![]() |
Việc khai thác đất diễn ra tràn lan ở Đà Nẵng gây bức xúc cho người dân - Ảnh: HỮU KHÁ |
Nội dung cuộc họp nhằm làm rõ có hay không việc cán bộ bao che dẫn đến chuyện khai thác đất đồi tràn lan ở Đà Nẵng.
Mở đầu cuộc họp, ông Thơ than phiền: “Việc khai thác lộn xộn, bát nháo vậy người dân họ gửi mail cho tôi chứ không thấy các anh báo cáo gì. Cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng lỏng lẻo trong quản lý khai thác đất đồi. Vì sao doanh nghiệp đem cả đội quân, xe pháo ầm ầm khai thác đất đồi vượt ra ngoài phạm vi cấp phép đem đi bán, vượt khối lượng mà các anh không phát hiện được. Có ai bao che việc này không, phải làm rõ để xử lý”.
Đau xót lắm
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, hiện toàn TP Đà Nẵng đã cấp 40 giấy phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Trong đó có 22 giấy phép đã hết hạn khai thác, 5 giấy phép đã bị thu hồi, 3 giấy phép doanh nghiệp trả lại, còn 10 giấy phép doanh nghiệp đang khai thác, chủ yếu là đất đồi.
Ông Lê Văn Sơn, chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, nói việc khai thác đất đồi thời gian vừa qua do quản lý không chặt đã dẫn đến khu vực núi đồi Phước Tường tan hoang.
“Chúng tôi ở cấp quận, việc Quân khu 5 họ cho phép doanh nghiệp đào đồi núi lấy đất đi với lý do cải tạo trường bắn, dù tình hình rất phức tạp nhưng không thể vào khu vực quân đội để kiểm tra. Tôi cho rằng có cải tạo làm trường bắn hay kho bãi gì đi nữa thì cũng làm theo quy hoạch để đảm bảo cảnh quan, môi trường chung của TP. Bây giờ phía trên đó họ cho đào bới tơi bời. Bây giờ các anh có dịp đi kiểm tra đứng trên đường 14B nhìn vào khu vực đồi núi thấy đau xót lắm. Thấy núi non bị đào bới, nham nhở nhìn rất phản cảm” - ông Sơn bức xúc.
Theo ông Sơn, việc các đơn vị quân đội lấy lý do “cải tạo” cho doanh nghiệp mang đất dư thừa đi bán thì chính quyền quận không tài nào vào kiểm tra được. Quận chỉ xử phạt được một số lỗi như xe chở vượt tốc độ, quá tải, rơi vãi không đảm bảo môi trường.
Trong khi đó, ông Đặng Phú Hành, phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết điều lo lắng nhất của chính quyền địa phương là tình trạng doanh nghiệp khai thác đất đồi xong rồi bỏ đi nhưng không chịu hoàn thổ, trả lại mặt bằng. “Sau khi lấy hết đất đem đi bán, doanh nghiệp họ trả lại mặt bằng theo kiểu đối phó, họ trồng ít cây keo lá tràm nhưng cây không sống được. Hiện nay các điểm mà doanh nghiệp đã khai thác xong không phục hồi môi trường được vì phần đất ngon doanh nghiệp họ “ăn” hết rồi, giờ còn lại toàn đá thì làm sao trồng cây sống được”. Theo ông Hành thì TP cần có biện pháp cứng rắn buộc doanh nghiệp phải bỏ tiền ra phục hồi môi trường như đã cam kết.
![]() |
Ông Thơ gọi giám đốc và phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng lên xem đơn tố cáo của người dân về việc cán bộ bao che để cho doanh nghiệp khai thác đất vượt khối lượng - Ảnh: HỮU KHÁ |
Truy cán bộ bao che
Tại cuộc họp, ông Thơ chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường có biết hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp khai thác vượt phạm vi cho phép, vượt khối lượng không. Ông Đặng Quang Vinh, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP Đà Nẵng, cho biết có 4 doanh nghiệp, tuy nhiên khối lượng mà doanh nghiệp “đào trộm” thêm bao nhiêu thì không nắm được.
Ông Thơ nói: “Các anh báo cáo như vậy là quá ít, tôi tin chắc chắn sẽ nhiều hơn, rồi tôi sẽ đi kiểm tra chứ không phải chỉ nghe các anh báo cáo đâu”.
Theo báo cáo của ông Đặng Quang Vinh, có 16 doanh nghiệp khai thác đất đồi xong nhưng chưa hoàn thổ trả lại mặt bằng như cam kết. Ông Thơ hỏi: “Vậy doanh nghiệp họ “ăn” đất xong rồi bỏ chạy, không chịu hoàn thổ, các anh có biện pháp gì xử lý không?". Ông Vinh trả lời: “Sắp tới chúng em sẽ làm, mức phạt là 140 triệu đồng nếu họ không chịu hoàn thổ”.
Không đồng ý với cách trả lời trên, ông Thơ nói rằng: “Các anh làm như vậy là vuốt đuôi rồi. Mức phạt đó là quá thấp, bây giờ doanh nghiệp họ nộp phạt rồi bỏ chạy luôn, vậy tiền phạt đó cộng với tiền ký quỹ liệu các anh có đủ để hoàn thổ không”. Người lãnh đạo tham dự cuộc họp lắc đầu bảo “không đủ”.
Ông Thơ cho biết việc quản lý lỏng lẻo để doanh nghiệp khai thác đất ra ngoài phạm vi cấp phép, vượt khối lượng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Ông Thơ hỏi khi doanh nghiệp họ khai thác đất vượt khối lượng rất lớn như vậy có đóng đồng nào cho ngân sách không thì lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường trả lời “không đóng đồng nào”. Theo ông Thơ thì sắp tới Sở Tài nguyên - môi trường phải ra tay truy thu tất cả các khoản mà doanh nghiệp khai thác vượt khối lượng và truy “ông cán bộ nào đã bao che cho việc đó”.
Còn về việc “cải tạo” đất ở khu vực quân đội, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói: “Trước đây việc khai thác đất trong trường bắn, Quân khu 5 họ cho phép doanh nghiệp đưa đất ra. Sau đó thấy tình hình phức tạp, lãnh đạo TP đã có ý kiến với Quân khu 5 và sắp tới sẽ có ý kiến tiếp để xử lý đảm bảo môi trường chung”. Theo ông Thơ, phía quân đội có làm doanh trại hay làm trường bắn đi nữa thì cũng cần làm để đảm bảo cảnh quan, môi trường chung cho TP. Bây giờ đứng ngoài này nhìn vào thấy đồi núi bị khoét rất nham nhở.
Thay bí thư, chủ tịch, trưởng công an xã Ông Thơ nói vừa qua tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tràn lan ở huyện Hòa Vang nhưng chính quyền địa phương không xử lý được. “Không nói nhiều nữa, sắp tới ở đâu để xảy ra khai thác trái phép thì bí thư, chủ tịch, trưởng công an xã phải điều chuyển. Các anh nói hay lắm, nhưng họ đem cả xe tải vào xúc cát trộm ầm ầm cả đêm vậy mà không phát hiện bắt giữ được thì nói gì xảy ra vụ bắt con gà, con chó của dân mấy anh chịu làm ra. Việc trộm cát mà các anh không phát hiện được thì đừng có nói bảo vệ bình yên xóm làng” - ông Thơ nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận