Gặp khó về quỹ đất
Trình bày tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Linh - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn giáo dục Việt Mỹ - cho biết: "Một trong những khó khăn chúng tôi đang gặp phải là vấn đề quỹ đất. Khi có nhu cầu mở rộng cơ sở, chi phí đầu tư cho giải phóng mặt bằng khá cao. Vì vậy, cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng và vay vốn".
Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Mai - hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, quận 5, TP.HCM - cho biết trường đang gặp khó khăn trong việc có phòng học cho trẻ em nghèo.
Nhiều nhà hảo tâm mong muốn dành đất cho việc mở rộng các phòng học, nhưng không thể biến đất từ quy hoạch thổ cư thành đất cho giáo dục được.
Gặp khó khăn trong việc giá thuê mặt bằng cao trong bối cảnh tuyển sinh giảm, bà Lê Thị Kiều Hoa - Trường tiểu học Nam Việt - đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng như các sở ban ngành rằng: "Chúng tôi có thể thuê đất của Nhà nước được hay không?".
Cũng gặp những khó khăn này, ông Bùi Thanh Sơn thuộc Công ty Giáo dục Sớm Sài Gòn cũng cho biết doanh nghiệp này mong muốn tiếp cận quỹ đất cho giáo dục, mong được vay vốn ưu đãi cho giáo dục.
Trước những câu hỏi liên quan đến quỹ đất và yêu cầu phải là đất quy hoạch giáo dục, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết nguyên tắc sử dụng đất phải phù hợp quy hoạch. Chức năng nhiệm vụ quy hoạch thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM.
"Việc xây dựng cơ sở giáo dục phải đảm bảo phù hợp quy hoạch và phù hợp với yêu cầu giao thông khu vực đó".
Sắp có nhiều dự án trường học mời gọi đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - nói: "Quỹ đất cho giáo dục hiện nay là khó khăn. Nội thành đã khó khăn. Quỹ đất trường công còn khó thì quỹ đất dành cho trường tư còn khó nữa".
Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, sắp tới TP.HCM sẽ xây dựng nhiều trường học và sắp có 106 dự án trường học được TP.HCM mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư, với những gói đầu tư cần vốn trên 100 tỉ đồng.
Vì thế, các công ty đầu tư cho giáo dục cần chuẩn bị sẵn nguồn lực để có thể đầu tư vào các dự án này.
Về nguồn vốn cho giáo dục, ông Nam cho biết hiện nay TP.HCM có nguồn vốn vay kích cầu cho giáo dục, với ưu đãi lãi suất 0% trong vòng 7 năm.
Đối với những doanh nghiệp giáo dục mua đất, thuê đất nhưng quy hoạch không phải đất cho giáo dục thì chỉ cần đăng ký biến động trong thời gian để chuyển sang đất cho giáo dục.
"Ví dụ có thể đăng ký biến động từ đất thổ cư sang đất cho giáo dục trong vòng 10 năm, sau đó tiếp tục đăng ký khi hết thời hạn" - ông Nam nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nói rằng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và các ban ngành TP đã lắng nghe những khó khăn từ các nhà đầu tư vào giáo dục và cũng ghi nhận một số khó khăn, bất cập đang tồn tại.
TP.HCM sẽ chủ động đề xuất chính sách hỗ trợ cho phép và mạnh dạn đề xuất những chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục.
TP.HCM kêu gọi đầu tư xây dựng 4.500 phòng học, có sẵn quỹ đất
Tại hội nghị, ông Dương Anh Đức cho biết sắp tới TP.HCM sẽ kêu gọi đầu tư vào chương trình xây dựng 4.500 phòng học bằng hình thức đối tác công tư. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cùng với các ban ngành sẽ kêu gọi đầu tư.
Ông Dương Anh Đức cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục lưu ý việc đầu tư vào giáo dục là lĩnh vực đầu tư có điều kiện, và quá trình đầu tư cho giáo dục cần phải có tâm, có trách nhiệm vì sản phẩm đầu tư là con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận