Phóng to |
Một tiết học của thầy trò Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM với phòng học 3D. Một phòng học như thế này có tổng chi phí khoảng 400 triệu đồng - Ảnh tư liệu |
Bảng phấn là công cụ không thể thiếuThiết bị công nghệ ồ ạt vào trường
Những ý kiến xoay quanh các vấn đề như: liệu các thiết bị hiện đại này có phù hợp trong tình hình hiện nay, có dẫn đến sự lạm dụng máy móc... thậm chí liệu có phải chỉ là một phong trào hình thức chứ không đi vào thực chất?
TTO xin trích đăng:
* Liệu đã thực sự cần thiết?
- Tôi xin phản biện chuyện dạy học với công nghệ hiện đại đang được áp dụng ở một số trường, vì các câu hỏi sau:
1. Với lớp học có sĩ số đông như hiện nay (chừng 40 học sinh), một màn hình phải lớn cỡ nào mới đủ? Chỗ ngồi nào mới phù hợp cho việc xem một màn hình tivi 32 inch? Ở nhà xem tivi, đến lớp cũng xem tivi, liệu đó có là khả năng dẫn tới một thế hệ "4 mắt"?
2. Có phải tất cả các môn đều cần đến những công nghệ hiện đại hay chỉ một số môn đặc thù? Ví dụ một phòng vi tính để các em thực tập, một phòng nghe - nhìn để các em học ngoại ngữ, một phòng thí nghiệm để các em tập điều chế các công thức hóa học...? Và nếu thế thiết bị công nghệ ồ ạt vào trường, thiết nghĩ nên là các phòng học chuyên biệt, phục vụ cho từng môn học đặc thù, sẽ có ý nghĩa hơn so với việc phòng học nào cũng phải tivi, màn hình LED, màn hình LCD như hiện nay.
Đằng sau "Thiết bị công nghệ ồ ạt vào trường" ai là người có lợi nhất và ai bị thiệt? Câu trả lời dành cho Ban Giám hiệu trường và nhà cung cấp thiết bị điện tử. Vì họ là người hiểu rõ hơn ai. |
3. Liệu có thành một phong trào lãng phí, hình thức? Hay lại một trường hợp tiêu cực kiểu mới tương tự vấn nạn đồng phục, khi việc mua sắm này có thể đi kèm với những khoản hoa hồng, lót tay...?
4. Liệu các thầy cô giáo có theo kịp với công nghệ, có ứng dụng tối đa hiệu quả của công nghệ hay sẽ để máy móc bị bụi thời gian phủ lên?
- Các lợi ích của bảng phấn là điều không thể chối cãi, tuy nhiên ở Việt Nam còn một nhược điểm khó khắc phục là bụi phấn. Một số giáo viên đã bị dị ứng gây tưởng lầm là đau mắt đỏ do bụi phấn. Đồng thời chất lượng phấn kém gây ra bệnh về phổi.
Chỉ cần đầu tư khoảng 3,5 triệu là ta có thể trang bị cho lớp học một bảng kính viết bằng bút lông bảng. Rất tiết kiệm mà các ưu điểm của bảng phấn vẫn còn nguyên.
Việc trang bị TV LCD cỡ 32 đến 40 inch cho lớp học cỡ 40 em là phí phạm và làm hại mắt học trò. Các thầy cô và phụ huynh cứ thử coi TV ở khoảng cách 10 - 12m trong 45 phút thử xem.
* Những cái hại của lạm dụng công nghệ hiện đại
Trong dạy học, sử dụng công nghệ thông tin đúng cách thì lợi ích, hiệu quả tích cực là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá, đến mức “phấn bảng ra rìa” như phản ánh trên báo Tuổi Trẻ thì sẽ phản tác dụng, lợi bất cập hại là điều không tránh khỏi. Khi đó sẽ nổi lên những cái hại sau đây:
Thứ nhất là sự lãng phí tiền bạc. Khi công nghệ thông tin mới được đưa vào trong dạy học, không ít người đã nhầm tưởng đổi mới phương pháp dạy học là phải sử dụng giáo án điện tử, từ đó dấy lên phong trào mua máy móc, thiết bị để hoàn thành chỉ tiêu “trăm phần trăm” phòng học hiện đại bằng cách vận động phụ huynh đóng góp tiền bạc.
Và khi đã có máy móc hiện đại thì chỉ sử dụng được một thời gian rồi “trùm mền” hàng loạt vì nhiều lý do như mất thời gian khởi động máy, dạy bằng giáo án điện tử phải đầu tư công phu mất nhiều thời gian, giáo viên lười tiếp cận với công nghệ, máy hư không có tiền sửa…. Tình trạng đó gây nên sự lãng phí tiền bạc, trong khi phụ huynh bị ám ảnh nặng nề với các khoản vận động đóng góp “tự nguyện”.
Thứ hai, việc lạm dụng công nghệ thông tin sẽ dẫn đến tình trạng chuyển từ “đọc chép” sang “nhìn chép”. Đây là phương pháp dạy học nhồi nhét, làm thui chột khả năng tư duy sáng tạo của người học.
Thứ ba, “khi phấn bảng ra rìa”, giáo viên sẽ trở thành những “thợ dạy”, và mất đi vai trò của người thầy - người khơi gợi, dẫn dắt học sinh đi tìm chân lý. Sự tương tác “thầy - trò” không còn, khi đó “thợ dạy” sẽ chỉ làm ra những sản phẩm như máy móc: khô khan, cứng nhắc và không tình cảm; trong khi “người thầy” sẽ đạo tạo ra những con người thông minh và giàu tình cảm.
Những ai quan tâm đến giáo dục còn có thể kể ra nhiều cái hại khác nữa. Và hệ quả của những cái hại nói trên là chất lượng giáo dục không được nâng lên, thậm chí còn đi xuống. Thiết nghĩ, công nghệ thông tin nên sử dụng với tư cách là công cụ hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục chứ không nên lạm dụng coi đó như “chiếc đũa thần” rồi cho “phấn bảng ra rìa” thì sẽ khó tránh khỏi sự phản tác dụng!
* Tính nghệ sỹ trên bục giảng
- Công nghệ hiện đại chỉ là phương tiện giúp người đứng lớp chuyển tải những thông tin mà phấn trắng bảng đen không thể hổ trợ được. Phấn trắng bảng đen không chỉ là công cụ dạy học mà còn là nơi gửi gắm cái hồn của người đứng lớp vào đó. Nhìn thầy cô giáo nắn nót kẻ bảng,trình bày bảng đẹp, khoa học; học sinh không thể không noi theo.
Thiếu phấn trắng bảng đen, chắc chắn rằng người thầy sẽ mất tính nghệ sỹ trên bục giảng
* Công nghệ hiện đại là xu hướng tất yếu
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào giáo dục nói riêng và đời sống nói chung là điều đương nhiên.
Bảng đen phấn trắng làm sao có thể chuyển tải được một đoạn phim hấp dẫn cho một tiết sinh vật học (giới thiệu một loài thú nào đó chẳng hạn).
Bảng đen phấn trắng có giúp học sinh xem được những clip cảm động về tình cha, con trên youtube?
Với công nghệ hiện đại, việc kết nối ngay với internet giúp cho bài giảng của người dạy sinh động hơn, cập nhật hơn... ngay cả khi trong lớp học.
* Hướng đến một môi trường học tập hiện đại
Chúng ta sẽ luyến tiếc (bằng cảm xúc) khi thấy một cây cầu bê tông theo cho một cây cầu khỉ, nhưng phải thừa nhận việc đi lại sẽ an toàn hơn, thuận tiện hơn kể từ khi có cầu bê tông.
Tương tự chúng ta hoài nhớ bảng đen với câu hát "bụi phấn bay trên tóc thầy", nhưng chúng ta phải đồng ý bảng viết bút lông giúp cho người thầy không bị bụi phấn làm viêm phổi. Theo thời gian, những công nghệ hiện đại ra đời không gì khác hơn là giúp cho mọi việc thuận tiện hơn, tốt đẹp hơn.
Một lớp học tương tác với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại, thiết nghĩ đó là môi trường đáng để mơ ước cho bất cứ ai.
Quan điểm của bạn trong vấn đề này: Nên sử dụng công nghệ hiện đại trong việc giảng dạy ở mức độ nào? Đặc biệt, nếu bạn là giáo viên, học sinh đang sử dụng các công nghệ giáo dục, bạn trải nghiệm điều gì (lợi ích, hạn chế) của các sản phẩm này. Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn, hoặc bằng phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới bài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận