Họ cho rằng việc bất nhất trong chính sách của hai lĩnh vực này đã đẩy không ít doanh nghiệp vào chỗ khó khăn, thậm chí phá sản.
Bà Phạm Thị Loan, chủ tịch Công ty Tập đoàn Việt Á, bức xúc cho rằng với cách làm việc như hiện nay của hải quan sau thông quan, doanh nghiệp rất dễ bị phá sản - Ảnh: Lê Thanh |
Buổi đối thoại do Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và công nghiệp VN tổ chức tại Hà Nội, thu hút hơn 400 doanh nghiệp phía Bắc tham gia.
Dễ phá sản với kiểm tra sau thông quan
“Sáng kiến” của cán bộ thuế Bà Dương Thị Thanh Hòa, Công ty TNHH ABB, nêu thực tế về giải thích của cán bộ thuế khiến doanh nghiệp không biết thế nào mà lần. “Quy định hiện hành không định nghĩa giao hàng ngoài VN là như thế nào. Tuy nhiên, cán bộ thuế Hà Nội giải thích rằng lấy căn cứ phao số 0 ở ngoài biển để xét giao hàng trong hay ngoài VN. Do đó, doanh nghiệp rất mong lãnh đạo Bộ Tài chính giải thích giúp về điều này”. Chia sẻ ý kiến này của doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn phải thốt lên rằng đây là “sáng kiến” lớn của cán bộ thuế. Chứ trên thực tế chưa thấy cảng nào giao hàng ở địa điểm phao số 0 ở ngoài khơi cả, trừ hàng buôn lậu. |
Mở đầu buổi đối thoại, bà Phạm Thị Loan, chủ tịch Công ty Tập đoàn Việt Á, cho biết hàng hóa của Việt Á nhập khẩu là cáp quang cho ngành điện và ngành viễn thông đã có mã định danh với thuế suất 0% nhưng hải quan sau thông quan kiểm tra và quy về thuế suất 3%.
Tương tự, hộp nối cáp quang có mã định danh với thuế suất 0% cũng bị quy vào 20% và truy thu thuế 5 năm. “Việc kiểm tra sau thông quan nhằm tránh doanh nghiệp gian lận nhưng thực tế với cách làm việc như hiện nay của hải quan, doanh nghiệp rất dễ bị phá sản” - bà Loan bức xúc.
Chưa hết, các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị ngành điện cũng đang khủng hoảng bởi máy biến dòng, máy biến điện áp cao thế 10KV có chung mã với thuế nhập khẩu là 5% nhưng hai năm nay một mặt hàng chịu thuế suất 5%, còn một mặt hàng bị áp 15%.
Giải thích việc thay đổi thuế suất hai sản phẩm trên, hải quan cho biết là do dịch sai.
“Chỉ một từ dịch sai của hải quan đã làm cho doanh nghiệp rất khổ sở, phá sản luôn. Điều rất khó hiểu là cơ quan hải quan lại còn truy thu thuế của doanh nghiệp nhiều năm đối với thay đổi thuế suất hai mặt hàng này, có doanh nghiệp bị truy thu 5 tỉ đồng” - một doanh nghiệp cho biết.
Nhiều doanh nghiệp rất lo lắng vì không biết áp vào mã nào để sau này được an toàn. Biểu thuế như một ma trận, cùng một mặt hàng mà không biết áp mã nào. Doanh nghiệp thường áp mã có thuế suất thấp, còn hải quan thì luôn muốn áp mã có thuế suất cao. Do vậy, theo các doanh nghiệp, Bộ Tài chính nên xét lại biểu thuế một cách triệt để.
Chỉ mong chính sách ổn định
Trao đổi tại buổi đối thoại, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, giải thích theo quy định kiểm tra sau thông quan chỉ kiểm tra những đối tượng có rủi ro cao về thuế.
Bộ Tài chính sẽ xin ý kiến bộ quản lý nhà nước đối với những mặt hàng này để giải quyết thấu đáo cho doanh nghiệp.
Kết quả đã xử lý mà ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp thì cơ quan hải quan sẽ phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.
Để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết Luật quản lý thuế sửa đổi có quy định doanh nghiệp có quyền đề nghị cơ quan hải quan xem xét việc áp mã, giá hàng hóa.
Trong trường hợp không thống nhất với quyết định của hải quan, doanh nghiệp có quyền khiếu nại lên bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính phải có ý kiến, trường hợp khó quá Bộ Tài chính phải lấy ý kiến các bộ chuyên ngành, hiệp hội để tìm ra đáp số đúng. Nhưng thực tế thời gian qua rất ít doanh nghiệp thực hiện quyền này của mình.
Do đó, ông Tuấn mong rằng thời gian tới doanh nghiệp tích cực trao đổi, kiến nghị, khiếu nại lên Bộ Tài chính về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi chính sách thuế và hải quan. Riêng các chính sách liên quan đến hải quan, theo kế hoạch, trong hai tuần tới Bộ Tài chính, hải quan, thuế sẽ làm việc với doanh nghiệp các ngành dệt may, da giày, thủy sản, điện tử để làm sao thực thi theo đúng tinh thần của Luật hải quan là tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế VN, đề nghị chính sách thuế ổn định để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. Bên cạnh đó, những sửa đổi chính sách thuế cần mang tính hệ thống để doanh nghiệp dễ triển khai.
Theo bà Cúc, doanh nghiệp cho biết chỉ mong muốn làm thế nào để không vi phạm pháp luật về thuế, không bị phạt, không bị dừng làm thủ tục hải quan chứ chưa nghĩ đến giảm giờ khai thuế.
Phúc lợi cho người lao động được đưa vào chi phí Ngày 30-10, bên lề buổi đối thoại với người nộp thuế, hoạt động nằm trong Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế 2014, bà Trần Thị Lệ Nga, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết thông tư 151 do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 15-11-2014 sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế, cắt giảm một số thủ tục hành chính thuế để tiết kiệm thời gian và chi phí của người nộp thuế. Chẳng hạn, về kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thông tư 151 nâng mức doanh thu kê khai quý của doanh nghiệp từ 20 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng và thời điểm kê khai theo quý áp dụng từ kỳ kê khai thuế GTGT quý 4-2014, giảm số lần kê khai thuế GTGT xuống còn 4 lần/năm, giảm số giờ nộp thuế GTGT của doanh nghiệp. Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), bỏ quy định doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính hằng quý, thay vào đó doanh nghiệp tự tính toán số nộp của mình và quyết toán thuế TNDN theo năm, số lần kê khai thuế TNDN sẽ giảm được 4 lần/năm. Ngoài ra, những khoản chi cho phúc lợi người lao động như nghỉ mát, 8-3, đám cưới, con em người lao động học giỏi... vẫn được đưa vào chi phí được trừ, nhưng không vượt quá bình quân một tháng lương thực tế của doanh nghiệp... Theo Tổng cục Thuế, cùng với nghị định số 91, việc thực hiện thông tư 151 sẽ giảm được 88,36 giờ thực hiện khai và nộp thuế của người nộp thuế. N.BÌNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận