Đại sứ Daniel J. Kritenbrink (thứ hai từ trái sang) và ông Nguyễn Quốc Khánh (giữa) - giám đốc điều hành khối sản xuất Vinamilk - trao đổi về sản phẩm của Vinamilk khi tham quan nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An - Ành: H.Y
Thông tin này được ông Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc điều hành khối sản xuất Vinamilk, đề cập với ông Daniel J. Kritenbrink - Đại sứ Mỹ dẫn đoàn làm việc của Đại sứ quán Mỹ đến thăm Nhà máy sữa Vinamilk ở Nghệ An gần đây.
Theo ông Khánh, năm 2013, Vinamilk mua 70% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ). Sau thời gian tiếp quản và đầu tư thêm 10 triệu USD, Vinamilk đã chính thức nắm 100% quyền sở hữu tại nhà máy này.
Năm 2018, tổng doanh thu của Driftwood đạt hơn 116,2 triệu USD, tương ứng khoảng 2.674 tỉ đồng Việt Nam.
Không chỉ xuất khẩu sản phẩm sữa đặc, creamer đặc dưới thương hiệu Driftwood cho thị trường Mỹ, các sản phẩm sữa khác của Vinamilk cũng hiện có mặt ở 50 nước trên thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến 2 tỉ USD.
Chia sẻ với Đại sứ Mỹ Kritenbrink về câu chuyện "Giấc mơ sữa Việt" mà Vinamilk ấp ủ hàng chục năm qua, ông Khánh cho biết điều Vinamilk cảm thấy tự hào nhất là đã đưa Việt Nam từ một nước không có ngành sữa đến nay đã có thể xuất khẩu sản phẩm sữa đi 50 quốc gia trên thế giới.
"Chúng tôi đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu lọt top 30 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới", ông Khánh nhấn mạnh.
Theo ông Khánh, kỳ vọng của Vinamilk vươn tầm vóc ra toàn thế giới là có cơ sở.
Với hai siêu nhà máy sữa bột và sữa nước sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay, cùng hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, nhà máy sữa bột cho sản lượng 54.000 tấn sữa bột/năm, trong khi nhà máy sản xuất sữa nước có công suất 800 triệu lít sữa/năm.
Không chỉ xây dựng các nhà máy trong nước, Vinamilk còn đầu tư xây dựng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia (do Vinamilk sở hữu 100%), hay nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand) và một số công ty con tại Ba Lan.
Đồng thời, Vinamilk hiện có hệ thống 12 trang trại đang hoạt động, toàn bộ bò giống được nhập khẩu từ Úc, Mỹ, New Zealand.
Hệ thống trang trại Vinamilk trải dài khắp cả nước và là một trong những trang trại đầu tiên khu vực Đông Nam Á đạt chuẩn quốc tế thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global G.A.P.).
Tại buổi làm việc, Đại sứ Kritenbrink cũng cho biết năm 2018 là năm ghi nhận kỷ lục về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ sang Việt Nam, và Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu thế giới cho các mặt hàng thực phẩm và nông sản vào thị trường Mỹ.
Việc Vinamilk vừa nhập khẩu 1.600 con bò giống từ Mỹ cũng không nằm ngoài mục tiêu mở rộng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao xuất khẩu đi các nước của Mỹ, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực thức ăn gia súc và phát triển nguyên liệu nguồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận