29/07/2021 14:23 GMT+7

Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi chính quyền Joe Biden gửi thêm vắc xin cho Việt Nam

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) đại diện cho 1.000 doanh nghiệp hôm 27-7 đã gửi thư đề nghị Tổng thống Joe Biden gửi thêm vắc xin COVID-19 cho Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng may mặc.

Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi chính quyền Joe Biden gửi thêm vắc xin cho Việt Nam - Ảnh 1.

Lô vắc xin 2 triệu liều của Hãng Moderna tới sân bay Nội Bài, Hà Nội sáng sớm 10-7 - Ảnh: NAM TRẦN

Trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Biden, AAFA bày tỏ lo ngại trước đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam, nhấn mạnh đây là nơi đặt các nhà máy cung ứng có thể ảnh hưởng tới sự thành công của ngành may mặc Mỹ và 3 triệu người Mỹ.

Đại diện AAFA, ông Steve Lamar, khẩn thiết kêu gọi chính quyền Mỹ cung cấp nhiều hơn nữa vắc xin cho Việt Nam, bao gồm cả vắc xin AstraZeneca trong kho dự trữ và các bộ xét nghiệm, đồ bảo hộ y tế.

"Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp chính các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành sản xuất giày dép đang phát triển nhanh chóng của Mỹ. Do đó, sự thành công của chúng ta phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe, theo đúng nghĩa đen, của ngành công nghiệp Việt Nam", ông Lamar lập luận.

AAFA đại diện cho khoảng 1.000 doanh nghiệp và thương hiệu, bao gồm Gap, Adidas và Nike. Các thành viên của hiệp hội sản xuất các sản phẩm khác nhau, từ áo sơmi Calvin Klein đến giày ECCO và balô Jansport.

Theo AAFA, Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng dệt may, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, chiếm 20% tổng lượng hàng nhập khẩu.

"Hành động ngay lập tức và mạnh mẽ của chính quyền Mỹ sẽ không chỉ cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới mà còn cứu được đà phục hồi kinh tế của Mỹ", đại diện AAFA tiếp tục thuyết phục trong thư gửi ông Biden.

Đây là lần thứ hai trong 2 tháng qua AAFA gửi thư cho Nhà Trắng, đề nghị tiếp tục cung cấp vắc xin COVID-19 cho Việt Nam và một số nước khác trong chuỗi cung ứng hàng may mặc, giày dép Mỹ.

Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi chính quyền Joe Biden gửi thêm vắc xin cho Việt Nam - Ảnh 2.

Bên trong một xưởng may Việt Nam - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Trong lá thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng ngày 27-7, ông Lamar kêu gọi Việt Nam ưu tiên vắc xin COVID-19 cho nhân lực ngành may mặc, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.

Người đứng đầu AAFA cũng đề nghị Chính phủ phối hợp với các đối tác của AAFA là Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (LEFASO), triển khai các biện pháp giúp nhóm ngành này và các công nhân có thể sản xuất, vận chuyển hàng hóa an toàn.

Một số nhà cung cấp cho các công ty may mặc và thương hiệu Mỹ, bao gồm Nike, đã phải tạm dừng sản xuất trong tháng này vì COVID-19, theo tuần báo Nikkei Asia của Nhật Bản.

Khi được hỏi liệu việc tạm dừng hoạt động của các nhà máy ở Việt Nam có gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng hay không, Nike cho biết vẫn xoay xở được trong ngắn hạn.

"Chúng tôi mong các nhà cung cấp ưu tiên sức khỏe và sinh kế của người lao động, tuân thủ các quy định pháp lý và nguyên tắc khi làm việc với Nike trong các vấn đề liên quan tiền lương, phúc lợi và thôi việc", Nike phản hồi Nikkei Asia ngày 28-7.

Theo Nikkei Asia, người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng và quen với các sản phẩm "Made in Vietnam". Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Mỹ đã chuyển hơn 5 triệu liều vắc xin các loại cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Nhà Trắng và các quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sự hỗ trợ của Washington là vì mục đích nhân đạo, không đi kèm bất kỳ điều kiện nào.

Mỹ xem xét viện trợ thêm vắc xin cho Việt Nam sau 5 triệu liều Moderna Mỹ xem xét viện trợ thêm vắc xin cho Việt Nam sau 5 triệu liều Moderna

TTO - Mỹ cho biết đang xem xét viện trợ thêm vắc xin cho Việt Nam thời gian tới. "Đây là sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời và ý nghĩa đối với Việt Nam", đại sứ Hà Kim Ngọc nói.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên