22/07/2021 17:17 GMT+7

Doanh nghiệp nói gì về đề xuất giảm thuế để 'hạ nhiệt' giá thép của Bộ Tài chính?

N.AN
N.AN

TTO - Các doanh nghiệp sản xuất thép cho rằng việc giảm thuế nhập khẩu thép xây dựng và tăng thuế xuất khẩu phôi thép có thể đẩy ngành thép vào khó khăn và mất thị trường xuất khẩu, trong khi nhu cầu trong nước hiện vẫn được đảm bảo.

Doanh nghiệp nói gì về đề xuất giảm thuế để hạ nhiệt giá thép của Bộ Tài chính? - Ảnh 1.

Bộ Công thương từng khẳng định không có cơ sở kết luận doanh nghiệp bắt tay tăng giá thép - Ảnh: N.AN

Trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm thuế với một số mặt hàng thép xây dựng còn 10-15% và tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5% với mục tiêu để góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép, giữ cho sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp cho rằng không phù hợp.

Trong văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho hay thời gian qua khi giá thép thế giới giảm, giá trong nước đã điều chỉnh giảm khoảng 1,4 triệu đồng/tấn với thép xây dựng.

Công ty này khẳng định giá thép ở Việt Nam là một trong những vùng thấp nhất thế giới, đơn cử như giá thép cuộn cán nóng (HRC) ở Mỹ là 1.500 USD/tấn, châu Âu là 1.200 USD/tấn và ở Việt Nam, công ty này đang bán dưới 1.000 USD/tấn và chưa có kế hoạch xuất khẩu, ưu tiên thị trường trong nước.

"Đề xuất áp thuế xuất khẩu với phôi thép và giảm thuế nhập khẩu với một số sản phẩm thép sẽ gây tác động kép, ảnh hưởng xấu đến các công ty sản xuất thép" - Hòa Phát đánh giá.

Công ty CP Tập đoàn Hòa Sen cho biết thị trường thép Việt Nam đang có cạnh tranh rất mạnh, khi sản phẩm thép nội địa bán phá giá tại thị trường Việt Nam. Việc giá thép tăng cao không mang tính cục bộ, mà do nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng. 

Cho rằng giá thép tăng chỉ mang tính ngắn hạn nên doanh nghiệp này cho rằng không nên dùng chính sách thuế để điều tiết những biến động ngắn hạn của thị trường.

Trong văn bản kiến nghị, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng để sản xuất ổn định doanh nghiệp phải chấp nhận mua giá nguyên liệu cao, cung ứng hàng đầy đủ cho thị trường. Do đó, VSA cho rằng việc đề xuất điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu với sắt thép là chưa phù hợp với thực trạng ngành sản xuất thép.

"Chính sách thuế xuất, nhập khẩu nói chung và thuế xuất, nhập khẩu thép là những chính sách dài hạn góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, trong đó có thép phát triển bền vững, chứ không phải là giải pháp ngắn hạn trước mắt để xử lý hiện tượng tăng, giảm của thị trường nhất thời" - VSA kiến nghị Chính phủ cần có chính sách nhất quán để bảo vệ sản xuất trong nước.

Trước đó, giá thép xây dựng liên tục tăng phi mã từ 40 - 50% so với hồi đầu năm khiến cho nhiều doanh nghiệp, đơn vị nhà thầu xây dựng gặp khó khăn, chi phí đội lên. Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần làm rõ biến động giá nhập khẩu quặng thép để có giải pháp kiểm soát phù hợp, làm rõ việc có hay không doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá thép.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình sản xuất kinh doanh, biến động giá thép tại một số doanh nghiệp. Đến nay, việc kiểm tra đã cơ bản hoàn tất và bộ này đang có báo cáo gửi Chính phủ, trong khi trước đó từng khẳng định "không có cơ sở kết luận các doanh nghiệp thép bắt tay tăng giá".

‘Lập quỹ bình ổn giá thép không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công thương ‘Lập quỹ bình ổn giá thép không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công thương'

TTO - Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3-6. Tại đây, Bộ GD-ĐT cũng thông tin về việc chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng kế hoạch.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên