Phóng to |
Một tiết học của thầy trò Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM với phòng học 3D. Một phòng học như thế này có tổng chi phí khoảng 400 triệu đồng - Ảnh: Như Hùng |
Hiện nay nhiều trường phổ thông đã tiến hành họp phụ huynh đầu năm học. Và câu chuyện được bàn tán nhiều nhất sau mỗi buổi họp phụ huynh chính là công trình mua sắm các thiết bị dạy học trong lớp, trong đó mỗi phụ huynh phải đóng góp từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.
Mặc dù các khoản đóng góp này về lý thuyết là tự nguyện, nhưng để đồng bộ các phòng học trong một trường và công bằng giữa các phụ huynh trong một lớp, phương án được sử dụng nhiều nhất là tính tổng kinh phí và... chia đều cho số phụ huynh.
Máy chiếu, LCD hay bảng tương tác?
Một phụ huynh Trường THPT Tân Bình, quận Tân Phú, TP.HCM cho biết đầu năm học này anh được ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo đóng 300.000 đồng để lắp đặt máy chiếu trong phòng học của con.
Anh nói: “Tôi thấy máy chiếu đã lỗi thời vì thiết bị cồng kềnh, hiện con út tôi học cấp II cũng đóng tiền nhưng để mua màn hình tivi 52 inch với công nghệ hiện đại hơn. Liệu đóng tiền lắp máy chiếu có sử dụng lâu dài được không, hay chỉ dùng một thời gian lại chuyển sang LCD để theo kịp công nghệ?”.
Trong khi đó, nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố lại phát động phụ huynh đóng góp mua sắm màn hình LCD kết nối máy tính để dạy học vì cho rằng máy chiếu quá cồng kềnh. Có lớp học đã trang bị một màn hình tivi rồi, nay phụ huynh lại được vận động sắm cái thứ hai.
Anh Sang, phụ huynh có con học Trường tiểu học Bàn Cờ, quận 3, thắc mắc: “Trường con tôi mới được xây dựng, mỗi lớp đã được trang bị một màn hình LCD 32 inch rồi, không hiểu sao ban đại diện cha mẹ học sinh lại thống nhất sắm thêm một màn hình nữa. Công trình năm nay của lớp con tôi là hai máy lạnh trị giá khoảng 35 triệu đồng và một LCD trị giá 8 triệu đồng. Lớp có trên 40 học sinh, bổ đầu mỗi chúng tôi phải đóng hơn 1 triệu đồng. Đã chia đều thì làm sao từ chối không đóng dù nhiều người không đồng tình việc mua sắm kiểu “đại gia” này”.
Còn chị V., phụ huynh một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận, cho biết: “Tôi vừa được các vị trong ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo lớp con tôi dự kiến đầu tư mua một bảng điện tử trị giá gần 30 triệu đồng. Những năm trước tôi đã đóng các khoản tiền mua màn hình LCD, nhưng nghe nói hiện nay bảng điện tử này hiện đại hơn rất nhiều nên mua để thay thế LCD. Nếu hiện đại, giá cao sao cả trường không sắm một hai cái rồi dùng chung vào những môn học cần sử dụng, mà phải trang bị từng lớp quá lãng phí như vậy?”.
Bất đồng
Không phải trường nào cũng có điều kiện mua các loại màn hình lớn và sắm cho giáo viên máy tính riêng. Loại được nhiều trường tiểu học sử dụng nhất vẫn là tivi 32 inch.
Chị Ngọc Thư, một phụ huynh ở Tân Bình, băn khoăn: “Lớp con tôi phát động mua và sử dụng tivi 32 inch. Theo tôi biết, loại tivi này chỉ sử dụng trong gia đình là chính nên hầu như lọt thỏm khi được đưa vào lớp học. Nếu gắn ngay giữa bảng thì che mất phần bảng nên người ta gắn bên trên bảng, như vậy lại quá cao so với tầm nhìn của học sinh”.
Công trình của phụ huynh ở hầu hết trường tiểu học tại quận 1 vài năm trở lại đây đều là trang bị các phòng học với màn hình LCD 32-52 inch.
Một phụ huynh có con học lớp 3 một trường tiểu học tại quận 1 cho hay: “Từ năm lớp 1, chúng tôi đã đóng 500.000 đồng/người để trang bị máy tính và màn hình LCD phục vụ việc dạy học. Dàn thiết bị này sẽ theo các cháu suốt năm năm tiểu học. Ở các lớp khác, tùy điều kiện phụ huynh có thể đóng nhiều tiền hơn để sắm thiết bị hiện đại hơn, có lớp còn chuyển sang sử dụng tivi màn hình led có giá cao hơn”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đại, hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình, cho biết: “Đây là công trình do ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện. Việc lắp đặt máy chiếu cho toàn bộ 32 phòng học để giáo viên thực hiện giảng dạy bằng giáo án điện tử. Nếu sử dụng LCD có giá tương đương thì màn hình nhỏ quá, vị trí ngồi của học sinh cũng khó nhìn vì lóa mắt, dễ gây cận thị, trong khi màn hình máy chiếu là 100 inch học sinh xem tốt hơn”. Ông cho biết đây là công trình thực hiện trong hai năm. Năm học 2012-2013 có hơn 90% học sinh đóng góp (300.000 đồng/học sinh, không thu của các học sinh khó khăn) đã trang bị được 16/32 phòng. Năm học này ban đại diện cha mẹ học sinh tiếp tục vận động để trang bị cho các phòng học còn lại.
Còn ở Trường tiểu học Bàn Cờ, ông Đặng Hương, hiệu trưởng nhà trường, phân tích: “Đúng là trường có 36 phòng học, mỗi phòng đều được trang bị một màn hình LCD 32 inch sau khi trường xây mới, nhưng màn hình này đặt ở góc tường phía trên, bên trái bảng. Như vậy những học sinh ngồi góc bên phải sẽ bị bóng, không nhìn rõ. Vì vậy phụ huynh các lớp đã vận động lớp nào đủ điều kiện thì mua thêm màn hình để gắn phía bên kia, tùy từng lớp chứ không bắt buộc. Nhiều phụ huynh một số lớp đã đứng ra hỗ trợ luôn một chiếc tivi và lớp đó không cần đóng góp nữa”. Cũng theo ông Hương, mỗi lớp có khoảng 40 học sinh, bàn cuối cùng cách bảng khoảng 6m, như vậy sử dụng màn hình 32 inch là phù hợp.
Đừng lạm dụng máy móc Khi sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đề nghị thầy cô lưu ý phải sử dụng một cách thông minh, nếu không sẽ biến tiết dạy thành ngôn ngữ kỹ thuật thì rất nguy hiểm. Mỗi tiết dạy phải đạt tính khoa học và hiệu quả vì dạy các em là truyền đạt kiến thức đến từng đối tượng học sinh chứ không phải đại trà cả lớp. Dạy học sinh không chỉ cần kiến thức mà còn cả kỹ năng của người thầy. Thái độ tương tác trong lớp học ở đây không phải là giữa máy và học sinh mà là giữa giáo viên và học sinh, nếu lạm dụng máy móc thì tiết học sẽ khô khan, không hiệu quả. Nếu công nghệ thông tin thay thế được thầy cô giáo thì đã thay thế từ lâu rồi và các lớp học sẽ không còn giáo viên đứng lớp. Ông Nguyễn Hoài Chương(phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) - H.Nhung ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận