04/04/2023 15:27 GMT+7

Doanh thu từ bảo hiểm của ngân hàng tăng 2,4 lần so với 3 năm trước

Bức tranh kinh doanh của các ngân hàng được hé lộ thông qua báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, vừa công bố. Nhiều ngân hàng thu về hàng ngàn tỉ đồng từ bán bảo hiểm.

Doanh thu từ bảo hiểm của ngân hàng tăng 2,4 lần so với 3 năm trước - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng thu lợi nhuận cao từ mảng bán bảo hiểm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của nhiều ngân hàng.

Với lợi thế vận hành hai công ty bảo hiểm gồm MIC và MB Ageas Life, những năm gần đây Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã chứng khoán MBB) trở thành gương mặt nổi trội, có bước nhảy vọt về doanh thu bảo hiểm.

Chỉ riêng năm 2022 vừa qua, MBBank gặt hái hơn 10.180 tỉ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 72% tổng doanh thu mảng dịch vụ, cao vượt trội so với hoạt động thanh toán, ngân quỹ, tư vấn, xử lý nợ, thẩm định giá và khai thác tài sản... 

Như vậy doanh thu từ bảo hiểm của ngân hàng này trong năm vừa qua cao gấp 2,4 lần so với ba năm trước (năm 2019, hơn 4.200 tỉ đồng).

Ở Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB), năm qua cũng mang về được hơn 3.350 tỉ đồng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng 42% so với năm liền trước, chiếm 32% cơ cấu thu nhập của mảng dịch vụ.

Cách đây hơn nửa năm, VPBank và bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ hợp tác. Vào đầu năm ngoái, hai bên cũng thông báo gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn từ 15 năm theo dự định ban đầu, lên thành 19 năm.

Sau bốn năm hợp tác phi độc quyền, gần cuối năm 2017, Manulife Việt Nam và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB) thông báo đã chính thức ký kết thỏa thuận 15 năm hợp tác độc quyền liên kết dịch vụ bảo hiểm - ngân hàng. Từ hợp tác này, phía ngân hàng cũng được hưởng lợi.

Tính chung cả năm 2022, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt hơn 1.750 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm trước khi ký kết độc quyền với Manulife, vào năm 2016, Techcombank chỉ thu về hơn 330 tỉ đồng dịch vụ hoa hồng bảo hiểm.

Cũng nằm trong top thu nhập ngàn tỉ từ bảo hiểm, trải qua năm 2022 đầy biến động, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã VIB) ghi nhận hơn 1.300 tỉ đồng thu nhập hoa hồng bảo hiểm, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn bảy năm trước, Prudential Việt Nam và VIB đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược 15 năm. Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Prudential sẽ được VIB phân phối độc quyền thông qua các kênh chi nhánh, kênh bán hàng trực tiếp, kênh bán hàng qua điện thoại và các kênh điện tử của ngân hàng.

Song song đó, nhiều ngân hàng khác như TPBank, VietinBank, Sacombank, BIDV... cũng mang về doanh thu từ bảo hiểm.

Tại báo cáo về ngành ngân hàng mới được phát hành, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết thời gian qua, nhiều ngân hàng đã chuyển từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỉ lệ hoa hồng cao hơn. 

Chứng khoán VNDirect cho biết năm 2023 nền kinh tế gặp khó khăn, người tiêu dùng bị ảnh hưởng thu nhập. Đồng thời, các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh thanh tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Do đó dự báo tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bán bảo hiểm chéo của ngành ngân hàng trong năm sẽ chậm lại đáng kể.

Phát hiện sai phạm khi thanh tra bốn doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàngPhát hiện sai phạm khi thanh tra bốn doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng

Bộ Tài chính phát hiện sai phạm khi thanh tra bốn doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng. Thông tin được đại diện Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của bộ này diễn ra chiều 30-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên