Các hãng sản xuất chip đang tìm đến máy móc đời cũ vì nhu cầu tăng nhanh trong đại dịch - Ảnh: REUTERS
Theo tạp chí Nikkei Asia, động thái trên là giải pháp của phía doanh nghiệp Trung Quốc cho việc bị Washington giới hạn tiếp cận công nghệ Mỹ.
Diễn biến này đang đẩy giá trang thiết bị ở thị trường thứ cấp của Nhật Bản lên cao. Các công ty bán trang thiết bị đã qua sử dụng của Nhật Bản cho biết giá thành đã tăng khoảng 20% trong năm 2020.
Những máy sản xuất chip đời cũ không nằm trong lệnh cấm của Mỹ dành cho Trung Quốc và đã mở ra “lối thoát” mới cho các doanh nghiệp tại đây.
“Giá cả của các máy móc đã sử dụng đang tăng lên theo từng năm. Trong năm ngoái, giá của chúng đã tăng trung bình 20%”, nguồn tin trong ngành nói với Nikkei Asia. Trong đó, giá của những thiết bị quan trọng, ví dụ như hệ thống in thạch bản, đã tăng gấp ba lần.
Nguồn tin từ Công ty Sumitomo Mitsui Finance and Leasing cho biết giá của các máy móc trên đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm ngay sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008. Trong khi đó, nguồn tin từ Mitsubishi UFJ Lease & Finance cho biết “gần 90% các máy móc đã qua sử dụng được ghi nhận sẽ xuất đến Trung Quốc”.
Bắc Kinh đang thúc đẩy hoạt động sản xuất vật liệu bán dẫn trong bối cảnh bị Mỹ giới hạn tiếp cận công nghệ sản xuất chip. Vì không thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất từ Mỹ, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm tới máy móc đời cũ.
“Tôi nghe nói một số nhà sản xuất Trung Quốc chỉ cần mua hết máy móc, ngay cả khi họ chưa cần dùng ngay”, một nguồn tin nói với Nikkei Asia.
Một nguồn tin khác cho biết "các máy móc gần như vô giá trị vài năm về trước đang được bán với giá 100 triệu yen (940.000 USD)".
Bên cạnh đó, các yêu cầu giới hạn ra đường do đại dịch COVID-19 đã trở thành một phần lý do cho diễn biến nêu trên. Nhu cầu vi mạch điện tử dành cho tivi và màn hình máy tính, cũng như các chip quản lý dùng trong các thiết bị gia dụng, đang tăng lên.
Những loại chip này được sản xuất từ các thiết bị đời cũ, khiến ngay cả những máy móc không thuộc hàng tân tiến nhất cũng được tiêu thụ nhanh chóng.
Hệ quả đi kèm sự thiếu hụt nguồn vật liệu bán dẫn cho ngành tự động hóa sẽ tiếp tục trở nên khan hiếm, Nikkei Asia nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận