19/05/2021 09:12 GMT+7

Giá thép tăng vọt, ngành xây dựng điêu đứng

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH
TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH

TTO - Chỉ từ đầu năm đến nay, giá sắt thép trong nước đã tăng 40 - 50% khiến nhiều người xây nhà gặp khó khăn vì đội vốn, nhiều nhà thầu rơi vào cảnh đang có lời hóa ra lỗ, thậm chí phá sản.

Giá thép tăng vọt, ngành xây dựng điêu đứng - Ảnh 1.

Giá vật liệu xây dựng tăng đột biến khiến nhiều nhà thầu bế tắc, công trình chậm tiến độ - Ảnh: N.HÙNG

Cùng với sắt thép, nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, ximăng, gạch đá... cũng té nước theo mưa khiến giá thành xây dựng bị đẩy lên, đẩy nguy cơ tăng giá nhà ngay trong những tháng cuối năm nay.

Nhiều nhà thầu có nguy cơ sụp đổ

Vừa nhận được thông tin tăng giá lần thứ 10 của một doanh nghiệp thép tại phía Nam, ông Vũ Huy Hoàng - tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng Hải Âu (HACO) - than thở với việc tăng giá liên tục như thời gian qua, các nhà thầu xây dựng không dám ký hợp đồng mới. 

Trong khi đó, những hợp đồng đã ký trước đó thì đang rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng vì giá thép và vật liệu xây dựng tăng đột biến tới 40 - 50% so với cuối năm 2020. Chỉ một dự án hơn 10 căn nhà tại Long An cho một chủ đầu tư, thế mà chỉ riêng tiền thép, HACO phải bù vào 2 tỉ đồng.

Cụ thể, đối với thép tròn (dùng làm bêtông cốt thép) cuối năm 2020 có giá 13 triệu đồng/tấn thì đến tuần qua lên 18,5 triệu đồng/tấn và đầu tuần này lên tới 19 triệu đồng/tấn. Nhưng thép hình và thép tấm (xây dựng các nhà máy) còn tăng cao hơn nữa. 

Hồi đầu năm nay thép này có giá 15 - 16 triệu đồng/tấn thì nay đã lên tới 24 - 25 triệu đồng/tấn, tăng 66%.

"Chỉ trong 5-6 tháng mà giá thép tăng tới 40 - 60%, như vậy không nhà thầu nào chịu nổi nếu đã ký hợp đồng từ trước, cầm chắc thua lỗ. Không những vậy, giá thép vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại nên ngành xây dựng rơi vào khủng hoảng. Các nhà thầu như chúng tôi không dám bỏ giá thầu, vì bỏ giá cao thì thua chắc, còn bỏ giá thấp thì nguy cơ thua lỗ. 

Bản thân các nhà cung cấp thép cho chúng tôi cũng yêu cầu đặt cọc ngay mới chốt giá vì họ cũng không thể biết các nhà máy sản xuất thép sẽ tăng giá lúc nào trong thời gian tới" - ông Hoàng phân tích.

Có ba công trình dân dụng và đã ký thỏa thuận với chủ nhà về tiến độ xây dựng, nhưng ông B.T.H. - giám đốc Công ty xây dựng M.K (Tân Bình) - chỉ mới tiến hành được một công trình xây nhà liền kề sau khi thống nhất được với chủ nhà về sự biến động của giá thép.

Theo ông B.T.H., khi công ty bắt đầu ký hợp đồng với chủ nhà đầu tháng 4-2021, giá thép dao động từ 18,4 - 18,75 triệu đồng/tấn. 10 ngày sau, giá thép nhảy vọt lên 19,4 - 19,5 triệu đồng/tấn khiến ông chới với. Đàm phán với chủ nhà không xong, công ty chấp nhận phải xử lý phần chi phí do giá thép "đội" lên.

"Đến nay giá thép tiếp tục vọt lên 19,8 - 19,9 triệu đồng/tấn, tăng thêm khoảng 4% so với cách đây hai tuần. Và trong các đàm phán giá với khách hàng từ đầu tháng 5-2021 đến nay, tôi đều nói rõ thép giao đến công trình thời điểm nào thì chốt giá đó" - ông B.T.H. phân trần.

Theo các nhà thầu xây dựng, với nhà dân dụng thì thép cây tròn chiếm khoảng 10 - 20% giá trị. Với nhà xưởng sắt thép chiếm tới 25 - 30%. Như vậy chỉ riêng thép thôi thì nhà thầu đã lỗ khoảng 15 - 20% so với giá trúng thầu. Nhà dân dụng thì chi phí tăng 15 - 20%, còn nhà xưởng tăng cao hơn nữa. 

Nếu như trước đây một công trình nhận thầu là 100 tỉ thì nay phải lên tới 130 tỉ mới dám nhận. Trong khi đối với ngành xây dựng tỉ lệ lợi nhuận của những nhà thầu quy mô vừa ở mức 5 - 6%. Các công trình dân dụng, thời gian thi công thường từ 1 năm trở lên nên nguy cơ bị tác động bởi trượt giá là rất lớn. 

Với giá tăng như thời gian qua thì rất nhiều công ty xây dựng rơi vào khủng hoảng, thậm chí sụp đổ.

Cũng theo ông Vũ Huy Hoàng, đâu chỉ có sắt thép, xăng dầu cũng tăng giá làm chi phí vận chuyển nguyên liệu tăng lên 20 - 30%, cát và đá tăng giá từ 15 - 20%, gạch xây tăng 10%, ximăng tăng, gạch ốp lát tăng, bêtông tăng... 5 - 10%. 

"Chúng tôi đã có những đơn gửi các chủ đầu tư hỗ trợ về giá thép tăng quá nóng, tuy nhiên chưa nhận được sự chia sẻ nào" - ông Hoàng cho biết.

Tính xây thêm nhà xưởng, cách đây 1 tháng nhà thầu báo giá 30 tỉ đồng, chỉ một tuần sau họ cập nhật lên 35 tỉ đồng vì giá thép tăng. Giờ 35 tỉ đồng cũng không thể làm được.

Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm tại Đồng Nai

Áp lực tăng giá bán nhà

Trong khi các nhà thầu đang đứng ngồi không yên thì người dân xây nhà hay các chủ đầu tư cũng lo lắng không kém.

Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm tại Đồng Nai cho biết kế hoạch xây thêm nhà xưởng đang bị chậm lại vì nhà thầu mỗi tuần đổi một giá. Cách đây 1 tháng, họ báo giá 30 tỉ đồng, giờ 35 tỉ đồng cũng không thể làm được.

Bà Phạm Thị Nga (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết phải tạm hoãn kế hoạch xây nhà trong năm nay. Bởi chi phí dự kiến xây nhà 4,5 tỉ, đã gồm tiền vay anh em và ngân hàng tới hơn 2 tỉ, giờ cần thêm 500 triệu đồng nữa là quá lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - tổng giám đốc Đại Phúc Land, mức giá thép tăng quá nóng cùng nhiều loại vật liệu khác cũng tăng giá đã làm tăng giá thành xây dựng, ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng. 

"Chắc chắn đến quý 3 và quý 4-2021, việc tăng giá trên sẽ tác động vào giá bán các sản phẩm bất động sản", bà nói.

Cà Mau: hơn 40 nhà thầu kêu cứu vì "bão giá" vật liệu

Theo các nhà thầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giá vật liệu xây dựng (VLXD) bắt đầu tăng từ đầu năm nhưng tăng mạnh nhất là hai tháng trở lại đây đã khiến nhiều nhà thầu "méo mặt".

Một doanh nghiệp tham gia đấu và trúng thầu nhiều công trình xây dựng tại Cà Mau than: "Chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Nếu làm tiếp thì chắc chắn thua lỗ, có nguy cơ phá sản nhưng nếu không làm sẽ bị phạt vì vi phạm hợp đồng. Mà khi doanh nghiệp xây dựng bị phạt thì xem như hết làm ăn".

Ông Lâm Minh Thời, giám đốc Ban quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cũng thông tin: "Do giá VLXD tăng cao ảnh hưởng đến hợp đồng xây dựng và tiến độ dự án. Một số dự án nếu có phát sinh, đa số không thống nhất được giá, vì vậy dẫn đến công trình dang dở".

Trước thực tế này, một động thái "xưa nay hiếm" là 40 doanh nghiệp trên địa bàn Cà Mau vừa đồng loạt ký đơn "cầu cứu" UBND tỉnh Cà Mau và các sở ngành liên quan, kiến nghị điều chỉnh giá VLXD và đơn giá nhân công cho sát với giá thực tế.

Cũng theo các doanh nghiệp, không chỉ tình hình giá VLXD biến động, tăng cao mà còn khan hiếm, nhiều khi mua không có hoặc có nhưng rất ít, không đủ để thi công.

N.HÙNG - L.DÂN

Chưa biết khi nào dừng tăng giá

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, việc điều chỉnh giá gần như được tiến hành đồng loạt ở các doanh nghiệp sản xuất thép trong cùng một thời gian, dẫn đến việc "mua ở đâu cũng vậy".

Đặc biệt, nếu trước giá thép của Vinakyoie luôn cao nhất thì hiện nay thép Hòa Phát đã ngang giá tại thị trường miền Nam, cao hơn cả Pomina và VnSteel khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tấn và luôn trong tình trạng "cháy" hàng.

"Hồi trước nhà phân phối còn để cho chúng tôi các kiểu chiết khấu khác nhau, từ chiết khấu theo tháng, theo sản lượng... nhưng giờ thì cắt sạch" - ông Nguyễn Tiến, một nhà phân phối của thương hiệu thép Việt Nhật, ấm ức nói.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Thép VN (VSA), không chỉ tại VN mà ở khắp nơi trên thế giới, giá thép tăng vì nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép thiếu. Giá phôi, thép phế liệu, điện cực graphite cho đến than mỡ luyện coke, quặng sắt 62%... đều tăng giá rất mạnh kể từ cuối năm 2020.

Mặt khác, nhu cầu nội địa Trung Quốc phục hồi sau COVID-19 nhưng sản lượng sản xuất thép của quốc gia sử dụng thép nhiều nhất này lại giảm do chính sách kiểm soát ô nhiễm.

Thông tin giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-5-2021 tại Trung Quốc càng đẩy giá thép trên các sàn thương mại hàng hóa "điên loạn" hơn.

T.V.N. - T.M.

Chính quyền Trung Quốc nỗ lực kiểm soát giá thép

Hôm 14-5, các nhà quản lý thị trường tại thành phố Thượng Hải và Đường Sơn (Trung Quốc) đã yêu cầu các nhà máy thép "báo giá bán hợp lý" và phối hợp trong việc ổn định giá sắt thép, cảnh cáo các công ty thép địa phương về việc lợi dụng giá tăng, thông đồng và lan truyền thông tin sai lệch để bán giá cao kiếm lời.

Chính quyền cũng cấm việc tăng giá quá mạnh, trừ khi "có những thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất".

Trung tâm thép Đường Sơn của Trung Quốc - nơi sản xuất nhiều thép hơn cả Ấn Độ - cũng đưa ra một thông báo sẽ xử lý nghiêm nhà sản xuất thép thao túng giá thị trường hoặc găm hàng tích trữ.

Sau khi Đường Sơn và Thượng Hải ra những thông báo trên, giá sắt thép giảm mạnh 2 phiên sau đó với mức giảm 2 loại thép chính khoảng 9%.

Trước đó, Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 13-5 cũng đưa ra chỉ đạo sau khi giá nhiều loại hàng hóa tiếp tục tăng cao, đồng thời hạn chế các hệ quả liên quan.

NGUYÊN HẠNH

Giá nhà có thể sẽ tăng tới 20%?

qdi_3686_resize 3(read-only)

Giá thép đồng loạt tăng quá mạnh khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc, nghi ngờ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giá 1kg thép cuộn phi 6, phi 8 của Hòa Phát tháng 12-2020 khoảng 12.600 đồng/kg, đến tháng 5-2021 đã tăng lên 19.400 đồng/kg, tăng 6.800 đồng/kg. Cũng trong khoảng thời gian này, giá thép Việt Nhật cùng loại tăng từ 11.950 đồng/kg lên 19.450 đồng/kg...

Đại lý không dám xuất hàng

Ông Nguyễn Văn Nam - chủ kinh doanh các mặt hàng sắt thép khu vực Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - cho biết chưa bao giờ giá thép thay đổi liên tục như hiện nay, nhiều cửa hàng không dám xuất hàng với lượng lớn bởi có thể chỉ vài tiếng sau, giá đã thay đổi.

Theo ông Vũ Kim Giang - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát, giá vật liệu xây dựng tăng hiển nhiên đẩy giá xây dựng cao hơn. Điều này buộc các doanh nghiệp phải xem xét việc điều chỉnh giá bán nhà và phải giải trình cho khách hàng hiểu.

Tùy từng kết cấu công trình, giá nhà có thể tăng quanh mức 20%.

Đề nghị làm rõ khả năng "làm giá"

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Namt, cho rằng giá thép tăng đột biến 40 - 45% so với cuối năm 2020, ximăng thời gian qua cũng tăng giá 30.000 - 40.000 đồng/tấn... khiến trước đây xây thô giá 1m2 nhà riêng lẻ khoảng 4 triệu đồng, giờ phải 4,5 - 4,8 triệu đồng, vì thế giá nhà chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới.

Để tránh chuyện làm giá, cơ quan chức năng cần làm rõ giá nhập quặng thép quý 4 là bao nhiêu để có giải pháp kiểm soát giá phù hợp. Các nhà thầu rất mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước làm rõ biến động giá phôi thép nhập khẩu có tương ứng với biến động tăng giá thép đột biến trên thị trường 5 tháng đầu năm.

Ông Hiệp cảnh báo ngành xây dựng hiện đóng góp khoảng 8-9% GDP cả nước, nếu ngành xây dựng bị tê liệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% năm nay. Giá thép cứ tăng đến hết quý 3 như dự báo, theo ông Hiệp, nhiều dự án xây dựng sẽ vỡ trận, công ty xây dựng sẽ đóng cửa, phá sản, nhiều công trình sẽ đình trệ...

Chủ nhiều đại lý thép tại Hà Nội cho biết chưa bao giờ giá thép xây dựng tăng điên loạn và liên tục như hiện nay. Giá nhà có thể sẽ tăng tới 20%.

BẢO NGỌC

Bộ Công thương: năng lực sản xuất đảm bảo 100% nhu cầu

Để hạ nhiệt giá thép, bên cạnh kiến nghị về thuế xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho hay với thép xây dựng, bộ này sẽ tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Về nguồn cung thép xây dựng, Bộ Công thương khẳng định năng lực sản xuất của thép xây dựng trong nước hiện nay khoảng 14 triệu tấn/năm, bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Hàng loạt hàng hóa đầu vào tăng

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đầu vào tháng 4-2021 tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, đáng lưu ý nhất là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá thép tăng cao, người chăn nuôi, các doanh nghiệp xây dựng đối mặt nhiều thách thức.

Hiện giá nhiều loại ngũ cốc như ngô, đậu tương vẫn tiếp tục tăng, trong khi VN nhập khẩu 80 - 85% nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tính chung 4 tháng, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng 8,79%.

Kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng thép, ổn định cung cầu Kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng thép, ổn định cung cầu

TTO - Giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao làm giá thép thành phẩm tăng, Bộ Công thương cho hay đã kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu với mặt hàng thép trong nước đang có nhu cầu.

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên