hiện các cơ sở điều trị dã chiến cho bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương đang đứng trước tình trạng hết chỗ nên số F0 đang cách ly tại nhà đã tới trên 10.200 người. Vậy việc đưa bớt F0 ra khỏi "vùng đỏ" sẽ được thực hiện thế nào?

Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh - cho biết một mặt, tỉnh sẽ mở rộng các khu điều trị dã chiến cho bệnh nhân F0, mặt khác sẽ phải mở thêm các khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính đang chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Ban chỉ đạo tỉnh đã quyết định các huyện, thị xã phía bắc của tỉnh chuẩn bị các khu cách ly tại trường học, nhà máy để ít nhất 50% số người test nhanh dương tính tại Thuận An, Tân Uyên sẽ được chuyển đến. Đồng thời, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các khu cách ly tạm cũng được UBND tỉnh tổ chức như bệnh viện dã chiến và coi người test nhanh dương tính là bệnh nhân COVID-19 để điều trị ngay, không cần chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Đến nay toàn tỉnh đã có 167 cơ sở cách ly tập trung, với gần 41.000 người, trong đó hầu hết là F0 không triệu chứng và người test nhanh dương tính chờ xét nghiệm khẳng định.

BÁ SƠN

Bắc Giang từng giãn 8.000 dân ở một thôn

bac giang

Cơ quan chức năng di dời công nhân khỏi "điểm nóng" Núi Hiểu (xã Quang Châu) tới các khu cách ly tập trung - Ảnh: X.THẮNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-8, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết trong đợt dịch bùng phát tại Bắc Giang hồi tháng 5 vừa qua, địa phương đã di chuyển người dân ở "ổ dịch" là thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) tới các khu cách ly tập trung để tránh lây nhiễm chéo.

Theo ông Sơn, tại thôn Núi Hiểu có những nhà trọ 200 - 300 người. Cả thôn có 9.000 người thì 8.000 là công nhân làm tại khu công nghiệp, phần lớn là công nhân Công ty Hosiden (ổ dịch lớn nhất tại Bắc Giang).

Trước khi di chuyển người dân, tỉnh tổ chức xét nghiệm phân loại thành 3 nhóm: nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình và nguy cơ cao. Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ thấp có thể bố trí 4-5 người/phòng, những người thuộc nhóm nguy cơ cao chỉ được bố trí 1-2 người/phòng, những người ở các phòng đã có ca F0 và người đã tiếp xúc với F0 phải lập tức đưa cách ly riêng 1 người/phòng để tránh nguy cơ lây chéo. Công nhân cùng phòng trọ, khu trọ, nhà máy được sắp xếp ở cùng khu cách ly.

"Chúng tôi chia 8.000 người thành 3 đợt di chuyển trong vòng 10 ngày. Các công nhân đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính, có trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm tới 5 lần. Việc di chuyển cũng phải đáp ứng các yêu cầu về phòng dịch. Lực lượng công an bố trí cán bộ trực bảo đảm an ninh trật tự và xe dẫn đoàn. Người dân mặc quần áo bảo hộ, xếp hàng giãn cách để lên xe về điểm cách ly theo danh sách. Lái xe phải mặc đồ bảo hộ…" - ông Sơn chia sẻ thêm.

Sau khi di chuyển người dân ra các khu cách ly tập trung, tỉnh tổ chức phun khử khuẩn, làm sạch môi trường và ổ dịch ở thôn Núi Hiểu đã được dập triệt để sau 10 ngày. Sau đó, tỉnh đã cho công nhân quay trở lại theo mô hình nhà trọ an toàn, xóm trọ an toàn. Mỗi nhà trọ chỉ cho công nhân của một công ty ở, nếu không may có ca F0 thì kiểm soát dễ dàng hơn.

CHÍ TUỆ

Bình Thạnh Bình Thạnh 'di tản' 2.000 người ở khu trọ lụp xụp đến chung cư tránh dịch

TTO - Người dân ở những khu trọ lụp xụp tại vùng nguy cơ cao và âm tính với COVID-19 được đưa đến ở tạm tại nhà nghỉ, chung cư nhằm hạn chế lây nhiễm. Ngoài chỗ ở, mỗi người sẽ được hỗ trợ thức ăn, tiền mặt và tiêm vắc xin.

ĐAN THUẦN - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên