26/09/2013 18:25 GMT+7

Đọc chép thành chiếu... chép, bình mới rượu cũ?

Phan Hưng Duy (duyphanhung@...)
Phan Hưng Duy (duyphanhung@...)

TTO - Bạn đọc Tuổi Trẻ Online tiếp tục chia sẻ ý kiến về đề tài nên ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác giáo dục như thế nào? Các ý kiến e ngại việc sử dụng không đúng cách sẽ dẫn đến sự hình thức, lãng phí và không hiệu quả như mong muốn.

IXbgU4J8.jpgPhóng to
Một phòng học nhỏ được trang bị những thiết bị hiện đại, đồng thời vẫn duy trì hình thức bảng viết ở ĐH KHXH &NV TP.HCM - Ảnh: A.C

Dạy học với công nghệ hiện đại: lợi hay hại?Bảng phấn là công cụ không thể thiếuThiết bị công nghệ ồ ạt vào trường

Tuổi Trẻ Online xin trích đăng:

* Việc áp dụng công nghệ dạy học tại VN chúng ta có 2 cái dở:

1. Áp dụng công nghệ không đồng đều - không hợp lí, gây khoảng cách giàu nghèo ngay trong học đường. Có những ngôi trường không có lấy 1 máy vi tính. Học sinh đi học với bụng đói meo, mặt tái xanh vì lạnh. Trong khi có những ngôi trường mà kinh phí cho mỗi lớp học 3D là 400 triệu đồng!

2. Công nghệ hiện đại nhưng tư duy vẫn cũ. Em đang là học sinh lớp 12 tại một trường chuyên ở An Giang. Trong tiết học, đa phần thầy cô dùng máy chiếu để hiện chữ cho chúng em... chép. Nạn đọc - chép trong giáo dục, bằng công nghệ, đã biến tướng thành nạn chiếu - chép. Rõ ràng khi tư duy giáo dục chưa đổi mới thì đổi mới công nghệ chỉ là bình mới - rượu cũ mà thôi.

* 1. Ở đa số các trường đại học hiện nay, việc dạy học bằng phương pháp trình chiếu power point trở nên phổ biến hơn hết. Nhờ ứng dụng khoa học kĩ thuật vào giảng dạy nên sinh viên đã chuyển từ hình thức thầy đọc - trò chép thành thầy bấm - trò chép.

Tệ hơn nữa, thầy cô thường bảo sẽ gửi file cho các em nên không cần ghi nữa. Hậu quả là sinh viên đến lớp chỉ ngồi nghe hoặc... ngủ vì đinh ninh rằng có tài liệu thầy gửi.

2. Phòng học (giảng đường) với diện tích lớn, rất sáng do nhiều cửa sổ, một phòng học lớn chứa đến gần một trăm sinh viên, cách giảng dạy bấm - chiếu này thực sự không hiệu quả. Lượng sinh viên đông nên dễ gây mất tập trung, các sinh viên ngồi xa sẽ không thấy được bài giảng. Hơn nữa, nhiều máy chiếu đã xuống cấp, không thể thấy rõ chữ và hình ảnh, màn phóng thì quá nhỏ so với giảng đường lớn.

3. Dạy bằng phương pháp trình chiếu vẫn có những ưu điểm riêng của nó như tiện lợi trong công việc soạn bài vở cho giảng viên, là tài liệu cho sinh viên. Nhưng kèm theo đó là việc đánh mất đi sự sáng tạo trong phương pháp dạy học. Giảng viên tập trung vào slide bài giảng, có bao nhiêu chữ đều cho lên hết trong slide, thậm chí có một số người chỉ nhìn vào slide và đọc lai nội dung cho sinh viên mà không giảng.

* Học kiểu mới nhưng thi kiểu cũ

Với góc độ một người học, mình cảm thấy đưa quá nhiều công nghệ, đổi mới vào việc dạy, nhưng cuối cùng việc đánh giá vẫn giữ nguyên - vẫn học thi theo kiểu học thuộc trả bài... thì quả là một sự lãng phí và tăng áp lực cho HS/SV.

Thời học phổ thông, thỉnh thoảng cũng được học vài tiết "dự giờ" các môn như lịch sử, sinh học...được lên cái "phòng máy" duy nhất của trường.

Tụi mình rất thích mấy dịp này, vì thực chất là dịp để "đổi gió", ngồi chơi... Giáo viên bận chuẩn bị các thứ nên không dò bài cũ.

Nội dung tiết học đó cũng chả đọng lại bao lâu cho dù sinh động cách mấy, vì cuối cùng, kiểm tra-thi cuối kỳ cũng dựa trên mớ chữ nghĩa trong sách/đề cương.

Đọc-chép hay chiếu-chép cũng như nhau thôi, vì lúc nào thi cũng chỉ bao gồm chép!

* Tất cả những trang thiết bị hiện đại đó chỉ là phương tiện dạy học. Điều quan trọng là người GV sử dụng phương tiện đó trong bài giảng sao cho hiệu quả chứ đừng lạm dụng nó.

Tôi nghĩ các công cụ trên hỗ trợ cho phần nhìn, phần trực giác, giúp GV truyền tải bài học dễ hơn, cụ thể và chân thực hơn, giúp HS khắc sâu kiến thức qua việc tác động trực tiếp vào các giác quan.

Thí dụ: khi giảng dạy về cấu tạo nguyên tử, electron, công thức phân tử hợp chất hóa học, cấu trúc phân tử, sự hình thành và phá vỡ liên kết hóa học, các thí nghiệm nguy hiểm hoặc không có hóa chất thực hiện .... nếu có sự hỗ trợ của CNTT thì hiệu quả bài học sẽ tăng lên rõ rệt so với việc dạy “chay”, chỉ có bảng và SGK.

Xã hội ngày càng phát triển, ứng dụng CNTT vào dạy học là điều quan trọng nhưng hãy chỉ xem đó như 1 phương tiện hỗ trợ chứ đừng để nó thay thế vị trí của người giáo viên trên bục giảng.

* Việc áp dụng công nghệ trong trường học sẽ làm cho bài giảng thêm phần sáng tạo (không hề làm mất đi tính nghệ sĩ của người giáo viên), và bắt buộc giáo viên cũng phải có sự chuẩn bị kỹ càng, nâng cao trình độ và khả năng sử dụng công nghệ (chứ không phải lấy bài giảng có sẵn trên mạng sử dụng là được).

Hơn nữa, những slide trình chiếu sẽ giúp giáo viên tiết kiệm rất nhiều thời gian viết bài lên bảng, học viên có thêm thời gian thực hành, kể cả những môn Văn, Sử hay Giáo dục công dân.

Tại sao giáo viên không làm những game nhỏ liên quan tới văn chương để giúp học viên thêm hào hứng, chiếu một video clip về những vấn đề xã hội cho học viên thảo luận trong giờ Giáo dục công dân, hay một đoạn phim tài liệu về lịch sử cho học sinh có cái nhìn thực tế thay vì đọc chép và học thuộc lòng như hiện nay?

Vấn đề nào cũng có hai mặt. tuy nhiên, nếu mặt lợi to hơn thì thiết nghĩ chúng ta phải tìm cách phát huy.

* Là một giáo viên dạy Văn, tôi thấy dạy Văn bằng công nghệ thông tin sẽ kém hiệu quả hơn là bảng đen-phấn trắng. Khi được học một giờ Văn bằng giáo án điện tử những học sinh không biết vi tính, mù tịt về việc lên mạng rất thích thú và ngạc nhiên. Các em thấy thầy cô mình sao mà hay quá: tạo được những dòng chữ đủ màu sắc, kiểu dáng chạy nhảy trong màn ảnh.

Nhưng đối với những học sinh thạo vi tính, thường xuyên lướt “nét” thì chuyện đó không có gì là lạ. Thậm chí có em còn biết được có giáo viên “copy” giáo án điện tử từ mạng về, “thêm mắm dặm muối”, “mông má” chút đỉnh để biến giáo án của người thành của mình.

Học một giờ Văn bằng giáo án điện tử, học sinh rất thích thú vì những hình ảnh tư liệu. Nhưng khi kết thúc tiết học thì hầu như các em quên hết lời giảng của thầy cô. Bởi vì trong những giờ học ấy, thời gian để người dạy “giảng” và “bình” văn bị thu hẹp lại khi phải dành thời gian để trình chiếu, thảo luận.

Không hiếm giáo viên dạy Văn chỉ sử dụng một phương pháp duy nhất là thuyết giảng. Thế nhưng qua lời giảng ấy -những áng văn thơ- đã đi theo người học suốt cả cuộc đời. Thử hỏi ngày nay bao nhiêu lời giảng Văn qua những tiết dạy bằng giáo án điện tử còn đọng lại trong tâm trí học sinh?

Phan Hưng Duy (duyphanhung@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên