Bìa sách Sinh thành từ khát vọng tự do và bài báo của nhà báo Huỳnh Sơn Phước trên đặc san báo Tuổi Trẻ nhân 45 năm ngày thành lập - Ảnh: P.VŨ
Những giá trị mà suốt hơn 30 năm nắm giữ vai trò phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nhà báo Huỳnh Sơn Phước luôn luôn nhắc nhở các phóng viên: "Tuổi Trẻ, một tờ báo mà theo tôi, khát vọng tự do, độc lập của dân tộc, của đất nước đã thấm vào máu ngay khi còn thai nghén, chưa nên vóc dáng hình hài"; "Chỉ khi độc lập về tài chánh thì khi đó mới tự do, mới viết được những điều người chi trả tờ báo đòi hỏi: trung thành với người đọc, với lẽ phải, với sự phát triển tương lai xã hội, đất nước"; "Sống nhờ sự chi trả của người đọc, tờ báo phải đọc trong mắt người đọc xem họ cần gì, chờ đợi, hi vọng gì… Khi đó người đọc mới chi trả cho anh".
Và hôm nay, nhà báo Huỳnh Sơn Phước thổ lộ một phần công việc và cả những tâm tư người chủ bút với bạn đọc: "Mạch thông tin phản hồi từ người đọc được cả một bộ máy tiếp nhận. Mỗi ngày trên bàn ban biên tập có hai bản tin sáng, chiều phản ánh ý kiến của bạn đọc.
Người đọc viết tiếp những bài báo, làm tiếp những trang báo dang dở, góp ý điều chỉnh chủ trương biên tập. Người đọc tin cậy cộng tác với Tuổi Trẻ có phần do ngày càng rõ vai trò quan trọng của họ thể hiện trên trang báo. Một mặt khác, tôi còn nhận ra ở sự hỗ trợ của người đọc cả lòng xót thương đối với một tờ báo vốn có số phận gian truân với nhiều thử thách".
Nhà báo Huỳnh Sơn Phước
Tờ báo phải đọc trong mắt người đọc xem họ cần gì, chờ đợi, hi vọng gì… Khi đó người đọc mới chi trả cho anh.
Nhà báo Huỳnh Sơn Phước
Và cũng vì vậy mà những độc giả thân thiết của Tuổi Trẻ, thân thiết tới mức có thể đọc được cả những khoảng trắng của dòng chữ, tờ báo hẳn sẽ tiếc nuối khi sách dường như quá ngắn gọn, tiết chế.
Tác giả chỉ mới hé lộ những việc chẳng ai nghĩ rằng các phóng viên, biên tập đã tự tay làm từ những năm đầu tiên để mở ra con đường tự chủ tài chính, vươn tới ước mơ tự do. Tác giả cũng mới chỉ nhắc lại những nốt trầm của Tuổi Trẻ trong thử thách khi người này phải ra đi, người kia gặp tai nạn nghề nghiệp.
Và giữa "những tiếng còi ngập ngừng đóng mở", tác giả chỉ ra ai là người đã bước lên trang báo, giúp Tuổi Trẻ lựa chọn tìm lối đi đến ngày mai tiến bộ, phát triển... Những điều người đọc muốn biết, cần biết về 45 năm vừa thử thách gian truân vừa hứng khởi phơi phới Đỏ - Trẻ - Sài Gòn của Tuổi Trẻ vẫn còn nhiều lắm.
Dẫu viết chưa hết ý, nói chưa hết lời, nhưng độc giả cũng lại được nhà báo Huỳnh Sơn Phước rộng rãi chia sẻ những dòng tâm sự với đồng nghiệp, với chính mình và với nghiệp làm báo mà ông say mê cả cuộc đời.
Và với danh tiếng "người truyền cảm hứng" bền bỉ cho những phóng viên Tuổi Trẻ suốt bao năm, khép lại cuốn sách với niềm tin rằng những giá trị báo chí sẽ không thể mai một trước sự phát triển mạng xã hội, bạn đọc lại sẽ tiếp tục chờ đợi những câu chuyện báo chí của Tuổi Trẻ, cũ mà vẫn mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận